(Baothanhhoa.vn) - Rà soát hộ nghèo tại các xã, thị trấn là công việc được thực hiện thường niên nhằm xác định chính xác, đầy đủ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo cơ sở, căn cứ để Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở hỗ trợ kịp thời để hộ nghèo ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn cũng như thực hiện các giải pháp để giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, nếu quá trình rà soát hộ nghèo thiếu công bằng, khách quan sẽ là lý do gây nên đơn, thư khiếu kiện và bức xúc tại địa phương như vấn đề đang xảy ra ở thôn Yên Thôn, xã Định Tiến (Yên Định).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rà soát hộ nghèo ở xã Định Tiến: Dựa vào lý hay tình?

Rà soát hộ nghèo tại các xã, thị trấn là công việc được thực hiện thường niên nhằm xác định chính xác, đầy đủ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo cơ sở, căn cứ để Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở hỗ trợ kịp thời để hộ nghèo ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn cũng như thực hiện các giải pháp để giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, nếu quá trình rà soát hộ nghèo thiếu công bằng, khách quan sẽ là lý do gây nên đơn, thư khiếu kiện và bức xúc tại địa phương như vấn đề đang xảy ra ở thôn Yên Thôn, xã Định Tiến (Yên Định).

Rà soát hộ nghèo ở xã Định Tiến: Dựa vào lý hay tình?

Gia đình ông Lê Văn Thúy, thôn Yên Thôn, xã Định Tiến có hoàn cảnh khó khăn, hai cháu nhỏ bị khuyết tật. Ảnh: Tô Dung

Hơn 10 năm hộ nghèo vẫn chưa thoát nghèo

Đó là trường hợp của gia đình ông Lê Văn Thúy, ở thôn Yên Thôn – người đang có đơn khiếu nại khi không còn được đề xuất trong danh sách hộ nghèo của thôn.

Chúng tôi đến thôn Yên Thôn vào một ngày giữa tháng 9. Theo con đường nhựa, bê tông trải dài tít tắp từ làng này sang làng khác, thôn Yên Thôn hiện ra khá khang trang. Ngôi nhà của ông Thúy lạc lõng giữa không gian ấy. Nằm trên khu đất có diện tích chừng hơn 400m2, căn nhà 2 gian lợp ngói cũ kỹ, ẩm thấp; căn bếp siêu vẹo nằm sát bên trông tạm bợ. Giữa khoảng sân, cái móng nhà được xây dở dang từ lâu nằm trơ trọi. Bên trong căn nhà, hai đứa trẻ tật nguyền vạ vật trên manh chiếu rách trải dưới sàn nhà, còn người mẹ với gương mặt mệt mỏi ngồi trên giường vì mới từ bệnh viện về...

- “Khổ thế mà thôn, xã không cho hộ nghèo nữa đấy các cô ạ!”.

Đó là lời của ông Thúy nói khi chúng tôi hỏi về lá đơn khiếu nại của gia đình. Ông Thúy cho biết: Vợ chồng ông có 3 người con, đứa con gái đầu năm nay 17 tuổi nhưng phải bỏ học từ năm lớp 10 để đi làm, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, song thu nhập không được nhiều bởi sức khỏe yếu. Cháu trai thứ hai 15 tuổi bị bệnh nhão cơ, còn cháu gái thứ ba 6 tuổi bị bệnh đao, mọi sinh hoạt hàng ngày của hai cháu đều phải có người hỗ trợ, chăm sóc. Gia đình có hai lao động chính là ông Thúy và vợ, thế nhưng mấy tháng vừa rồi càng thêm khốn đốn khi vợ ông phải đi viện điều trị vì bị u xơ tuyến vú...

Ông Thúy bức xúc: “Hoàn cảnh khổ trăm bề, vậy mà chẳng hiểu vì lý do gì, năm nay, cán bộ thôn, xã lại loại gia đình tôi ra khỏi danh sách hộ nghèo, thậm chí lúc đầu còn không đưa vào danh sách hộ cận nghèo. Tôi thấy bất công quá”.

Ông Thúy giải thích: Trong nhà không có tài sản gì đáng giá, căn nhà tạm bợ, cái ti vi đã hỏng, cái xe máy cũ kỹ, bò không có trong chuồng, thế nhưng vẫn đưa vào tính điểm. Nhà ông không có gì đáng giá mà cán bộ chấm điểm rà soát hộ nghèo lên tận 170 điểm. Trong khi đó, ở thôn Yên Thôn nói riêng và toàn xã Định Tiến nói chung, nhiều hộ có điều kiện hơn gia đình ông, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ lại được xét vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Tôi có đơn khiếu nại, thì cán bộ xã không giải quyết rõ ràng mà còn có thái độ thách thức, dọa nạt...

Được biết, thôn Yên Thôn có 395 hộ, trong đó số hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao, năm 2018-2019, trong thôn có 9 hộ nghèo và 89 hộ cận nghèo. Để hiểu thêm về sự việc, chúng tôi tìm gặp đồng chí Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Yên Thôn nhưng không thành khi ông không có mặt tại địa phương. Người đại diện thôn Yên Thôn để gặp gỡ phóng viên là ông Khương Văn Hân, cấp ủy chi bộ thôn. Ông Hân cho biết: Thực hiện việc rà soát hộ nghèo năm 2019-2020 theo hướng dẫn của xã, ngày 20-8-2019, thôn Yên Thôn đã tổ chức họp thảo luận về nội dung này, chỉ tiêu xã “áp” xuống chỉ còn 6 hộ nghèo/thôn, do đó, các thành viên trong thôn đã rà soát, đánh giá và thống nhất 5 hộ nghèo (trong đó có gia đình ông Thúy) thoát nghèo. Đồng thời, tiếp tục giữ nguyên chế độ hộ nghèo cho 4 hộ là: Lê Thị Kết, Trịnh Thị Ký, Trịnh Thị Hượng, Khương Văn Quý và bổ sung thêm 2 hộ mới phát sinh là: Lê Thị Hằng và Lê Văn Liêm. Họ là những hộ gia đình có hoàn cảnh vô cùng éo le như: Nhà anh Liêm thì có vợ mới mất vì bị trầm cảm sau sinh, để lại 3 đứa con nhỏ cho một mình anh chăm sóc, trong đó có cháu bé mới hơn 4 tháng tuổi. Chị Hằng thì có chồng đột ngột qua đời do bị tai nạn, một mình chị gánh vác gia đình với 3 đứa trẻ đều đang tuổi ăn, tuổi học. Đối với gia đình ông Quý, vốn thuộc diện hộ nghèo của xã từ năm 2017-2018 do trong nhà có đứa con trai mới 20 tuổi đã mắc bệnh thận nặng, phải chạy thận 3 lần/tuần, người mẹ thì phải thường xuyên túc trực chăm con ở viện, còn bố thì cũng khù khờ, kém nhanh nhẹn. Mặc dù các hộ trên có nhà cửa ổn định hơn so với nhà ông Thúy, tuy nhiên rà soát hộ nghèo không chỉ dựa vào lý mà còn có cái tình, sự thấu hiểu ở cơ sở hơn là những quy định cứng nhắc, bởi tài sản họ có được trong nhà là khi còn đầy đủ vợ, chồng, con cái khỏe mạnh. Còn hiện tại, họ mới mất đi một trụ cột chính trong gia đình, cuộc sống chưa ổn định, một mình gánh vác con nhỏ, con ốm đau thì làm sao để có thu nhập ổn định hàng tháng... Do vậy, mới cần đến sự động viên từ các chế độ hỗ trợ của Nhà nước nên các thành viên trong thôn đều thống nhất cao để đưa họ vào danh sách hộ nghèo.

Trong quá trình tìm hiểu, gặp gỡ một số cán bộ, người dân ở thôn Yên Thôn, đa số họ đều cho rằng: Gia đình ông Thúy là hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn khi có 2 cháu nhỏ bị khuyết tật đặc biệt nặng. Thế nhưng, cuộc sống của gia đình ông đã ổn định hơn rất nhiều sau hơn 10 năm trong diện hộ nghèo của xã. 2 cháu nhỏ hàng tháng đều có tiền trợ cấp bảo trợ xã hội với mức 675.000 đồng/cháu và tiền trợ cấp cho người chăm sóc đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng 270.000 đồng/người; cháu đầu cũng đã lớn và đi làm, vợ chồng ông đều trong độ tuổi lao động... Vì lẽ đó, thôn quyết định rút gia đình ông ra khỏi danh sách hộ nghèo, để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những đối tượng mới phát sinh.

Rà soát lại, loại 3 hộ khỏi danh sách hộ nghèo

Năm 2018-2019, toàn xã Định Tiến còn 51 hộ nghèo và 271 hộ cận nghèo. Tháng 8-2019, sau khi thực hiện rà soát hộ nghèo chuẩn bị cho việc thụ hưởng chế độ vào năm 2020, xã còn 28 hộ nghèo và 261 hộ cận nghèo. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là sau khi có đơn khiếu nại của gia đình ông Thúy, UBND xã Định Tiến đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại việc bình xét hộ nghèo ở thôn Yên Thôn và quyết định loại khỏi danh sách 3 hộ ở thôn Yên Thôn vì có điểm rà soát vượt quá quy định.

Chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ chính sách xã Định Tiến, cho biết: Theo quy định rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, chia làm 3 mức điểm: Từ 120 điểm trở xuống là hộ nghèo theo tiêu chí về thu nhập; từ 120-150 điểm là hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; từ 150 điểm trở lên là hộ không nghèo. Khi tiến hành rà soát, chấm điểm lại tại các hộ trong danh sách hộ nghèo của thôn Yên Thôn, kết quả phiếu rà soát xác định hộ nghèo thể hiện: Hộ chị Lê Thị Hằng có tổng điểm 201 điểm; hộ ông Lê Văn Liêm có tổng điểm 220 điểm; hộ ông Khương Văn Quý có tổng điểm 190; hộ bà Trịnh Thị Hượng có tổng điểm 45; hộ bà Trịnh Thị Ký có tổng điểm 85; hộ bà Lê Thị Kết có tổng điểm 85... Căn cứ vào mức điểm thống kê được, 3 hộ: Lê Thị Hằng, Lê Văn Liêm, Khương Văn Quý không đủ điều kiện để được xét vào diện hộ nghèo như đề nghị của thôn Yên Thôn. Hộ ông Lê Văn Thúy khi rà soát có tổng điểm là 170 điểm nên cũng không đủ điều kiện để tiếp tục trong danh sách hộ nghèo.

Khi được hỏi, tại sao có những chỉ tiêu ước tính thu nhập của hộ ông Thúy không có hoặc không còn giá trị sử dụng vẫn đưa vào chấm điểm rà soát, cán bộ chính sách xã Định Tiến, lý giải: Nhà ông Thúy vẫn có tivi và xe máy, khi rà soát, chủ hộ không nói là ti vi hỏng. Còn đối với con bò, năm 2016, hộ ông Thúy được tham gia chương trình Bò vàng sinh kế của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Yên Định và được giao cho nuôi 1 con bò sinh sản. Khi điều tra, hỏi nhà có nuôi bò không, thì ông Thúy trả lời là mới bán để mua con khác... Thành thử, cán bộ rà soát vẫn đưa vào để tính điểm?!

Ông Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch UBND xã Định Tiến, thì cho rằng: Việc rà soát hộ nghèo vẫn được địa phương rà soát, thực hiện hàng năm dựa trên những quy định của Nhà nước nhưng phải bảo đảm tình hình thực tế tại các thôn. Những hộ cá biệt, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xem xét đưa vào danh sách hộ nghèo nhưng phải được sự đồng thuận của nhân dân. Đối với trường hợp của gia đình ông Thúy, mặc dù có hoàn cảnh khó khăn, nhưng không đủ điều kiện để tiếp tục xem xét hộ nghèo. Cán bộ xã đã nhiều lần trực tiếp giải thích nhưng gia đình ông vẫn không đồng thuận và có đơn, thư gửi nhiều nơi.

Chủ tịch UBND xã Định Tiến còn nhấn mạnh: Xã Định Tiến là xã được công nhận nông thôn mới từ năm 2015, hiện nay xã đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến năm 2020 chỉ còn một số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội. Tới đây, UBND xã sẽ tiếp tục rà soát, chấm điểm lại tại tất cả các thôn để có số liệu chính thức, đánh giá công bằng, khách quan hơn.

Rà soát hộ nghèo ở xã Định Tiến dựa vào lý hay tình? Câu hỏi có những cách trả lời khác nhau khi cấp thôn dựa vào tình nghĩa để đưa hộ có hoàn cảnh khó khăn vào hộ nghèo, còn cấp xã căn cứ vào quy định để loại khỏi danh sách! Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi nhận thấy, việc rà soát, chấm điểm hộ nghèo đối với trường hợp của gia đình ông Lê Văn Thúy vẫn còn một số điểm chưa thực sự rõ ràng, khách quan? Liệu đó có phải là nguyên nhân dẫn đến lá đơn khiếu nại của gia đình ông Thúy? Hay câu chuyện “bùng nhùng” xung quanh hộ nghèo ở thôn Yên Thôn mới chính là căn nguyên của những bức xúc? Câu hỏi xin chờ giải đáp kịp thời, thỏa đáng và dứt điểm của chính quyền huyện Yên Định để không còn cảnh ông Thúy dẫn những đứa trẻ tật nguyền đi khắp nơi gửi đơn khiếu kiện, cũng như ổn định tình hình tư tưởng trong nhân dân.

Nhóm PV Bạn đọc – Tư liệu


Nhóm PV Bạn Đọc – Tư Liệu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 lê văn tân - 20:35 03/11/19

 Trả lời

Cảm ơn nhóm phóng viên và nhà báo rất nhiều. Tôi là người ở gần gia đình ông Thủy, nên tôi rất hiểu hoàn cảnh nhà ông.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]