(Baothanhhoa.vn) - Dù quen với công việc chân lấm tay bùn, nhưng khi đứng trên sân khấu biểu diễn những người nông dân thôn Phượng Mao, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa lại trở thành những nghệ sĩ thực thụ làm đắm say lòng người với những điệu chèo cổ ngọt ngào, đằm thắm. Thế nhưng, trong xu thế hiện đại, thế hệ trẻ đang dần thờ ơ với hát chèo, khiến cho nghệ thuật chèo nơi đây có nguy cơ bị mai một...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lo nghệ thuật chèo truyền thống bị mai một

Nỗi lo nghệ thuật chèo truyền thống bị mai một

Bà Hàn Thị Tài cùng với các thành viên trong Câu lạc bộ chèo Phượng Mao nỗ lực truyền đạt niềm đam mê nghệ thuật chèo cho thế hệ trẻ. Ảnh: Hoàng Giang

Dù quen với công việc chân lấm tay bùn, nhưng khi đứng trên sân khấu biểu diễn những người nông dân thôn Phượng Mao, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa lại trở thành những nghệ sĩ thực thụ làm đắm say lòng người với những điệu chèo cổ ngọt ngào, đằm thắm. Thế nhưng, trong xu thế hiện đại, thế hệ trẻ đang dần thờ ơ với hát chèo, khiến cho nghệ thuật chèo nơi đây có nguy cơ bị mai một...

Tình yêu nối tiếp... đam mê

Chúng tôi về thôn Phượng Mao, xã Hoằng Phượng đúng dịp sinh hoạt câu lạc bộ của các “nghệ sĩ làng”. Làn điệu chèo hòa quyện trong tiếng trống, tiếng phách giữ nhịp ngân vang khắp vùng quê thanh bình. Để nghe được một điệu chèo cổ ở đây không khó, bởi bất kỳ người già, trẻ nhỏ đều biết và thuộc vài bài hát chèo. Với những người dân nơi đây, từ bao đời nay tiếng trống, làn điệu chèo đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần sau những ngày lao động mệt nhọc. Những vở chèo thường được người dân biểu diễn cho nhau xem vào các buổi sinh hoạt của xóm, làng hay trong các sự kiện quan trọng của làng, xã.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1950), thôn Phượng Mao, cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã được xem các cụ hát tuồng, hát chèo ở sân đình, rồi tự học hát theo. Đến năm 11, 12 tuổi, tôi đã được cùng các bạn, đàn anh, đàn chị trong làng đóng những vở diễn và đi biểu diễn ở làng, xã cho bà con xem. Cứ thế, những vở diễn chèo, những câu hát chèo cũng theo tôi lớn lên từng ngày cho đến tận bây giờ.

Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, bà có thể hát được vài chục làn điệu chèo, như: “Đường trường quyên đề”, “Thu không”, “Vị thủy”...; hóa thân vào nhiều nhân vật trong các vở diễn xưa như: Tấm Cám, Tống Trân Cúc Hoa... Nghệ nhân Oanh từng nhiều lần đại diện cho huyện, cho tỉnh tham gia các hội thi, hội diễn và gặt hái nhiều giải thưởng cao, như: Đạt HCV, HCB và nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành. Năm 2009, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Bà cũng là 1 trong 2 nghệ nhân trên địa bàn xã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” loại hình di sản phi vật thể năm 2015.

Cũng là người gắn bó với câu lạc bộ chèo xã Hoằng Phượng, bà Hàn Thị Tài (sinh năm 1955), thôn Phượng Mao, tâm sự: Tôi cũng như những người dân nơi đây, đến với chèo ngay từ trong bụng mẹ, từ những điệu hát trong lời ru của bà, của mẹ khi mới lọt lòng. Tình yêu dành cho nghệ thuật chèo đã ngấm vào máu từ bao giờ không hay. Khi lớn lên, mỗi lần nghe các ông, bà hát tôi lại say sưa học theo rồi ngày càng say đắm điệu chèo quê mình.

Vì đam mê với hát chèo nên bà Tài luôn hào hứng và thích thú khi được hóa thân vào những nhân vật trong các vở chèo, được “cháy hết mình” trong từng điệu chèo ngọt ngào, đằm thắm. Gia đình thuần nông, hàng ngày, bà vẫn phải lo việc đồng áng, thế nhưng chỉ cần có thông báo tập luyện cho sự kiện nào đó, bà lại bỏ hết công việc để cùng với bạn diễn bàn luận về vở diễn.

“Trước kia, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng cha, ông chúng tôi vẫn tụ hội bên chiếu chèo để biểu diễn, để đắm say thưởng thức những vở chèo nồng ấm tình người. Giờ đây, những câu hát chèo vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân chúng tôi” - bà Tài chia sẻ.

Cần chính sách hỗ trợ phù hợp

Nghệ thuật chèo đã tồn tại bao đời nay trên mảnh đất Phượng Mao. Những điệu múa, câu hát chèo đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ của mỗi người dân sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Trên đất chèo cổ, các nghệ nhân của làng chèo Phượng Mao đang nỗ lực để truyền đạt cho thế hệ trẻ với hy vọng những điệu chèo cổ được truyền lại qua bao đời sẽ vẫn còn được lưu giữ và phát huy. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của thời đại mới, đa phần giới trẻ yêu thích những loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại và thờ ơ với hát chèo truyền thống khiến những cố gắng của các nghệ nhân gặp nhiều khó khăn.

Bà Tô Thị Thêm (sinh năm 1952), thành viên câu lạc bộ chèo ở thôn Phượng Mao, cho biết: Câu lạc bộ có 17 người, nhưng chủ yếu là người cao tuổi. Để duy trì truyền thống của làng, chúng tôi phải thường xuyên vận động thế hệ trẻ tham gia để giữ gìn truyền thống của cha ông. Chúng tôi đã truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ trong làng biết hát chèo và yêu chèo nhiều hơn, góp phần giữ gìn vốn quý của dân tộc. Những câu chèo cổ xen lẫn với những làn điệu chèo mới đã thôi thúc lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của người trẻ. Hiện nay, địa phương có 3 lớp học hát chèo, gồm: 1 lớp có độ tuổi từ 30 (hơn 10 người); 1 lớp dành cho học sinh tiểu học và THCS với 8 em.

Theo bà Thêm, do các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học nên việc tham gia đội văn nghệ, tập luyện có nhiều hạn chế. Thế hệ thanh niên lại phải lo kinh tế cho gia đình. Hiện nay, trên địa bàn thôn Phượng Mao, những thanh niên đến độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa hoặc làm công nhân trong các nhà máy. Công việc vất vả, phần lớn phải tăng ca đến đêm mới về nên mỗi khi có sự kiện, vận động đi tập luyện cũng rất khó khăn. Trong khi đó, việc tham gia vào đội văn nghệ chủ yếu là tự nguyện, không có kinh phí hỗ trợ. Cũng vì vậy mà các cháu không thiết tha với chèo và đất chèo Phượng Mao đang đứng trước nỗi lo bị mai một.

Anh Nguyễn Văn Tiện, cán bộ văn hóa xã Hoằng Phượng, cho biết thêm: Thôn Phượng Mao là cái nôi phát triển nghệ thuật dân gian chèo truyền thống bao đời. Thế nhưng những năm gần đây, thế hệ trẻ ít tham gia vào hoạt động nghệ thuật này, chủ yếu là những người đã nhiều tuổi. Để gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống, năm 2011, UBND xã Hoằng Phượng đã thành lập 2 câu lạc bộ hát chèo, gồm: Câu lạc bộ chèo Vĩnh Gia và câu lạc bộ chầu văn Phượng Mao. Nhiều nghệ sĩ không chuyên trong các câu lạc bộ đã vinh dự được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Trước đây, huyện Hoằng Hóa có hỗ trợ cho mỗi câu lạc bộ 5 triệu đồng/năm để hoạt động. Tuy nhiên, đến năm 2019, số kinh phí ít ỏi này cũng bị cắt. Điều này gây khó khăn cho hoạt động câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống.

Cũng theo anh Tiện chia sẻ, những người tham gia câu lạc bộ đều là những người đam mê nghệ thuật chèo. Họ hát, biểu diễn và tham gia dạy cho lớp trẻ với niềm say mê cháy bỏng và tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, để trang bị cho một buổi biểu diễn cần phải thuê trang phục, phương tiện (trong trường hợp biểu diễn ở xa)... Không có kinh phí, sẽ khó điều động khi có sự kiện biểu diễn, khó thu hút thế hệ trẻ tham gia... Trong khi đó, ngân sách của xã lại không có nguồn chi.

“Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm có chính sách hỗ trợ nhằm động viên, khuyến khích tinh thần những người tham gia vào các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống; giúp thu hút được đông đảo thế hệ trẻ tham gia, góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống. Đây cũng là cách góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam” – ông Tiện nói.

Hoàng Giang


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]