(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và triển khai thực hiện Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề giai đoạn 2010-2015”, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn luôn được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh ưu tiên chỉ đạo thực hiện nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ nông thôn có việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tạo nghề - “cần câu” giảm nghèo cho phụ nữ

Thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và triển khai thực hiện Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề giai đoạn 2010-2015”, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn luôn được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh ưu tiên chỉ đạo thực hiện nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ nông thôn có việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tạo nghề - “cần câu” giảm nghèo cho phụ nữ

Chủ cơ sở sản xuất lông mi giả Trịnh Thị Yên ở xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) thu thành phẩm của chị em.

Đưa nghề về quê

Được sự giới thiệu của Hội LHPN huyện Hoằng Hóa, chúng tôi đến nhà chị Trịnh Thị Yên, thôn Hạ Vũ 2, xã Hoằng Đạt vào đúng thời điểm chị đang thu thành phẩm lông mi giả do các mẹ, các chị làm ra. Trong khi ngồi chờ đến lượt thanh toán thành phẩm với chủ cơ sở sản xuất để nhận “lương”, những câu chuyện về “nghề” của các chị cũng bắt đầu rôm rả. “Tháng này em làm được bao nhiêu?”, “Em chỉ tranh thủ làm sau khi bán hàng ăn sáng nên chỉ được 3 triệu đồng/tháng thôi chị ạ”; “Bà Hoa mới làm được nhiều này, vừa bán thuốc tây vừa làm”, “Tháng nào tập trung làm cũng chỉ được 4 triệu đồng thôi bác ơi...”, “Con dâu tôi làm công nhân tối mịt mới về. Nó dậy sớm tranh thủ làm 2 tiếng tháng cũng kiếm thêm đồng ra, đồng vào...”.

Cầm trên tay hơn 2 triệu đồng vừa thanh toán xong với chị Trịnh Thị Yên, chị Nguyễn Thị Hòa, 52 tuổi, niềm nở: “Từ ngày chị Yên đưa nghề lông mi giả về quê, chị em chúng tôi vui lắm. Vui vì ở nhà mà vẫn có thu nhập. Như tôi chẳng hạn, ở nhà trông cháu cho các con đi làm công nhân nhưng vẫn tranh thủ làm lông mi giả, kiếm thêm khoảng 2 triệu đồng/tháng. Gần như chị em trong xã, thậm chí ngoài xã đều tranh thủ đến nhận nguyên liệu của chị Yên về làm để kiếm thêm thu nhập. Có thêm đồng ra, đồng vào chị em cũng thấy tự tin hơn”.

Không nộp đơn lẻ như chị Hòa mà chị Lê Thanh Thủy, ở xã Hoằng Lưu mang một tệp dày dây lông mi giả đến cho chị Yên, mỗi tệp được ghim gọn gàng, ghi họ tên, số lượng dây lên trang bìa một cách đầy đủ. Tìm hiểu ra mới biết, chị Thủy vừa làm vừa truyền nghề cho khoảng 15 chị em trong xã, rồi chị đứng ra đi nhận nguyên liệu, thu gom, kiểm tra thành phẩm trước khi mang nộp cho chị Yên. “Cũng tùy từng chị trong nhóm, có chị tranh thủ được nhiều thời gian thì làm ra được 3 triệu đồng/tháng, chị nào làm ít được hơn 1 triệu đồng” - chị Thủy nói.

“Làm nghề này không đòi hỏi vốn, tay nghề cao, chỉ cần tranh thủ thời gian nhàn rỗi, kiên trì và khéo léo, mỗi tháng chị em đã có thêm nguồn thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng. Cơ duyên em đến với nghề cũng chỉ vì vốn không nhiều đấy chị ạ” - từ đầu buổi đến giờ chị Trịnh Thị Yên - chủ cơ sở sản xuất lông mi giả mới ngơi tay để thêm vào câu chuyện với chúng tôi. Yên cho biết: Trước kia em đi làm kế toán cho một công ty trên Khu Công nghiệp Hoàng Long nhưng do sinh con xong bận chăm sóc con cái nên nghỉ ở nhà. Ở nhà em cũng tìm nhiều việc để làm, bán cả quần áo qua mạng, nhưng thu nhập cũng không được là bao. Một lần em tình cờ xem clip làm lông mi giả trên mạng, mua nguyên liệu về tự học, rồi nhờ người chỉ dạy thêm để làm nghề. Chị em gần nhà thấy em làm cũng đến học rồi nhờ lấy nguyên liệu về làm theo. Cứ thế, em thành đại lý rồi thành chủ cơ sở sản xuất luôn. Giờ đây cơ sở sản xuất của em tạo việc làm cho hàng trăm chị em trên địa bàn xã và các xã, huyện lân cận. Mỗi tháng cơ sở của em làm ra khoảng 2 triệu dây lông mi giả, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng tiền hàng. Sắp tới, em dự kiến sẽ cùng một số chị em chung vốn mở một cơ sở sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ở Ninh Bình để xuất đi các nước châu Âu.

Đứng quan sát, lắng nghe các mẹ, các chị trò chuyện về nghề, về thu nhập, về mong muốn được làm nghề lâu dài để có thêm thu nhập, chị Hoàng Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoằng Hóa, cho chúng tôi biết, chị đã và đang phối hợp với chủ cơ sở sản xuất lông mi giả Trịnh Thị Yên để mở lớp tập huấn đào tạo, nhân rộng nghề ra cho các xã khác trong huyện nhằm giúp phụ nữ nông thôn có việc làm, tăng thu nhập, góp phần thay đổi nhận thức của chị em trong phát triển kinh tế và tìm hướng thoát nghèo.

Trao “cần câu” cho phụ nữ

Với sự phối hợp với các cơ sở cùng với huyện hội mở lớp tập huấn đào tạo, nhân rộng nghề cho chị em trên địa bàn huyện, chị Hoàng Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN huyện, nói với chúng tôi: Đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn là để “trao cần câu chứ không cho con cá”. Chính vì phương châm trên mà các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp giúp phụ nữ nông thôn có việc làm, tăng thu nhập, nhằm cải thiện đời sống kinh tế, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm (2016-2021), các cấp hội phụ nữ trong huyện đã phối hợp với các HTX tổ chức 16 lớp học nghề và nâng cao tay nghề mây tre đan, làm lông mi xuất khẩu, đan cói, túi xuất khẩu cho hơn 700 lao động nữ, 100% chị em sau đào tạo nghề được giới thiệu việc làm và tự tạo việc làm.

“Không chỉ riêng Hội LHPN huyện Hoằng Hóa trao “cần câu” cho phụ nữ thoát nghèo thông qua việc phối hợp với các cơ sở sản xuất, tổ liên kết đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, mà những năm qua các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tạo việc làm tại chỗ, thu hút các học viên đã tham gia đào tạo nghề. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 325 mô hình (trong đó có 84 HTX, 84 tổ hợp tác và 157 tổ liên kết), giúp cho hàng ngàn phụ nữ nông thôn có việc làm, ổn định đời sống. Điển hình như HTX trồng rau an toàn xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ ở xã Nga Hải (Nga Sơn), HTX chăn nuôi ở xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc)”... - chị Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trao đổi với chúng tôi về công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn.

Theo chị Phạm Thị Thúy, thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và triển khai thực hiện Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề giai đoạn 2010-2015”, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn luôn được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh ưu tiên chỉ đạo thực hiện nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ nông thôn có việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để công tác đào tạo nghề mang lại hiệu quả rõ rệt, hằng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung các đề án đến cán bộ, hội viên phụ nữ. Kết quả, giai đoạn 2012-2021, các cấp hội đã tổ chức được 9.452 buổi tuyên truyền luật pháp, chính sách về học nghề và việc làm cho 1.288.400 lượt hội viên phụ nữ. Tư vấn định hướng học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động hướng đến thích ứng với cách mạng công nghệ lần thứ tư cho 782.364 lượt phụ nữ. Các cấp hội trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp nữ, ngành công thương, các tổ chức phi chính phủ, khai thác nguồn lực tổ chức được 5.724 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả cho hơn 579.811 lượt hội viên, phụ nữ. Phối hợp tổ chức 1.568 lớp đào tạo nghề cho 74.349 lao động nữ về các nghề mây giang xiên, thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói, đan thảm từ bẹ ngô, bẹ chuối, cây đay; thêu ren xuất khẩu; móc hộp xuất khẩu, dệt thổ cẩm; chế biến hải sản, làm lông mi giả, trồng và sản xuất cây hương bài....

Tính đến 31-12-2021, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ Thanh Hóa đã tổ chức 366 lớp sơ cấp các nghề và phát bằng tốt nghiệp cho 11.325 lao động nữ tại các huyện, thị xã trong tỉnh. Số người tự tạo việc làm tại chỗ như nghề trồng cây lương thực, thực phẩm, nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ có việc làm cao (hơn 85%) góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và tỉ lệ học viên có việc làm gần như 100% đối với học viên các lớp nghề thủ công mỹ nghệ.

“Nếu như trước đây, Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều lao động nữ rời quê đi làm ăn xa thì những năm gần đây nhờ công tác đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông bất ly hương” của các địa phương, đặc biệt là những mô hình giải quyết việc làm như trên được coi như là “cần câu” trao cho chị em để mở ra các cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội. Vì vậy, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nông thôn học nghề, tạo việc làm, như: phối hợp tổ chức dạy nghề cho lao động nữ tại các doanh nghiệp, HTX, các tổ hợp tác; liên kết với các doanh nghiệp để dạy nghề, thực hành nghề; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... đặc biệt là Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh, câu lạc bộ doanh nhân nữ cấp huyện tạo việc làm mới cho phụ nữ và tổ chức cung ứng lao động nữ; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tín dụng để tạo việc làm mới, phát triển sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ phụ nữ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm từ các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết nhằm hỗ trợ phụ nữ nông thôn tạo việc làm sau học nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương” - chị Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Tô Dung


Bài và ảnh: Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Hữu Ngôn - 08:40 07/04/22

 Trả lời

Bài viết có dẫn dụ nhiều gương và nhiều số liệu thuyết phục

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]