(Baothanhhoa.vn) - Trở thành công an, bác sĩ, kỹ sư... hay đơn giản là cuộc sống không phải phập phồng với lênh đênh sóng biển... là những ước mơ của nhiều trẻ nhỏ xã biển Ngư Lộc (Hậu Lộc). Dù các em phải vất vả với cuộc sống mưu sinh, thiệt thòi về điều kiện sống... nhưng điều đó không quan trọng, mà quan trọng hơn cả là các em có ý chí, nghị lực vươn lên và biết yêu lao động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ôm giấc mơ đi về phía biển

Ôm giấc mơ đi về phía biển

Nhiều đứa trẻ vùng biển vất vả mưu sinh để viết tiếp ước mơ cuộc đời.

Trở thành công an, bác sĩ, kỹ sư... hay đơn giản là cuộc sống không phải phập phồng với lênh đênh sóng biển... là những ước mơ của nhiều trẻ nhỏ xã biển Ngư Lộc (Hậu Lộc). Dù các em phải vất vả với cuộc sống mưu sinh, thiệt thòi về điều kiện sống... nhưng điều đó không quan trọng, mà quan trọng hơn cả là các em có ý chí, nghị lực vươn lên và biết yêu lao động.

Những giọt mồ hôi biết cười

Xã biển Ngư Lộc một ngày đầu xuân bình yên. Những chiếc tàu phơi mình, nối đuôi nhau chờ ra khơi. Tôi đã đi nhiều làng biển vào nhiều mùa trong năm, ở đâu cũng thấy nỗi gian truân của con người nơi đầu sóng, nhất là những đứa trẻ trong cuộc mưu sinh.

Bà Nguyễn Thị Thông, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ngư Lộc, nói: “Trẻ em làng biển vẫn hằng ngày thực hiện những hoài bão, ước mơ của mình cùng biển. Có đứa từ nhỏ theo bố mẹ đi biển, biết bơi, bắt cá như ngư dân chuyên nghiệp. Có đứa thì cả tháng gặp bố mẹ một lần, ở nhà với ông bà vì họ phải đi đánh cá xa. Những đứa trẻ đủ số phận, có đứa được đi học có đứa thì không, nhưng tất cả chúng giống nhau là đều yêu chữ, ham học”.

Tầm 2-3 giờ chiều, vài đứa trẻ từ trong con ngõ nhỏ chạy ùa ra đê. Đứa nào đứa nấy đen nhẻm, gầy gò nhưng mắt rất sáng, thông minh và nhanh nhẹn. Trong đó có Bảo Ngọc, lớp 9, Trường THCS Ngư Lộc là đứa trẻ nghịch ngợm và hoạt ngôn nhất. Ngọc mê game, đá bóng và Toán. Nhưng Ngọc cũng là đứa có hoàn cảnh khó khăn nhất, bố mẹ em chia tay nhau, sau đó hai người biệt xứ, bỏ lại em cho ông bà nội ở thôn Thắng Phúc. Ông vẫn đi biển, vẫn kể cho em nghe về bố mẹ, về những ngày ấu thơ của em.

Gần 1 năm nay, sau mỗi buổi học Ngọc đều ra biển cùng bà. Ngọc kể, thường ngày bà em bốc vác hải sản thuê cho các chủ thuyền ở bến cá này. Thuyền lớn thì thuê năm, bảy người, thuyền nhỏ thì vài ba người. Thuyền nào nhiều cá, mực, moi thì có khi phải bốc vài tiếng đồng hồ mới xong. Mỗi thuyền, chủ khoán thẳng cho những người bốc xếp một số tiền nhất định rồi tự chia nhau. Vì thế, Ngọc thường ra đây làm cùng bà để được tính một nửa công.

Nhiều lúc, không có thuyền về mà chỉ có thuyền ra khơi, Ngọc lại bốc thuê nước đá, nước ngọt lên thuyền cho các chủ tàu. Công việc có vất vả nhưng nhiều chủ tàu thương, có khi cho em cả trăm ngàn một buổi, bởi với họ, được một cậu bé vui tính, chăm chỉ như Ngọc tiễn ra khơi có khi lại thuận lợi, tháng sau cập bến cá tôm nặng khoang thuyền cũng nên.

Cũng sống trong gia đình khuyết thiếu, em Nguyễn Văn Tân, lớp 7, Trường THCS Ngư Lộc có bố mất trong một lần đi biển cách đây hai năm, bỏ lại ba mẹ con em trong thiếu thốn với bộn bề lo toan. Hằng ngày, mẹ em ra bến cá sơ chế hải sản (bóc tôm, lọc cá, bóc ghẹ...) cho các chủ cơ sở chế biến hải sản đông lạnh để kiếm tiền nuôi hai anh em ăn học. Thấy mẹ vất vả, ngoài giờ học, Tân ra đây phụ giúp mẹ. Tân còn nhỏ lại là con trai nên không có cơ sở nào nhận em làm công nhân, vì vậy em quanh quẩn nhặt cá rơi vãi làm thức ăn, hay đôi lúc khiêng cá từ dưới thuyền lên bến cho người lớn, kiếm vài con cá nhỏ.

Không làm được những việc nặng nhọc, Nguyễn Tùng Oanh, lớp 9, Trường THCS Ngư Lộc lại theo mẹ đi bóc tôm, ghẹ, bề bề. Oanh bảo, bố Oanh bị tai nạn trong một chuyến đi biển giờ chỉ quanh quẩn ở nhà chứ không đi làm kiếm tiền được. Gia cảnh thiếu thốn, Oanh phải kiếm tiền đỡ đần mẹ. Mới đầu làm chưa quen nên gai tôm, càng ghẹ đâm vào tay, nhức nhối vô cùng nhưng em phải giấu mẹ vì sợ mẹ xót con lại không cho đi làm nữa... Oanh bỏ lửng câu nói. Tôi hiểu sự ngập ngừng của cô bé khôn trước tuổi này.

Khốn khó là thế, nhưng những đứa trẻ làng biển này vẫn có biết bao ước mơ về ngày mai. Vừa nhìn ra phía biển với miên man sóng vỗ, Bảo Ngọc vừa kể: “Em chỉ mong mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đồng phụ giúp ông bà và có tiền mua sách vở. Chuẩn bị lên cấp 3 học tốn tiền lắm mà ông bà em đã già, làm từ sáng tới tối cũng chỉ đủ mua gạo ăn. Em chỉ sợ không lo nổi tiền học, phải bỏ học giữa chừng. Em mơ mình sẽ làm kỹ sư xây dựng. Việc đầu tiên là em xây một bờ kè thật chắc ngay quê em để thuyền bè ra vào tránh bão, để không có con tàu nào phải nằm lại ngoài biển”.

Tôi muốn hỏi thêm về ước mơ của em nhưng em ngó lơ, có vẻ muốn chấm dứt câu chuyện bởi xung quanh là những tiếng í ới của bọn trẻ gọi nhau.

Mặt trời dần xuống núi, biển sẫm lại, bọn trẻ vẫn chưa chịu về. Chúng lôi từ trong túi ra nào kéo, nào dao... rồi bắt đầu đục những mảng hàu bám trên vách đá, tìm những con don biển. Tiếng búa gõ vào đá, tiếng dao xắn xuống cát trầm đục và cần mẫn. Cả tiếng đồng hồ mới được một mớ nhỏ. Chúng ngồi quanh “chiến lợi phẩm” ngắm nghía, so sánh, bàn tán ầm ĩ. Những cái lưng trần non nớt le te bưng chiến lợi phẩm đi bán rồi chạy về với khuôn mặt hí hửng. Tôi biết trong những bàn tay nhỏ nhắn ấy là mấy đồng tiền lẻ bèo bọt như chính tuổi thơ nghèo khó của các em. Còn các em thì rất vui, cứ tíu ta tíu tít khoe nhau: “Tao được 5 ngàn!”. “Tao nhiều hơn mày, 10 ngàn nhé”... Chúng cười nói át cả tiếng sóng rồi chạy xuống biển.

Từng giọt mồ hôi “non nớt” của những đứa trẻ nghèo sớm rơi trên ghềnh đá, hòa vào lòng biển chỉ vì mơ ước có được bộ sách, cái cặp và... xa xỉ hơn là bộ quần áo mới. Ở tuổi 13 - 14 như các em, bao đứa trẻ chưa phải bận tâm chuyện cơm áo, nhưng những đứa trẻ nghèo này đã nhận thức được trách nhiệm của mình. Các em giống như những cây xương rồng miền gió cát, còi cọc vậy nhưng lại âm thầm lớn lên, âm thầm nuôi chí học hành để đổi đời, mạnh mẽ và quyết đoán.

Cùng con đi tìm con chữ

Thuyền về lúc giữa trưa. Cát và muối bám chặt lấy tấm thân trần, đen, chắc nịch của những ngư dân sau đêm đánh bắt. Những người vợ đội nón chờ chồng bằng ánh mắt biết cười khi nhìn thấy những khay cá tràn trề. Nụ cười của họ giấu kỹ những cực nhọc mà nếu không nói ra, chúng tôi khó lòng hiểu hết.

Ông Nguyễn Văn Hoa, một lão ngư đã 30 năm làm bạn với thuyền và biển nở nụ cười mãn nguyện: “Nghề biển hay nghề gì đi nữa cũng có cái khổ của nó. Cốt lõi là liệu có nuôi con ăn học nổi hay không. Đời chúng tôi xưa khổ vì không có cái chữ, giờ có phải hy sinh cũng quyết cho con đi học đàng hoàng”.

Giai đoạn trước năm 2000, người dân nhiều làng biển không cho con học lên cao mà hướng chúng nối nghiệp nghề biển. Hội khuyến học địa phương cũng chỉ động viên phụ huynh được phần nào, bởi lợi ích của sự học còn xa hơn con cá kiếm được trong ngày. Bà Nguyễn Thị Thông chia sẻ: “Đó là chuyện của những ngày xưa, sự học đang đổi thay từng ngày ở nơi đây. Kinh tế của ngư dân ngày càng cải thiện, nhận thức thay đổi, dấy lên phong trào đua nhau cho con đi học, hình thành và gắn kết vào niềm tự hào của dòng họ, đẩy mức độ quan tâm vấn đề học tập ở các làng biển tiến xa hơn. Đồng thời, Nhà nước thường xuyên có những chương trình khuyến khích con em đi học nên người dân hăng hái để con đến trường. Kết quả là năm học 2018-2019 vừa qua, xã có 56 em đậu đại học, 31 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 248 em đạt học sinh giỏi cấp huyện. Đặc biệt, xã có 1 giáo sư, 6 tiến sĩ và hàng chục thạc sĩ. Chuyện gia đình nghèo có 1-2 con đậu đại học đếm không hết”.

Cuộc đời làm ngư dân ngày tháng đương đầu với sóng gió, ông Nguyễn Đình Công, sinh năm 1957, thôn Thành Lập không thể đếm hết bao nhiêu đêm thức trắng để “bòn mót” ở biển cả những con cá, con mực mới đủ lo cho 4 đứa con ăn học. Nhưng trời không phụ lòng người khi “đền” cho ông 3 đứa con thành công ở giảng đường đại học, trở thành chiến sĩ công an nhân dân, kỹ sư... góp sức mình làm giàu cho đất nước.

Thay vì trước đây, đa số con em phải cùng cha mẹ lam lũ mưu sinh sau những giờ học thì hiện nay nhiều gia đình cho con ở nhà để tập trung học tập và định hướng nghề nghiệp phát triển quê hương. Vì theo người dân, chỉ có con đường học mới mở mang tri thức, mới thoát nghèo và có thể giúp quê hương thêm giàu đẹp. Vừa đi chợ cá về, chị Nguyễn Thị Thắng, thôn Thắng Tây, cho biết: “Chồng tôi đi biển, tôi ở nhà chạy chợ không có dư chỉ đủ để lo cho cuộc sống hằng ngày. Tuy thiếu thốn nhưng có khổ mấy cũng nuôi con cái ăn học, chúng có chữ sẽ hiểu biết và tiến xa hơn”.

Đối với những bậc làm cha, làm mẹ nơi đây, niềm vui là khi mỗi đứa con đều “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” bố mẹ giao cho, ra trường và kiếm được việc làm bằng chính sức mình. Sự học đã làm thay đổi vận số của nhiều gia đình nơi đây.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Thị Tình - 14:03 26/03/20

 Trả lời

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ngư Lộc đầy nắng, gió mặn mùi biển... Bố tôi năm nay hơn 50 tuổi và trong tất cả năm tháng đó,vbố tôi gắn với chiếc thuyền đánh cá còn nhiều nhiều hơn số lần bố tôi ở nhà. Mẹ tôi cũng như bao người phụ nữ có chồng đi đánh cá xa bờ... Mẹ tần tảo bán buôn tất cả những gì có thể bán đc để nuôi 4 chị e tôi khôn lớn. Tôi là chị cả trong gia đình,...ý thức đc điều đó,ngoài giờ đi học trên lớp, tôi phụ mẹ trông các em, cơm nước, rau lợn, rau gà.. Phải nói là bây giờ lớn lên...tôi không hiểu một đứa con gái 8 tuổi đen nhẻm, gầy còm mà đảm đương đc hết tất cả công việc như vậy... 3 đứa em cách nhau 2 tuổi....tôi không tự hào, nhưng tất cả những đứa trẻ ở quê đều vậy... đứa lớn trông đứa bé....cứ mãi như vậy...

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]