(Baothanhhoa.vn) - Chủ tịch UBND xã Nam Động Hà Văn Nhiệt, cán bộ được tăng cường về cơ sở chỉ tay về phía đỉnh núi cao nhất nói với chúng tôi: Đến Khu bảo tồn các loại hạt trần quý hiếm Nam Động trên đỉnh núi Pha Phanh, phải lên ngọn núi cao phía trước mặt. Các nhà báo muốn lên trên ấy phải có cái đôi chân khỏe của con nai, con hoẵng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sâu thẳm nơi đại ngàn Pha Phanh

Sâu thẳm nơi đại ngàn Pha Phanh

Cán bộ Khu Bảo tồn các loại cây hạt trần quý hiếm Nam Động tuần tra bảo vệ rừng.

Chủ tịch UBND xã Nam Động Hà Văn Nhiệt, cán bộ được tăng cường về cơ sở chỉ tay về phía đỉnh núi cao nhất nói với chúng tôi: Đến Khu bảo tồn các loại hạt trần quý hiếm Nam Động trên đỉnh núi Pha Phanh, phải lên ngọn núi cao phía trước mặt. Các nhà báo muốn lên trên ấy phải có cái đôi chân khỏe của con nai, con hoẵng.

Theo anh Nhiệt cho biết: Khu bảo tồn có diện tích tự nhiên gần 647 ha, trong đó có trên 502 ha rừng nguyên sinh thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, hơn 114 ha rừng tự nhiên thuộc phân khu phục hồi sinh thái. Ngoài vùng lõi, vùng đệm của khu bảo tồn có 12 thôn, bản của 4 xã gồm: Xã Nam Động, huyện Quan Hóa; xã Trung Thượng, Sơn Lư, Sơn Điện, huyện Quan Sơn, với tổng diện tích hơn 3.300 ha.

Đường đến khu bảo tồn vắt qua những dãy núi cao thi thoảng bị cắt ngang bởi những con suối trong mát. Chúng tôi bắt gặp một số gia đình dựng chòi canh rẫy đường. Đường vào rừng chủ yếu trồng luồng và cây thảo quả mọc ven sườn núi. Những con dốc gập ghềnh nối nhau liên tiếp. Dọc đường đi, tôi được anh Nhiệt giới thiệu cho biết ở đây có nhiều cây hạt trần làm thuốc, trong đó có 9 loài cây hạt trần quý, hiếm được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Ngoài ra trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pha Phanh có nhiều loài động vật quý hiếm... Trên đỉnh núi Pha Phanh là một hệ thống thảm thực vật phong phú với nhiều loại cây quý hiếm như cây thông đỏ, thông Pà Cò... trong khu bảo tồn có khoảng 23 loài thú thuộc 11 họ, 5 bộ với 9 loài, trong đó có 21 loài nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam và thế giới năm 2012. Người dân sống quanh khu bảo tồn cũng đã xác nhận sự xuất hiện liên tục của các loại voọc xám, bò tót, gấu ngựa, gấu chó, sơn dương, lợn lòi, khỉ...

Rời con đường mòn, chúng tôi tiến sâu vào rừng, vượt qua các đỉnh núi đá vôi. Một thành viên trong đoàn chỉ cho chúng tôi biết loài thông tre lá dài trên đỉnh núi Pha Phanh. Đây là loài sống ở độ cao khoảng 900m có tên khoa học là Podocarpus neriifolius. Qua khảo sát thông thường loài thông tre lá dài này phát triển ở độ cao từ 800 - 1.500 m. So với các loại thông khác, loài cây này có thân gỗ bé hơn với chiều cao trung bình 5 - 15m, đường kính trung bình khoảng 25 cm. Thông tre lá dài phân cảnh thấp và thưa, các cành thường mọc thành vòng có 5 cành. Qua điều tra thực địa xác định trong khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động có tới trên 2.000 cá thể. Tiến sâu tiếp vào rừng, đi xuống ở lưng chừng núi phía bên đỉnh Pha Phanh, chúng tôi bắt gặp cây đỉnh tùng, có tên khoa học là Cephalotaxus mannii. Đây là loài cây thân gỗ cao tới 25m, đường kính trung bình từ 50 – 110 cm. Cây mọc đứng, có thân thẳng và tán hẹp. Vỏ nhẵn màu nâu nhạt đến nâu đỏ, bong rời thành các lớp mỏng. Hiện nay, trong khu bảo tồn các loại cây hạt trần quý hiếm Nam Động đã xác định được trên 260 cá thể, cây tái sinh thông qua sinh sản hữu tính tự nhiên. Vượt qua những vách núi cheo leo, dựng đứng nối nhau liên tiếp chúng tôi đến quần thể thông Pà Cò, một trong những quần thể thực vật quý và đẹp ở đỉnh núi Pha Phanh. Ngắm nhìn những cây thông Pà Cò vươn cao, kiêu hãnh giữa đại ngàn hùng vĩ khiến bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến hết. Quần thể thông Pà Cò được phát hiện vào năm 2011. Qua điều tra tại Khu Bảo tồn các loại cây hạt trần quý hiếm Nam Động xác định có trên 1.240 cá thể thông Pà Cò trong rừng Pha Phanh.

Đứng trên đỉnh núi Pha Phanh sau một hành trình dài chinh phục những cánh rừng già mới thấy được sự sâu thẳm giữa đại ngàn Pha Phanh còn nhiều điều cần khám phá. Một trải nghiệm tuy nhiều vất vả, nhưng cũng thật nhiều thú vị khi được đến những cánh rừng bát ngát, gặp người dân bản địa thân thiện và hiếu khách; được tận mắt chứng kiến các loài hạt trần quý hiếm, mới thấy được thiên nhiên rất nhiều điều còn bí ẩn để khám phá.

Minh Hiếu


Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]