(Baothanhhoa.vn) - Trưa vắng những ngày đầu mùa hạ, cái nắng vàng rực rỡ cùng tiếng ve kêu râm ran như một bản giao hưởng lan tỏa khắp không gian đưa tôi trở về với những miền kí ức tuổi thơ, trở về những tháng ngày cùng lũ trẻ trong xóm nô đùa, háo hức chờ hè đến và nhất là trở về với thứ âm thanh rất đỗi quen thuộc như ăn sâu vào tiềm thức trong tôi – âm thanh của những tiếng rao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiếng rao – một thời xa vắng

Trưa vắng những ngày đầu mùa hạ, cái nắng vàng rực rỡ cùng tiếng ve kêu râm ran như một bản giao hưởng lan tỏa khắp không gian đưa tôi trở về với những miền kí ức tuổi thơ, trở về những tháng ngày cùng lũ trẻ trong xóm nô đùa, háo hức chờ hè đến và nhất là trở về với thứ âm thanh rất đỗi quen thuộc như ăn sâu vào tiềm thức trong tôi – âm thanh của những tiếng rao.

Hàng rong vào phố.

Tôi lớn lên khi thời bao cấp không còn nữa nhưng những dấu vết của thời kỳ này vẫn còn tồn tại rất rõ. Xóm chúng tôi vẫn là những ngôi nhà ngói cũ rêu phong với những bức tường rào được xây bằng gạch “tro lò” giản dị, vẫn con đường đất nhỏ trơn trượt mỗi khi trời mưa xuống. Và không biết tự bao giờ tiếng rao của những bà, những chị bán hàng rong cũng được xem là một phần không thể thiếu của cái xóm nhỏ dung dị này.

Trong trí nhớ của tôi, tiếng rao đã trở nên rất đỗi gần gũi, thân thuộc. Mỗi khi thấy dáng người bán hàng rong nào đó đi qua là lũ trẻ chúng tôi có thể biết ngay người ấy bán gì, rao thế nào, giọng điệu ra sao. Thỉnh thoảng cao hứng, mấy đứa tinh nghịch còn nhại theo với giọng điệu dí dỏm rồi cùng nhau cười phá lên khoái chí. Từ sáng tới tối có đến hàng chục gánh hàng rong, theo đó cũng là chừng ấy tiếng rao với đủ loại giọng điệu, cung bậc khác nhau. Khi bình minh vừa ló rạng, tiếng rao bắt đầu xôn xao, nhộn nhịp như đánh thức từng con ngõ nhỏ. Dáng người phụ nữ thấp đậm, cắp bên hông chiếc thúng, cất giọng khoan thai: “Ai bánh mì nóng giòn không...” như mở đầu một ngày mới. Chỉ những hôm xuống nhà, không thấy nồi cơm gang ủ trên bếp thì tôi mới vui sướng mà xin mẹ chạy ra cổng đón bà bán hàng để tha hồ lựa chọn rồi hít hà mùi thơm ngào ngạt bay ra từ thúng bánh mì ấy. Rồi thì “Ai mua xôi đậu, xôi lạc không...”, “Ai bánh rán, bánh bao nóng nào...”. Đến giữa buổi thì tiếng rao lại cất lên dành cho những bà nội trợ: “Ai đong gạo không...”, “Ai mua rau dền, rau ngót nào...”... Chiều tới thì: “Ai ngô luộc không...”, “Ai bánh đúc sốt nào...”... Ngày ấy, kinh tế khó khăn, lâu lâu nhà nào cải thiện mâm cơm bằng thịt vịt, thịt ngan thì chắc chắn bọn trẻ trong nhà sẽ vui lắm. Vui vì được bữa ăn ngon đã đành nhưng sau đó chúng sẽ được mẹ dành cho nắm lông vịt, lông ngan phơi khô chờ bà đồng nát rao: “Ai lông vịt, dép nhựa, xoong thủng bán kh... ô... ng...!” để vội vã chạy ra kiếm mấy trăm đồng lẻ, rồi đợi tiếng lạch cạch cùng những câu vè mời chào hài hước: “Ai ăn kẹo kéo đê... Cháu nào điểm 1 điểm 2, ăn tí kẹo kéo đến mai điểm 10...” của người đàn ông đi trên chiếc xe đạp chở thùng gỗ đã cũ mòn đi qua để cùng nhau tíu tít vây xung quanh, mắt không rời những chiếc kẹo vừa ngọt, vừa thơm đầy hấp dẫn được hình thành từ bàn tay điêu luyện của người bán. Những lúc ấy, tiếng rao là sự chờ đợi, là sự háo hức, khấp khởi của lũ trẻ chúng tôi.

Có lẽ, làm nên sức sống bền bỉ của những tiếng rao trong tâm trí những người ở thế hệ chúng tôi chính là bởi trong bản thân mỗi tiếng rao đều có tính nhạc, mỗi tiếng rao lại có một âm sắc khác nhau. Để lời chào trở nên hấp dẫn, thu hút, người bán đã có những nhấn nhá, tạo cho lời rao có vần, có nhịp, có trầm, có bổng. Rồi thì tiếng rao được viết thành những câu vè, những vần thơ hài hước vui tai dễ nhớ, dễ thuộc. Có lúc, tiếng rao đúng nghĩa là một lời thông báo, chào mời vang xa. Có tiếng rao như reo vui, chất chứa hy vọng; đôi lúc, tiếng rao lại như bị tắc nghẽn ở đâu đó trong cổ họng, thắt lại, lời rao bị kéo dài mãi ra ở đoạn cuối...

Tiếng rao là tiếng đời. Mỗi tiếng rao là một phận đời khó nhọc, gắn liền với đôi vai trĩu nặng đôi quang gánh của những người phụ nữ thôn quê da sạm đen vì nắng gió, là những bóng dáng còng lưng lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ rích đầy mỏi mệt. Có lúc tiếng rao mang chất hài tinh nghịch lí lắc nhưng phần lớn nó lại nặng trĩu tiếng lòng, là tâm trạng, là nỗi niềm về những khó nhọc mưu sinh đè nặng trên vai người bán hàng rong. Có lẽ, suốt đời tôi không thể nào quên là hình ảnh một cụ già gầy gò, nhỏ thó ngày nào cũng gánh trên vai hai bì trấu căng tròn đi qua nhà tôi với tiếng rao yếu ớt: “Ai mua trấu ra... mua...”. Thỉnh thoảng, mẹ tôi gọi cụ để mua trấu rồi hỏi han dăm ba câu chuyện về gia cảnh, con cái, cụ chậm rãi trả lời đầy thân tình. Con cái cụ đều đã có gia đình riêng, cụ bà mất sớm, bản thân cụ không muốn làm phiền con cháu, còn sức khỏe nên cụ vẫn muốn tự trang trải lo cho mình. Lúc ấy, tâm hồn non nớt của một đứa trẻ trong tôi bỗng xúc động lạ thường khi tiếng rao cứ ngắt quãng nhỏ dần, nhỏ dần theo bước chân mệt mỏi khuất dần cuối đường xa.

Trải qua với bao thăng trầm, biến cố của thời gian hòa cùng với nhịp sống tấp nập, hiện đại, tiếng rao vẫn in đậm trong tâm trí những người ở thế hệ chúng tôi bởi nó gắn liền với tuổi thơ khó khăn, thiếu thốn nhưng rất đỗi trong trẻo, bình dị; nó len lỏi vào nhịp sống êm đềm; nó đi sâu vào đời sống sinh hoạt của mỗi người. Ngày ấy, đô thị cũng nhỏ bé và đơn sơ. Không có tiếng ồn ã động cơ của những chiếc xe mô tô, xe ô tô hiện đại, ít lắm những tòa nhà cao tầng khang trang, kiểu cách. Tiếng rao cũng vì thế in đậm trong tiềm thức mỗi người. Ngày nay, thời đại của công nghệ, tiếng rao cũng vì thế mà thay đổi rất nhiều, không còn giữ được nét đặc trưng của thời kỳ trước. Còn đâu tiếng rao mộc mạc đầy âm sắc, có vần, có nhịp luyến láy như trước kia. Còn đâu tiếng rao chất chứa nỗi lòng đầy tình cảm. Thay vào đó là những tiếng rao lạnh lùng, vô cảm được công nghệ hóa bằng loa đài, băng ghi âm chói tai inh ỏi khắp cả con đường vốn đã tấp nập cộ xe, ồn ào hàng quán. Với những người đã từng lớn lên cùng với những tiếng rao một thời sẽ không khỏi chạnh lòng khi những tiếng rao - một phần thơ ấu đang lùi dần vào quá khứ.

Với tôi, tiếng rao không đơn giản là tiếng chào mời của người mua, kẻ bán mà nó còn là tiếng lòng, là tâm tư tình cảm được gửi gắm trong từng lời người cất tiếng. Tiếng rao cũng là một phần của tuổi thơ trong trẻo, là miền kí ức bình yên mỗi khi muốn gạt bỏ những bộn bề lo toan cuộc sống để trở về một thời con trẻ.


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]