(Baothanhhoa.vn) - Những năm 1925-1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào “Vô sản hóa” đã thâm nhập sâu rộng vào trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò nhằm tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh.

Phát huy truyền thống vẻ vang, Công đoàn Thanh Hóa lấy quyền lợi người lao động làm trọng tâm hoạt động

Những năm 1925-1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào “Vô sản hóa” đã thâm nhập sâu rộng vào trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò nhằm tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh.

Phát huy truyền thống vẻ vang, Công đoàn Thanh Hóa lấy quyền lợi người lao động làm trọng tâm hoạt độngChủ tịch LĐLĐ tỉnh Võ Mạnh Sơn thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống tại Công ty TNHH MTV May Phúc Thịnh (xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương). Ảnh: Thanh Huê

Trước yêu cầu lịch sử đòi hỏi có một tổ chức thống nhất để lãnh đạo phong trào công nhân đang phát triển mạnh mẽ, Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ vào ngày 28-7-1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón – Hà Nội. Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân, lao động. Với ý nghĩa lịch sử đó, theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 28-7-1929 là ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

92 năm, một chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, nhưng vô cùng vẻ vang của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam; là lực lượng to lớn và chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, gắn bó máu thịt, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động (NLĐ), vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, là lực lượng tiên phong trên mọi lĩnh vực, chấp hành tuyệt đối đường lối đổi mới của Đảng, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất và công tác, góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định, phát triển đất nước.

Là một bộ phận của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Thanh Hóa luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua hành động cách mạng; tập trung công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập của đất nước và quê hương. Từ sau Đại hội XIX Công đoàn tỉnh (năm 2017) đến nay, các cấp công đoàn Thanh Hóa đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên và NLĐ.

Tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, khẳng định vai trò, đại diện cho NLĐ tại các cơ chế hai bên, ba bên trong quan hệ lao động. Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (có 2.918/2.926 đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đạt 99,7%); tổ chức và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể (đã có 465/647 đạt 71% công đoàn cơ sở doanh nghiệp đã ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn so với quy định của pháp luật). Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng quy chế trả lương, thưởng, định mức lao động; đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc; chăm lo đời sống của đoàn viên, NLĐ; đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động nâng cao chất lượng bữa ăn ca (có 301 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ, trong đó có 276 doanh nghiệp có chất lượng bữa ăn ca từ 15.000 đông đến 22.000 đồng/bữa). Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho NLĐ được thực hiện bài bản, đa dạng; tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp góp phần làm giảm mạnh các cuộc đình công, tranh chấp lao động (từ năm 2017 đến năm 2020 giảm 85,7%).

Quyền lợi, phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ ngày càng được chú trọng. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức các hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên như: “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Ngày hội công nhân - phiên chợ nghĩa tình”; “Phúc lợi đoàn viên”... với tổng số 568.489 suất quà trị giá 192,9 tỷ đồng; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 545 ngôi nhà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn từ quỹ “Mái ấm công đoàn” với tổng số tiền là 21,82 tỷ đồng. Ký kết 42 bản thỏa thuận hợp tác với các đối tác cung cấp các dịch vụ, ưu đãi cho hơn 90.000 đoàn viên, NLĐ được hưởng lợi với số tiền là 16,8 tỷ đồng. Tích cực vận động, đề xuất xây dựng các thiết chế công đoàn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và TP Thanh Hóa, tham gia tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ; tham mưu, tổ chức để lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi, tặng quà công nhân, NLĐ khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán và tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với CNVCLĐ...

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các cấp công đoàn trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ. LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 11.712 đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 với số tiền là 3,18 tỷ đồng, vận động CNVCLĐ đóng góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch của tỉnh và các địa phương trên toàn quốc với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng và hàng trăm tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm...

Triển khai và phát động sâu rộng các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; “CNVCLĐ chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng”, giai đoạn 2021-2030 gắn với Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” với 30.257 sáng kiến của đoàn viên, NLĐ, hoàn thành xuất sắc, đứng thứ hai cả nước; chương trình “CNVCLĐ với ngày hội non sông” trong công tác tuyên truyền bầu cử, Thanh Hóa đứng thứ nhất toàn quốc.

Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở được chú trọng với nhiều cách làm mới, trong đó tập trung vào khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước (năm 2017 có 220.335 đoàn viên, đến tháng 6-2021 tăng lên 278.617 đoàn viên, với 3.590 công đoàn cơ sở). Tiếp tục đẩy mạnh và triển khai nhiều giải pháp phát triển đảng viên là công nhân trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước (giai đoạn 2017-2020 có 8.781 đoàn viên ưu tú được bồi dưỡng kết nạp vào Đảng).

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn Thanh Hóa quyết tâm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động; thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn với chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ; xây dựng giai cấp công nhân tỉnh Thanh Hóa lớn mạnh, xứng đáng là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và quê hương; góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi “khát vọng văn minh, thịnh vượng”, trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Võ Mạnh Sơn

Đại biểu Quốc hội, Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam,

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]