(Baothanhhoa.vn) - Để thực hiện nghiêm chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế việc người dân lợi dụng đi mua hàng thiết yếu để ra đường và giảm tối đa lượng người tập trung đông cùng lúc tại các chợ, những ngày vừa qua, TP Thanh Hóa đã phát phiếu mua hàng đến từng hộ dân. Đây là việc làm đúng đắn, kịp thời để kiểm soát lượng người tập trung tại chợ, siêu thị cùng một thời điểm và phục vụ việc truy vết, điều tra dịch tễ khi cần thiết. Tuy nhiên, qua 2 lần phát phiếu đã bộc lộ một số bất cập khi các phường, xã có những cách làm khác nhau.

Triển khai phiếu mua hàng trong thời gian giãn cách ở TP Thanh Hóa: Vẫn còn lúng túng

Để thực hiện nghiêm chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế việc người dân lợi dụng đi mua hàng thiết yếu để ra đường và giảm tối đa lượng người tập trung đông cùng lúc tại các chợ, những ngày vừa qua, TP Thanh Hóa đã phát phiếu mua hàng đến từng hộ dân. Đây là việc làm đúng đắn, kịp thời để kiểm soát lượng người tập trung tại chợ, siêu thị cùng một thời điểm và phục vụ việc truy vết, điều tra dịch tễ khi cần thiết. Tuy nhiên, qua 2 lần phát phiếu đã bộc lộ một số bất cập khi các phường, xã có những cách làm khác nhau.

Triển khai phiếu mua hàng trong thời gian giãn cách ở TP Thanh Hóa: Vẫn còn lúng túngLực lượng chức năng phường Đông Hương kiểm tra phiếu mua hàng của người dân. Ảnh: PV

Qua tìm hiểu của phóng viên trong tuần đầu thực hiện, việc triển khai phiếu mua hàng nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân TP Thanh Hóa... Khảo sát tại một số chợ truyền thống, siêu thị trong nội thành, người dân cơ bản chấp hành tốt quy định đi mua hàng đúng ngày, đúng giờ, đúng địa điểm được quy định trên phiếu. Đồng thời, thực hiện đeo khẩu trang, kê khai thông tin theo yêu cầu của ban quản lý chợ, nhân viên siêu thị... Bà Nguyễn Thị Lụa, phường Đông Sơn, chia sẻ: “Tôi thấy việc phát phiếu mua hàng cho người dân trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay là rất cần thiết, vì chợ, siêu thị là một trong những nơi rất dễ lây lan dịch bệnh nếu không được kiểm soát tốt. Việc đi mua hàng bằng phiếu giúp chúng tôi yên tâm hơn vì đã hạn chế được tập trung đông người”.

Song, trong lần đầu tiên triển khai phát phiếu mua hàng, do gấp gáp nên việc phát phiếu mua hàng đã nảy sinh một số bất cập, như: Một số phường, tổ dân phố phát phiếu cho người dân chưa đúng thời gian quy định; có nơi yêu cầu người dân đến nhà văn hóa lấy phiếu thay vì mang đến tận nhà cho từng gia đình; mẫu phiếu không thống nhất và còn gây ra những hiểu lầm về số lần đi mua hàng...

Ngoài những bất cập này, qua kiểm tra của tổ công tác UBND TP Thanh Hóa cũng cho thấy một số tồn tại đó là: Phiếu mua hàng của một số phường, xã chưa đúng mẫu phiếu do thành phố ban hành, chưa quy định cụ thể phạm vi, địa điểm mua hàng, thậm chí có đơn vị còn bỏ trống địa điểm mua hàng dẫn đến tình trạng người dân tự do sang các phường, xã khác đi chợ. Phiếu mua hàng không ghi rõ ngày đi mua hàng hoặc không phân chia thời gian mua hàng trong ngày dẫn đến không bảo đảm yêu cầu giãn cách. Việc theo dõi, kiểm soát người ra vào chợ, đo thân nhiệt chưa đầy đủ, chưa bảo đảm việc tổ chức quản lý theo nguyên tắc một chiều.

Để khắc phục những bất cập từ việc phát phiếu lần 1, sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định tiếp tục giãn cách xã hội trên địa bàn TP Thanh Hóa theo Chỉ thị 16 từ ngày 9-9, việc phát phiếu đi chợ lần 2 được UBND TP Thanh Hóa, các phường, xã đã khẩn trương triển khai. Để khắc phục những bất cập đã được chỉ ra trong tuần đầu thực hiện, UBND TP Thanh Hóa yêu cầu 34 phường, xã thực hiện thống nhất, tuân thủ hướng dẫn của UBND thành phố về cấp phát, quản lý phiếu đi mua hàng theo 1 mẫu chung do UBND thành phố phát hành. Theo kết luận của đồng chí Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa tại cuộc họp trực tuyến với 34 phường, xã chiều ngày 8-9, việc cấp, phát phiếu đến các hộ dân phải được hoàn thành chậm nhất trước 11 giờ ngày 9-9.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, chiều muộn ngày 8-9, phường Trường Thi đã huy động nhiều cán bộ, công chức khẩn trương in phiếu, đóng dấu để chuyển đến các tổ dân phố. Ông Cao Thiện Cường, Chủ tịch UBND phường Trường Thi cho biết: “Phường có 3.500 hộ, mỗi hộ được phát 2 phiếu. Như vậy, phường phải in 7.000 phiếu. Phiếu mua hàng được chia theo ngày chẵn, ngày lẻ. Trong mỗi ngày phân chia nhiều cung giờ buổi sáng, buổi gần trưa và buổi chiều. Trong sáng ngày 9-9, toàn bộ phiếu đã được các tổ dân phố phát đến các hộ dân, bảo đảm người dân được mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình”.

Tuy nhiên, tại một số phường, xã, do thiếu cán bộ lãnh đạo hoặc việc sắp xếp, cắt cử người thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo các tổ dân phố chưa kịp thời và khoa học; hay còn lúng túng trong việc xác định khả năng cung ứng hàng thiết yếu trên địa bàn... dẫn đến việc triển khai phiếu mua hàng lần 2 vẫn còn lúng túng. Ví dụ, có nơi dùng phiếu cũ đi chợ; phường Đông Sơn không thực hiện phân chia các khung giờ trong buổi sáng, chiều để bảo đảm yêu cầu giãn cách và cho người dân tự lựa chọn 2 trong số các ngày chẵn, lẻ để đi mua hàng...

Lý giải vấn đề này, ông Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND phường Đông Sơn, cho biết: Đến 8h sáng ngày 9-9, phường Đông Sơn đã hoàn thành việc phát 6.030 phiếu mua hàng cho 3.015 hộ dân. Trên địa bàn có chợ Đông Thành, 1 cửa hàng Vinmart+ và 4 cửa hàng tiện lợi, tạp hóa đủ điều kiện hoạt động. Xét thấy các cơ sở này đủ cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho người dân nên mẫu phiếu mua hàng của phường ấn định người dân chỉ được mua tại các địa điểm trên địa bàn. Tuy nhiên, phường lựa chọn phương án cho người dân tự lựa chọn 2 trong số các ngày chẵn, lẻ để đi mua hàng nhằm tạo điều kiện cho người dân cân đối nhu cầu thực phẩm trong gia đình để đi chợ cho phù hợp. Để bảo đảm mỗi phiếu mua hàng chỉ sử dụng 1 lần, vào cuối ngày, cán bộ phường sẽ đi thu lại toàn bộ các phiếu này tại các điểm bán hàng đã được quy định.

Còn tại phường Lam Sơn, ngay trong tối ngày 8-9, sau khi nhận mẫu phiếu của UBND thành phố gửi, cán bộ, công chức phường Lam Sơn đã nỗ lực hoàn thành việc in và phát 6.748 phiếu đi chợ đến 3.374 hộ dân. Bà Nguyễn Thị Thúy Ngà, Phó Chủ tịch UBND phường Lam Sơn cho biết: Theo hướng dẫn của UBND TP Thanh Hóa, phường, xã đã có chợ thì không ghi phiếu đi mua hàng sang địa bàn phường, xã khác; phường, xã nào không có chợ, siêu thị thì lựa chọn nơi gần nhất với khu dân cư để ấn định địa điểm mua hàng. Vì phường Lam Sơn không đủ cơ sở kinh doanh cung cấp đủ nguồn hàng cho Nhân dân nên UBND phường đã xin ý kiến của thành phố và đấu mối với các phường lân cận cho người dân được mua hàng ở khu vực gần kề. Trong phiếu đi chợ đã phát tối ngày 8-9, địa điểm mua hàng của người dân phường Lam Sơn là các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn 5 phường Lam Sơn, Ngọc Trạo, Ba Đình, Đông Hương, Đông Vệ. Tuy nhiên, sau buổi sáng thực hiện, thấy việc ấn định địa điểm mua hàng liên quan đến 5 phường là không hợp lý, chiều ngày 9-9, phường đã in lại mẫu phiếu mới, thu gọn còn 3 địa điểm mua hàng là phường Lam Sơn, Đông Hương và Đông Vệ. Toàn bộ mẫu phiếu mới đã được các tổ dân phố phát cho người dân, đồng thời thu hồi số phiếu đi chợ đã phát trước đó mà người dân chưa sử dụng đến.

Bên cạnh một số bất cập nêu trên, theo quy định tại mẫu phiếu mua hàng do TP Thanh Hóa ban hành, ban quản lý chợ, chủ cơ sở kinh doanh phải thực hiện thu và lưu giữ phiếu mua hàng cho đến hết đợt dịch để phục vụ điều tra dịch tễ khi cần thiết. Tuy nhiên, quy định này cũng đang khiến các ban quản lý chợ, chủ cơ sở kinh doanh lúng túng trong cách thực hiện do người dân phản ánh nếu bị thu giữ phiếu sẽ gặp khó khăn lúc trở về khi đi qua các chốt kiểm soát. Ông Lê Duy Quang, Trưởng Ban Quản lý, Phó Giám đốc HTX đầu tư quản lý và khai thác chợ Nam Thành, cho biết: Mặc dù phiếu mua hàng đã quy định rõ việc thu giữ lại phiếu, nhưng thực tế, chúng tôi chỉ ghi sổ lưu giữ lại thông tin người đến chợ, gạch chéo và trả lại phiếu cho người dân làm “giấy thông hành” khi trở về nhà.

Qua khảo sát tại một số nơi cho thấy, việc kiểm soát phiếu mua hàng ở các chợ có nơi rất chặt chẽ, nhưng có nơi lại lỏng lẻo. Tại chợ Quảng Thắng, phường Quảng Thắng, ban quản lý chợ không trực tiếp kiểm tra, thu giữ phiếu mua hàng, chỉ yêu cầu người dân tự ghi thông tin vào sổ và dễ dàng để người dân quen biết ở khu vực lân cận vào chợ. Bên cạnh đó, một số cửa hàng Vinmart, Vinmart+ còn khá dễ dãi với khách mua hàng, không kiểm tra phiếu đi chợ, không thu phiếu đi chợ, dẫn đến một người có thể đi nhiều cửa hàng...

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khiến nhiều sự việc trở thành “chưa có tiền lệ”. Sẽ không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng trong việc triển khai mọi công việc, bảo đảm vừa đúng quy định, lại hợp lòng người dân một cách trọn vẹn. Với việc triển khai phiếu mua hàng, thiết nghĩ TP Thanh Hóa, các phường, xã vẫn cần rút kinh nghiệm về cách làm sao cho đơn vị, cán bộ thực thi hoàn thành nhiệm vụ một cách suôn sẻ và mất ít thời gian hơn; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện và yên tâm, tin tưởng vào sự điều hành của các cấp chính quyền. Nên chăng, thành phố cần hướng dẫn cụ thể, giám sát chặt chẽ hơn việc cấp phiếu mua hàng tại các phường, xã, nhất là đối với những vấn đề cần điều chỉnh linh hoạt về địa bàn; mẫu phiếu cần thống nhất triển khai đồng loại về việc ấn định ngày cụ thể và phân bổ khung thời gian đi chợ hợp lý; đồng thời, nghiên cứu cách thu giữ phiếu phù hợp để tạo điều kiện cho ban quản lý chợ làm nhiệm vụ và người dân thuận tiện khi lưu thông trên đường. Ngoài ra, cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các cửa hàng Vinmart, Vinmart+...

Bài và ảnh: Minh Hằng - Thu Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]