(Baothanhhoa.vn) - Việc hình thành các khu công nghiệp (CN), cụm CN đã và đang tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nở rộ dịch vụ quanh các khu, cụm công nghiệp

Việc hình thành các khu công nghiệp (CN), cụm CN đã và đang tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều dịch vụ mở ra quanh Cụm công nghiệp Quán Lào (Yên Định).

Theo đó, nhiều hộ dân sống ven các khu, cụm CN từng bước chuyển đổi nghề nghiệp, lựa chọn cung cấp, kinh doanh các dịch vụ đáp ứng nhu cầu, đời sống công nhân. Tuy việc “nở rộ” các loại hình dịch vụ quanh các khu, cụm CN có nhiều tiện ích, thuận lợi, song bài toán về quản lý chất lượng các dịch vụ đang trở thành “vấn đề nan giải” đặt ra đối với các địa phương.

Với lợi thế gần Cụm CN Quán Lào (Yên Định), cách đây 3 năm, gia đình bà Thoa, chủ cơ sở trông giữ xe Yến Nhi, thôn 42, xã Định Liên (Yên Định) đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng diện tích ngôi nhà cấp 4 thành ngôi nhà 3 tầng khang trang, có sân rộng để kinh doanh dịch vụ trông, giữ xe. Bà Thoa cho biết, từ khi Cụm CN Quán Lào được đầu tư, xây dựng, nhất là khi các Công ty may Tiên Sơn Vina, Công ty CP may xuất khẩu Yên Định... thành lập, lượng công nhân làm việc tại đây tăng cao. Diện tích bãi giữ xe của các công ty không đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều người lựa chọn dịch vụ gửi xe ngoài công ty. Nắm được xu thế đó, gia đình bà đã cải tạo nhà, mở dịch vụ trông giữ xe cho công nhân các công ty ở cụm CN. Ngoài việc nhận trông giữ xe theo tháng cho công nhân các nhà máy trên địa bàn, gia đình bà còn bán đồ ăn sáng, nước uống. Với giá trông xe đạp 100.000 đồng/tháng, 300.000 đồng/tháng với xe mô tô, diện tích sân của gia đình có thể chứa được hơn 100 xe các loại, nhờ đó gia đình có thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng. Việc chuyển hướng sang kinh doanh các dịch vụ phụ trợ “ăn theo” sự phát triển của cụm CN đã giúp kinh tế gia đình bà ổn định, khá giả hơn.

Được biết, tại các thôn 41, 42, xã Định Liên có 10 hộ kinh doanh dịch vụ trông giữ xe. Ngoài ra, còn hàng trăm hộ mở cửa hàng ăn uống, giải khát, thời trang, mỹ phẩm, làm đẹp, nhà trọ và mở các dịch vụ ăn uống lưu động... phục vụ công nhân. Từ khi chuyển hướng sang kinh doanh các loại dịch vụ, nhiều hộ có thu nhập từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi ngày, góp phần làm thay đổi đời sống bộ mặt nông thôn trên địa bàn.

Khu CN Lễ Môn (TP Thanh Hóa) có hơn 30 công ty, nhà máy đang hoạt động với hơn 33.000 lao động. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các loại dịch vụ phụ trợ quanh khu CN nở rộ, nhất là dịch vụ ăn uống, hàng tiêu dùng và nhà trọ. Đoạn đường chính từ phía trung tâm phường Quảng Hưng (TP Thanh Hoá) vào Khu CN Lễ Môn trở nên ồn ào náo nhiệt vào buổi sáng khi chợ cóc hoạt động. Từ sáng sớm, hàng trăm xe đẩy lưu động bán xôi, bánh mỳ, các loại bánh, đồ ăn sáng... phục vụ công nhân các công ty trong khu CN. Vào giờ tan tầm buổi chiều, các sạp hàng quần áo, đồ gia dụng, như: giầy dép, mũ nón, túi xách... và các xe đẩy bán thức ăn chín, sống trở thành tâm điểm thu hút khách hàng. Chị Đỗ Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH Giầy Sunjade Việt Nam, cho biết: “Ngày càng nhiều dịch vụ được mở ra quanh khu CN này. Từ trông giữ xe, ăn uống, làm đẹp, thuê trọ đến hàng hóa sinh hoạt, thực phẩm... “Mùa nào thức nấy”, các sản phẩm bày bán ở đây có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền công nhân nên được nhiều người lựa chọn”.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phong phú, tiện lợi của các dịch vụ, thực tế cho thấy vẫn còn một số bất cập như: Chất lượng các mặt hàng, dịch vụ cung cấp chưa đồng đều; tình trạng hàng giả, nhái nhãn mác, vi phạm kiểu dáng công nghiệp các thương hiệu nổi tiếng vẫn diễn ra phổ biến. Đơn cử như các loại giầy dép, túi xách của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Chanel... được bán quanh khu CN với giá 70.000 đồng/sản phẩm đến 150.000 đồng/sản phẩm; nhiều loại thực phẩm như thịt, cá, rau củ, quả được bày bán không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cũng hình thành các loại dịch vụ nhạy cảm, dễ nảy sinh những vi phạm, như: Cầm đồ, cho vay nặng lãi, massage... Ông Đàm Khắc Chương, Chủ tịch UBND xã Quảng Hưng (TP Thanh Hóa), cho biết: Việc hình thành nhiều dịch vụ quanh Khu CN Lễ Môn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nhiều dịch vụ xuất hiện cũng tiềm ẩn những bất cập, gây khó khăn cho địa phương, cơ quan chức năng trong việc quản lý và bảo đảm trật tự - an toàn xã hội.

Để quản lý tốt các loại hình kinh doanh dịch vụ quanh các khu, cụm CN, đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh, cho rằng: Bên cạnh việc quan tâm, thu hút đầu tư, hoàn thiện, mở rộng các chợ quanh khu, cụm CN, các địa phương cần bố trí hợp lý điểm bán hàng trên các trục đường, hạn chế tối đa việc tự ý lấn chiếm, bán hàng trên vỉa hè, lòng đường. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh dịch vụ.


Bài và ảnh: Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]