(Baothanhhoa.vn) - Câu chuyện khá đặc biệt mà tôi tình cờ được biết về một cô gái miền xuôi lên Nông trường Bãi Trành, huyện vùng cao Như Xuân làm công nhân hái chè, nhưng rồi tình cờ lại trở thành cô nuôi dạy trẻ theo cái cách mà có lẽ không ai nghĩ tới - những lá phiếu bầu. Để rồi từ cái “duyên nghề, duyên nghiệp” buổi ban đầu ấy, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, cô gái mảnh khảnh năm nào đã kiên cường “bám bản” nơi vùng đất khó suốt gần 40 năm qua. Cô là Nguyễn Thị Mận, hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Bãi Trành (Như Xuân).

Từ nữ công nhân hái chè trở thành cô nuôi dạy trẻ

Câu chuyện khá đặc biệt mà tôi tình cờ được biết về một cô gái miền xuôi lên Nông trường Bãi Trành, huyện vùng cao Như Xuân làm công nhân hái chè, nhưng rồi tình cờ lại trở thành cô nuôi dạy trẻ theo cái cách mà có lẽ không ai nghĩ tới - những lá phiếu bầu. Để rồi từ cái “duyên nghề, duyên nghiệp” buổi ban đầu ấy, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, cô gái mảnh khảnh năm nào đã kiên cường “bám bản” nơi vùng đất khó suốt gần 40 năm qua. Cô là Nguyễn Thị Mận, hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Bãi Trành (Như Xuân).

Từ nữ công nhân hái chè trở thành cô nuôi dạy trẻ

Cô Mận bên các con tại Trường Mầm non Bãi Trành.

Duyên nghề…

Xã vùng cao Bãi Trành một sáng se lạnh đầu đông. Đâu đó tiếng nói, tiếng cười rôm rả vang lên một góc trường. Từ trong lớp sương hãy còn phủ dày dưới ngôi trường vùng cao, trong đám đông mờ mờ ấy tôi vẫn kịp nhận ra hình ảnh cô Mận với tay cuốc, tay liềm, quần ống cao, ống thấp nhưng nhanh nhảu đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu và chất giọng trìu mến. Hóa ra, nay chị em giáo viên trường mầm non Bãi Trành ra quân tổng dọn vệ sinh và cải tạo lại khuôn viên, sân vườn. Cô Mận chỉ tay về phía trước rồi nói, vùng này là trồng các luống rau sạch để phục vụ bữa ăn cho các con. Luống kia là khu vườn hoa - khu khuôn viên - khu vui chơi của các con. Cô Mận phân tích một cách chi tiết như đó là tình yêu, là sức sống của cô vậy. Với tôi mà nói, dù trước đó đã được nghe nhiều về cô, và những điều đặc biệt của người giáo viên mẫn cán, nhưng có lẽ, gặp đối diện, tâm sự với cô cho chúng tôi cái nhìn chân thực nhất về người phụ nữ, một giáo viên vùng khó với ý chí và nghị lực kiên cường.

Đó là câu chuyện từ những năm đầu 1980, cô gái trẻ xinh đẹp, nhỏ nhắn Nguyễn Thị Mận (sinh năm 1967, xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương) ghi danh làm công nhân hái chè ở Nông trường Bãi Trành. Từ mong muốn có thêm nguồn thu nhập phụ giúp phần nào kinh tế cho gia đình đông người, nghèo khó. Ngày ấy, khi mới lên nông trường trải nghiệm cuộc sống vùng cao đầy khó nhọc nhưng cô Mận bảo, mình chưa lập gia đình còn đỡ vất vả, nhiều cặp vợ chồng rất khó khăn trong chuyện nuôi dạy con cái. Có gia đình không có người trông nom phải địu con ngất ngưởng trên lưng, bươn trên những đồi chè. Có gia đình phải gửi con ở xuôi cho ông bà, bố mẹ chăm sóc, rồi vì nhớ con mà cứ đi đi về về, hiệu quả công việc thấp… Từ những bức thiết đó, Ban quản lý Nông trường Bãi Trành bấy giờ đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu chọn ra những công nhân có tố chất, mở lớp trông giữ trẻ. “Cuộc thi tuyển chọn ngày ấy diễn ra với các phần thi như múa, hát, dỗ dành cho trẻ ăn, ngủ, trò chuyện với trẻ, dạy trẻ học chữ… Mình trúng tuyển với số phiếu đánh giá cao nhất. Dù chưa từng một ngày được đào tạo nghiệp vụ giáo dục mầm non nhưng ai cũng khen những phần thi năng khiếu và tố chất của một cô nuôi dạy trẻ, cần phát huy” - Cô Mận trải lòng.

Nhớ về lớp học ngày ấy ở nông trường có khoảng 20 cháu ở nhiều độ tuổi khác nhau. Các cô trông nom, chăm sóc đến trưa thì bố mẹ đến đón về. Có gia đình bố mẹ bận không thể đến đón con, cô Mận lại chăm ăn, chăm ngủ như chính con cái mình. Cô bảo, cũng bởi chuyện đó mà có những chàng trai chưa kịp ngỏ lời tán tỉnh đã hiểu nhầm cô mà bỏ cuộc sớm. Phần chữ duyên với nghề nuôi dạy trẻ, tự bao giờ cô công nhân hái chè năm nào đã trở thành cô giáo như một định mệnh với nghề. Song, để có được những thành công, cô Mận hiểu rằng, không chỉ dừng lại ở việc cho trẻ ăn, ngủ, yêu thương trẻ là đủ. Phải có kiến thức nghề, phải chính quy bằng cấp… Xuất phát từ thực tế đó, cô đã nỗ lực vừa học vừa làm. Cô Mận thi tuyển lên cấp ba rồi đi học lớp sơ cấp sư phạm, sau này tiếp tục học lên đại học sư phạm mầm non, dần chuẩn hóa các loại bằng cấp. Cô chia sẻ: “Việc vừa học, vừa làm bấy giờ rất khó khăn. Đặc biệt bản thân là nữ giới, chuyện đi đi lại lại giữa miền núi, miền xuôi rất vất vả, nhất là lúc bấy giờ đường sá, xe cộ khó khăn, không thuận tiện”. Thế nhưng, bằng tình yêu nghề và sự nỗ lực cống hiến, năm 1987 cô đã được biên chế trong ngành giáo dục, kinh qua nhiều vị trí hiệu phó rồi hiệu trưởng các Trường Mầm non Thanh Quân, Xuân Hòa, Hóa Quỳ và giờ là hiệu trưởng Trường Mầm non Bãi Trành…

Người xây trường chuẩn ở vùng khó!

Gần 40 năm qua, thống kê thành tích từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Xuân, cô Mận bằng kỹ năng lãnh đạo, sự tranh thủ ủng hộ của mình đã liên tiếp gặt hái những thành công mà nhiều người không dám nghĩ tới. Từ năm 2008 đến nay, cô Mận đã xây dựng thành công được 3 ngôi trường vùng khó đạt chuẩn. Trong đó có 2 trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 và 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đầu tiên phải kể tới thời điểm năm 2008, cô Mận với tinh thần xung phong vào vùng “sáu Thanh” - vùng đất của những xã xa xôi, khó khăn nhất của huyện miền núi Như Xuân. Cô đến với ngôi Trường Mầm non xã Thanh Quân. Mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 1 giữa vùng đất khó. Sau 2 ngày cuốc bộ lên nhận nhiệm vụ ở ngôi trường mới, lúc tới nơi trời tối như mực. Giữa thâm u của núi rừng, ánh đèn dầu leo lét duy nhất không đủ sáng để cô có cái nhìn tổng thể về ngôi trường. Ngồi bên bàn đèn, thỉnh thoảng tiếng thú rừng vẳng lại, khiến cô rùng mình. Rồi tiếng rầm rì, tiếng gió rít liên hồi từ những tán rừng sâu. Đêm đó, cô không thể ngủ. Rồi bình minh đầu tiên nơi rẻo cao xã Thanh Quân cũng đến. Ngôi trường 4 phòng học tranh, tre, nứa, lá xuống cấp hiện trước mặt cô sau lớp sương ken đặc. “Nói là trường cho sang chứ thực tế bấy giờ, lớp thì bằng tranh tre nứa lá mục mòn, thấp lẹt tẹt trên sườn đồi núi, không có sân trường, cũng chẳng có khuôn viên… Cả trường có 4 lớp với 50 cháu. Giáo viên chủ yếu là người địa phương nên việc phát huy vai trò của Nhân dân trong xây dựng trường, lớp còn nhiều hạn chế. Trong khi, phụ huynh chưa chú ý đến việc đưa con đến trường nên tỷ lệ học sinh thấp” - Cô Mận nhớ lại.

Điều đầu tiên khi cô Mận đến với ngôi trường này, cô bảo là tranh thủ sự ủng hộ của cấp chính quyền, và ngành giáo dục của huyện. Bản thân là người miền xuôi lên bản xã vùng cao rất được yêu quý, coi trọng. Xuất phát từ sự ưu ái đó, cô đề xuất với chính quyền, ngành cho cải tạo, xây dựng lại các hạng mục của trường. Nhận được sự đồng tình, chiếc máy múc đã rầm rầm hoạt động ngày đêm tạo nên hình hài một ngôi trường mới với khuôn viên sân chơi rộng rãi, các lớp học được chỉnh trang hơn… Cô Mận phân tích, trường lớp có đẹp thì phụ huynh mới yên tâm giao con em cho mình. Vậy là, sau việc lớn đầu tiên cải tạo trường lớp, cô lại cùng với các giáo viên khác băng rừng, lội suối đến từng hộ gia đình vận động cho trẻ đến trường. Cuộc vận động kéo dài cả năm trời, và gặp không ít khó khăn do quan điểm của người dân cũng như việc bất đồng về ngôn ngữ. Bà con nói tiếng Thái bản địa, mỗi lần đi vận động cô buộc phải có thông dịch đi cùng.

Không chỉ khó khăn về ngôn ngữ, điều kiện đường sá đi lại ở vùng Thanh Quân bấy giờ cũng hết sức khó khăn. Mọi cung đường bấy giờ chủ yếu là đường mòn, cuốc bộ. Cô Mận nhớ, có lần về tết, khi lên cô đèo được 2 chiếc bánh chưng, đường đi khó, đánh rơi xuống vực, mò tìm mãi không được, tủi thân mà ngồi khóc. Đặc biệt, những hôm trời bão gió, nước sông Chàng dâng lên, phải đi bằng bè chuối, bè luồng. Bồng bềnh, trôi nổi qua sông chẳng khác nào đang “đánh cược” mạng sống, trong khi đồng lương, phụ cấp thấp nếu không có tình yêu nghề thì khó có thể vượt qua. “Tôi nhớ nhất là có lần ra huyện để họp. Trời mưa như trút nước, con đường trơn trượt, sạt lở, phải ở nhờ trong dân mấy ngày ngày liền. Thầy, cô trong trường tưởng xảy ra chuyện chẳng lành, nhốn nháo đi tìm” - cô Mận kể.

Năm 2009, trường học xây xong, phụ huynh thay đổi nhận thức cho con em đến trường. Việc lớn thứ 3 mà cô Mận bảo là tổ chức cho các con ăn bán trú - một nhiệm vụ khó lúc bấy giờ. Không xã hội hóa, không đóng góp nhưng thay vào đó, các cô đi từng hộ để vận động các gia đình có con đi học góp gạo, góp rau, trứng, cá… Thế nhưng, chuyện tưởng khó lại nhận được sự đồng tình cao. Đa phần bà con đi làm nương, làm rẫy, việc không phải đón con, yên tâm giao cho nhà trường. Đặc biệt, có nhiều gia đình từ việc không cho con đến lớp đã thay đổi quan niệm. Năm 2010, Trường Mầm non Thanh Quân trở thành ngôi trường vùng đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện và là ngôi trường thứ 2 trên địa bàn (sau Trường Mầm non thị trấn Yên Cát) đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, thành tích ít ai dám nghĩ đến nhưng đã thành hiện thực.

Sau thành công của ngôi trường khó khăn bậc nhất xã Thanh Quân, bằng kinh nghiệm, sự nỗ lực, khéo léo của mình, cô Mận tiếp nhận nhiệm vụ mới ở Trường Mầm non Xuân Hòa, rồi năm 2016 cô Mận lại được điều động nhận nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn tại Trường Mầm non xã Xuân Quỳ. Không lâu sau ngày cô Mận nhận nhiệm vụ, Trường Mầm non Xuân Quỳ đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Từ tháng 8-2021 đến nay, cô Mận là Hiệu trưởng của Trường Mầm non Bãi Trành. Bằng tài năng của mình cô Mận một lần nữa xây dựng Trường Mầm non Bãi Trành đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Với những cống hiến cho ngành giáo dục, cô Mận đã được trao tặng nhiều giấy chứng nhận, giấy khen của ngành, Bằng khen của UBND tỉnh. Mới đây nhất, cô Mận đạt danh hiệu “Công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu xứ Thanh năm 2022”. Dù chỉ còn ít tháng nữa thôi, cô Mận sẽ nghỉ chế độ sau gần 40 năm cống hiến cho ngành. Song cô nói, còn một ngày với trường, với lớp cô vẫn tận tâm, nhiệt huyết với sứ mệnh “trồng người”.

Bài và ảnh: Đình Giang


Bài và ảnh: Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]