(Baothanhhoa.vn) - "Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im”... câu hát trong bài “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phần nào khắc họa được niềm tự hào, sự hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) dành cho quê hương, đất nước. Sau gần 50 năm hòa bình, hậu quả của chiến tranh đã dần được khắc phục, nhưng vết thương lòng của những người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh cho Tổ quốc vẫn chưa hề nguôi ngoai...

Sáng mãi tấm gương Mẹ Việt Nam Anh hùng

"Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im”... câu hát trong bài “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phần nào khắc họa được niềm tự hào, sự hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) dành cho quê hương, đất nước. Sau gần 50 năm hòa bình, hậu quả của chiến tranh đã dần được khắc phục, nhưng vết thương lòng của những người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh cho Tổ quốc vẫn chưa hề nguôi ngoai...

Sáng mãi tấm gương Mẹ Việt Nam Anh hùng

Mẹ VNAH Lê Thị Miến, xã Vân Sơn (Triệu Sơn) viếng mộ con trai tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Sơn.

Giữa mùa tri ân, chúng tôi tìm về bên Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thông, ở xã Trường Trung (Nông Cống). Ở tuổi 90, giờ mẹ không còn nghe được rõ, chuyện ngày trước có đoạn nhớ đoạn quên, nhưng chắp nối câu chuyện, chúng tôi phần nào hiểu được mẹ muốn nói gì. Cả cuộc đời mẹ gắn với sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước, chồng đi bộ đội chống Pháp, mẹ ở nhà một mình nuôi con. Khi đất nước kháng chiến chống Mỹ, mẹ lại động viên 5 người con lên đường nhập ngũ. Thế rồi 2 người con trai của mẹ là liệt sĩ Nguyễn Bá Cường đã hy sinh trên chiến trường miền Nam năm 1968 (hiện vẫn chưa tìm thấy hài cốt) và liệt sĩ Nguyễn Bá Hoa hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia năm 1981. Hai người con khác lại noi gương các anh trai mình tiếp tục lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Ở vùng quê chiêm trũng, chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn, mẹ Thông đã trải qua những tháng ngày gian truân, nghèo đói khi hạt thóc, củ khoai còn thiếu thốn, thì các con của mẹ đã khoác ba lô lên đường. Mẹ vẫn nhớ kỷ niệm năm ấy, khi nghe tin đơn vị đóng quân ở gần nhà, mẹ gặt lúa mang về nấu một nồi cơm to để mang lên thăm con trai, hy vọng những nắm cơm gạo mới sẽ ủ ấm lòng con và đồng đội nhưng lần đó mẹ không gặp được con. Rồi 2 người con của mẹ cũng lần lượt hy sinh, không để lại di ảnh hay lá thư nào.

Mỗi lần nhắc đến anh Cường, anh Hoa, mẹ Thông rất đỗi tự hào nhưng cũng không ít lần mắt mẹ rưng rưng, giọng lạc đi vì xúc động: Các con của mẹ đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi mới tuổi đôi mươi. Tuy các anh không ở bên chăm sóc mẹ, nhưng mẹ vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ, thăm hỏi thường xuyên của bà con lối xóm, của thế hệ trẻ hôm nay..., đó là niềm vui lớn nhất với mẹ Thông.

Chia tay mẹ Thông, chúng tôi tìm về gặp Mẹ VNAH Lê Thị Miến, thôn 8, xã Vân Sơn (Triệu Sơn) để nghe mẹ kể về những ký ức hào hùng một thời “khói lửa”. Ở tuổi 95 nhưng mẹ Miến vẫn còn minh mẫn. Sau chén trà mời khách, mẹ rưng rưng nước mắt khi nhớ về các con. Đất nước giải phóng đã gần 50 năm nhưng mẹ vẫn ngồi đó đằng đẵng chờ đợi, dù biết rằng hai người con trai là liệt sĩ Lê Văn Nhạn và liệt sĩ Lê Văn Yến sẽ mãi mãi chẳng trở về. Một mình mẹ lặng lẽ suốt bao năm qua, ra ngóng, vào trông, đôi mắt đã cạn khô dòng lệ vì thương nhớ. Mẹ nhớ hồi đó người anh đi trước 18 tuổi, còn người em đi sau mới tròn 15, ra đi rồi không về nữa. Người em hy sinh trước, rồi đến giấy báo tử của người anh, có nỗi đau nào xé lòng hơn khi chỉ trong 3 ngày mẹ nhận về 2 giấy báo tử của hai người con. Mẹ chia sẻ: Cuộc đời mẹ đã chịu nhiều đau thương, mất mát nên hiểu được cái giá của hòa bình, của đoàn tụ; còn những hy sinh và mất mát của riêng mình, mẹ xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam trong lúc đất nước đang cần. Mẹ sẵn sàng chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả, mẹ không đòi hỏi gì cho riêng mình, chỉ với mong muốn bình dị là con cháu thành người, mãi mãi trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với Nhân dân.

Mẹ VNAH Hoàng Thị Vạy, ở thôn Phong Cốc, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) đã bao đêm chưa tròn giấc ngủ vì thương nhớ hai người con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Tuyển và liệt sĩ Nguyễn Văn Thành, các anh hy sinh ở chiến trường miền Nam đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Mẹ thường mơ thấy hai anh trong giấc ngủ chập chờn và thức dậy thắp hương để an ủi chính mình và an ủi vong linh những người con đã hy sinh vì nước. “Hai con hy sinh ở Bình Định, các anh chỉ còn hồn chứ không còn xác, hai anh em cùng một chiến trường, anh vào trước, rồi đến em sau. Chả đứa nào viết được lá thư về cho mẹ, chúng nó đi là đi luôn không trở về. Báo tử thằng Thành trước, thằng Tuyển sau... Phải có người hy sinh thì đất nước mới độc lập được, điều đó tôi rất hiểu. Nhưng nhiều lúc thấy tủi thân, con nhà họ đi rồi trở về có con, có cháu, có chắt, còn con mình đi mãi không trở về. Thôi thì hai đứa, một đứa ra đi thì một đứa trở về với mẹ cũng được”... Mẹ Vạy xúc động chia sẻ.

Trên dải đất hình chữ S, còn biết bao Mẹ VNAH trung hậu, tảo tần, lặng thầm với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để góp phần thêu dệt nên trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc. Thương con nhưng sẵn sàng chấp nhận chia ly, tiễn con lên đường vì hòa bình, độc lập của đất nước. Để rồi một mình mẹ lo kinh tế gia đình, làm hậu phương vững chắc cho chồng, cho con nơi chiến trận. Có mẹ còn đào hầm nuôi giấu cán bộ, có mẹ làm giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men, cũng có mẹ trực tiếp cầm súng chiến đấu... Nợ nước, thù nhà không cho phép mẹ gục ngã. Các mẹ vẫn ngày đêm âm thầm, đóng góp cho cách mạng. Ngày chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, mẹ vui với niềm vui chung của dân tộc nhưng lại đau - nỗi đau riêng vì chồng, vì con mình vĩnh viễn không về sum họp. Có bao người ra đi không trở lại là có bấy nhiêu người vợ, người mẹ không thể gặp lại chồng, con mình.

Kết thúc các cuộc chiến tranh, Thanh Hóa có 4.630 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, hiện 96 mẹ còn sống. Để bù đắp những đau thương mất mát giúp các Mẹ VNAH có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều năm qua các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH, bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Những tình cảm chân thành xuất phát từ lòng tôn kính cùng sự biết ơn sâu sắc đã giúp các mẹ sống vui khỏe, sống thọ hơn để thấy quê hương, đất nước ngày càng đổi mới và phát triển... Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong giọng nói, ánh mắt của những Bà mẹ VNAH mà chúng tôi đã gặp vẫn vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, vẫn trọn vẹn một niềm tin vào lý tưởng mà mình và chồng con đã chọn, cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Những người mẹ kiên cường, bất khuất, sẵn sàng nhận lấy nỗi đau cho riêng mình để mang lại hòa bình cho đất nước. Thế hệ hôm nay rất đỗi tự hào về mẹ - những người Mẹ VNAH.

Bài và ảnh: Trường Giang


Bài và ảnh: Trường Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]