(Baothanhhoa.vn) - Trước đây, người phụ nữ làng biển thường gắn chặt với hình ảnh hoàng hôn nuốt bóng, thấp thỏm trên bến đợi chồng con cùng tàu, thuyền trở về sau mỗi chuyến vươn khơi. Giờ đây, người phụ nữ làng biển không chỉ biết đợi chờ mà nỗ lực từng ngày, năng động phát triển, cùng chồng vươn khơi bám biển. Đó là những cảm nhận rất chân thực khi được về với đất biển Hoằng Thanh (Hoằng Hóa), lắng lòng nghe chuyện đời – chuyện nghề của những người phụ nữ nơi đây.

Phụ nữ làng biển

Trước đây, người phụ nữ làng biển thường gắn chặt với hình ảnh hoàng hôn nuốt bóng, thấp thỏm trên bến đợi chồng con cùng tàu, thuyền trở về sau mỗi chuyến vươn khơi. Giờ đây, người phụ nữ làng biển không chỉ biết đợi chờ mà nỗ lực từng ngày, năng động phát triển, cùng chồng vươn khơi bám biển. Đó là những cảm nhận rất chân thực khi được về với đất biển Hoằng Thanh (Hoằng Hóa), lắng lòng nghe chuyện đời – chuyện nghề của những người phụ nữ nơi đây.

Phụ nữ làng biểnChị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Đại Long, xã Hoằng Thanh) đã cùng chồng đi biển ngót nghét 25 năm.

Đàn bà đi biển

Cái nghề đi biển, đánh vật với sóng to gió cả giữa trùng khơi, lọ mọ đêm hôm, lắm vất vả, nhiều nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy. Đàn ông đi biển thấy đã cực nhọc trăm bề, đàn bà đi biển còn muôn nỗi gian truân.

Ấy vậy mà, riêng vùng đất biển Hoằng Thanh, đàn bà đi biển đã thành lẽ thường tình. Thường tình như cái cách mà chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Đại Long, xã Hoằng Thanh) gắn bó với nghề biển này đã ngót nghét 25 năm. Chị Tuyết cho biết: “Chị bắt đầu học cách đi biển từ khi lấy chồng”. Hai vợ chồng chị Tuyết đều sinh ra và lớn lên trên vùng đất biển này. Nhà chồng chị Tuyết có 5 đời theo nghề biển, nghề đã thành nghiệp tự bao giờ mà cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng mãi. “Hoằng Thanh ít đất ruộng, mà hai vợ chồng có chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm thì chưa chắc đã đủ ăn. Hơn hết, lấy chồng phải theo chồng” – cái triết lý sống giản đơn của người phụ nữ làng biển chịu thương chịu khó ấy trở thành “cơ duyên” đưa chị đến với nghề biển, chấp nhận gắn bó đời mình với chiếc bè mảng lênh đênh sóng gió.

Hai vợ chồng chị Tuyết bắt đầu nghề biển chỉ với hai bàn tay trắng, chiếc bè mảng mưu sinh hằng ngày cũng chẳng phải của riêng nhưng hành trình vươn khơi của hai vợ chồng nghèo luôn đầy ắp tình yêu thương, niềm hy vọng, ý chí phấn đấu: “Mong có thể thoát nghèo, cho con cái một cuộc sống đỡ vất vả, đủ đầy hơn”. Mơ ước giản dị mà cháy bỏng ấy khiến chị Tuyết quên đi nỗi ám ảnh, quên đi những cơn say sóng tưởng như nôn ra mật xanh mật vàng. Những ngày đầu ra khơi, sức vóc người phụ nữ chưa thích ứng được với cường độ, điều kiện làm việc khắc nghiệt trên biển nên “người cứ như đi mượn”, “đau ê đau ẩm như ai đánh”...

Một ngày chị Tuyết quay cuồng với đủ công việc, chẳng có thời gian dành chăm sóc bản thân mình. Chuyến bè mảng của vợ chồng chị bắt đầu từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau thì vào bờ. Rồi con cá, con tôm chị bán buôn đến tận 12 giờ trưa ngoài bãi biển mới trở về nhà ăn vội bát cơm, lo cho con cái. Buổi chiều, chị lại dành thời gian chỉnh trang ngư cụ, vá lưới, chuẩn bị đồ dùng cho chuyến đi ngày hôm sau. Việc nối việc, ngày nối ngày, ngoảnh đi ngoảnh lại, người phụ nữ làng biển bỏ quên nhan sắc, sức khỏe, xuân thì như thế. Chỉ còn lại đó bóng dáng người đàn bà lọt thỏm trong bộ quần áo mưa dài lượt thượt, ướt sũng cùng chồng trở về trên chiếc bè mảng mỗi sớm mai. Gương mặt trắng bợt sau một đêm dài lênh đênh, chập chờn sóng nước, bàn tay trớt trơ vì ngâm nước hàng giờ. Đôi bàn tay chai sạn, khô cứng quen với nhịp kéo, thả lưới, vá lưới hơn là những ve vuốt, nâng niu dịu êm. Chị Tuyết thật thà nói: “Có cái vân tay mà nghề biển nó cũng xé toạc mất, da tay cứ liền rồi lại rách như cơm bữa vậy đó. Đợt vừa rồi, nhiều người đi làm căn cước công dân mà lăn dấu vân tay không được vì đầu ngón tay bóc tôm, ghẹ, làm lụng nứt nẻ, rách xước. Mấy cô chú công an bảo đợi ít bữa cho da non mọc lên mới lấy được vân tay đó”. Câu chuyện nhỏ nhặt trong đời sống mà nói lên bao điều về những thiệt thòi, vất vả của người phụ nữ vùng biển khiến chúng ta không khỏi xót xa, thương mến.

Trời không phụ người có lòng. Tất cả những cố gắng, nỗ lực của chị Tuyết đã và đang được đáp đền xứng đáng. Mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển nghề, đến nay, vợ chồng chị Tuyết đã làm chủ nghề. Ngoài hai vợ chồng, bè mảng của anh chị còn thuê thêm 4 lao động. Tuy nghề biển bấp bênh, khi được khi không nhưng thu nhập trung bình của anh chị cũng dao động từ 100 – 200 triệu đồng/năm. Với mức thu nhập ấy, cuộc sống của anh chị đã có của ăn của để, lo cho hai con ăn học đủ đầy, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Chị Tuyết tâm sự: “Nhiều tàu, thuyền đánh bắt theo kiểu tận thu, tài nguyên biển không còn được như trước nên nhiều khi cũng muốn đổi nghề. Nhưng nghĩ lại rồi thương chồng, nhớ biển, biết nghề khác có tốt hơn không nên lại quyết tâm. Còn sức khỏe thì lại tiếp tục hành trình thôi”.

Một tấm gương dám nghĩ dám làm

“Làm ra đồng tiền ở vùng đất biển chẳng phải là điều dễ dàng” – đó là chia sẻ chân thành của chị Nguyễn Thị Bích (thôn Đông Xuân Vi, xã Hoằng Thanh). Những thăng trầm, khốn khó đã trải qua trong cuộc sống khiến người phụ nữ sinh năm 1980 như già hơn so với tuổi. Và những “trái ngọt” mà chị có được như ngày hôm nay chính là niềm tự hào của người phụ nữ làng biển “dám nghĩ dám làm”.

Kể chuyện về những năm tháng khốn khó trong cuộc đời mình, chị Bích không giấu nổi chút nghẹn ngào: “Cuộc sống khổ quá, gia đình nghèo khó đến nỗi đâu đâu người ta cũng không cho mình vay vốn làm ăn vì chẳng lấy gì ra để mà thế chấp, đảm bảo”. Nhà nghèo, hai vợ chồng chị gồng gánh nuôi 3 đứa con nhỏ, bố mẹ chồng tuổi cao sức yếu. Chị Bích kể: Mới sinh được vỏn vẹn 26 ngày, chị cùng chồng đèo bòng nhau trên chiếc xe máy cà tàng đi buôn hải sản. Con đường mưu sinh bắt đầu từ Hoằng Thanh quê chị vào vùng biển Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) mua cá, tôm rồi lọ mọ lúc 1, 2 giờ sáng mang lên TP Thanh Hóa bán. Hết hàng, hai vợ chồng lại tất tưởi chạy xe vào Tĩnh Gia mua hàng cho kịp giờ bán vào hôm sau. Đường đất đi lại khó khăn, ổ voi, ổ gà lỗ chỗ như thách thức đôi vợ chồng nghèo. Chị Bích mãi không thể nào quên những ngày chị đi từ đầu bến đến cuối bến Hải Thanh, Hải Bình, cặm cụi bẻ từng chiếc còng của con cùm cụm mà người ta vứt đi đem về bóc lấy thịt đem bán, kiếm thêm chút thu nhập dù ít ỏi. Ròng rã mấy năm trời, nhiều lúc mệt mỏi quá, hai vợ chồng tâm sự với nhau: “Con còn nhỏ, bố mẹ đã già mà hai vợ chồng cứ lọ mọ thế này chẳng biết tương lai thế nào. Rủi có chuyện gì thì con mình, bố mẹ mình biết làm sao?”.

Nghĩ là làm, qua bao năm miệt mài mưu sinh, chắt bóp được chút vốn liếng, chị Bích mạnh dạn vay mượn thêm, bàn với chồng mua một chiếc xe tải loại 1 tấn với mong muốn phát triển nghề. Có xe rồi, anh chị mở rộng quy mô buôn bán, vào các nơi như: Quỳnh Tiến, Cửa Hội, Cửa Lò (thuộc tỉnh Nghệ An) thu mua hải sản về bán cho các nhà hàng, quán ăn, thương lái khác trong huyện.

Năm 2013, nhờ sự nhanh nhẹn, nhạy bén, chị Bích đấu mối được với cơ sở thu mua cá mai sơ chế xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo thời gian, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, chịu khó đầu tư, đến nay, chị Bích đã xây dựng được xưởng sơ chế thủy hải sản có diện tích khoảng 140m2, 1 kho đông lạnh trên mảnh đất quê hương, mua thêm 2 chiếc xe chở hàng. Quy mô nghề được mở rộng. Xưởng của chị Bích tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng; lao động thời vụ vào lúc cao điểm có khoảng 50 – 60 người với mức thu nhập từ 200 – 300 nghìn đồng/ngày. Thu nhập bình quân của gia đình chị Bích khoảng 70 – 80 triệu đồng/tháng. Không chỉ sơ chế thủy hải sản, chị Bích thu mua hải sản tươi của bà con trong vùng nhập cho nhà hàng, khách sạn phục vụ phát triển du lịch. Chị Bích bày tỏ: “Làm thương nghiệp ngày càng khó khăn trong khi sức mình có hạn. Nhưng bản thân tôi đã từng chật vật đi qua cái nghèo nên bây giờ muốn được giúp đỡ cho nhiều chị em có điều kiện thoát nghèo, bớt khổ”. Bởi vậy, chị Bích luôn mong muốn “được các cấp, các ngành tạo điều kiện có quỹ đất, được tiếp cận các chương trình vay vốn ưu đãi để tiếp tục mở rộng quy mô, phát triển nghề”.

“Trước đây, cuộc sống của phụ nữ trên vùng đất biển Hoằng Thanh này còn nhiều khó khăn, vất vả do chủ yếu làm nông nghiệp và ngư nghiệp. Trình độ học vấn không cao. Tuy nhiên, trong những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp của các cấp, các ngành và sự nỗ lực, cố gắng của đông đảo hội viên, phong trào phụ nữ và hoạt động công tác hội ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh của địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của chị em từng bước được cải thiện, nâng cao” – bà Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoằng Thanh nhận định. Những người phụ nữ làng biển, họ lao mình vào cuộc mưu sinh vất vả như bất kỳ một người đàn ông nào khác. Họ cùng chồng vươn khơi bám biển, mở các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản, bán buôn, làm dịch vụ hậu cần nghề cá... Họ vun vén, giữ lửa hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con ngoan, thành đạt... Họ chấp nhận những thiệt thòi, hy sinh và biến nó thành niềm vui, niềm tự hào, nguồn động lực. Bức tranh làng biển, bởi sự khoe sắc, tỏa hương theo cách rất đặc biệt của “những bóng hồng” ấy mà càng thêm sinh động, tươi tắn, đầy trân trọng, cảm phục.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]