(Baothanhhoa.vn) - Quy hoạch phát triển du lịch đóng vai trò quan trọng như chiếc la bàn định hướng, làm cơ sở cho việc đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm và thu hút đầu tư. Chính vì lẽ đó, chỉ khi xây dựng được các quy hoạch chất lượng, sát đúng thực tiễn và hài hòa được các lợi ích, mới góp phần khai thác tiềm năng du lịch một cách hiệu quả và bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những vấn đề cần quan tâm

Quy hoạch phát triển du lịch đóng vai trò quan trọng như chiếc la bàn định hướng, làm cơ sở cho việc đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm và thu hút đầu tư. Chính vì lẽ đó, chỉ khi xây dựng được các quy hoạch chất lượng, sát đúng thực tiễn và hài hòa được các lợi ích, mới góp phần khai thác tiềm năng du lịch một cách hiệu quả và bền vững.

Đô thị Sầm Sơn được quy hoạch đồng bộ, hiện đại tạo nền tảng thúc đẩy du lịch phát triển. Hoàng Xuân

Từ lượng...

So với các địa phương trong cả nước, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có hệ thống quy hoạch các điểm đến du lịch tương đối hoàn chỉnh. Trong giai đoạn 2007-2017, toàn tỉnh đã và đang thực hiện 43 quy hoạch, trong đó có 30 quy hoạch đã được phê duyệt, điển hình các quy hoạch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Quảng Cư và Trường Lệ (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia)...; 13 quy hoạch đang trong quá trình triển khai nghiên cứu, như quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu du lịch sinh thái ven biển huyện Quảng Xương, quy hoạch phân khu Khu Du lịch sinh thái Thác Voi (huyện Thạch Thành), quy hoạch phân khu Khu Du lịch Thác Muốn (huyện Bá Thước)... Riêng trong 2 năm 2016-2017, tỉnh ta đã tập trung lập các quy hoạch phát triển du lịch tại TP Sầm Sơn và một số điểm du lịch sinh thái cộng đồng có tài nguyên du lịch nổi trội, nhằm đưa vào quản lý, đầu tư, khai thác, tạo điểm đến hấp dẫn. Đồng thời, một số quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành nằm trong khu du lịch trọng điểm, khi nghiên cứu định hướng đã đánh giá và tính toán dự báo khả năng khai thác phát triển du lịch. Điển hình tại TP Sầm Sơn điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu số 3), phường Trường Sơn; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu Trung tâm thương mại và đô thị mới (khu số 7); quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hành chính - chính trị và đô thị mới (khu số 8); quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu dân cư đô thị hóa và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị (khu số 10)...

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), công tác lập quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh những năm qua được triển khai kịp thời và đáp ứng nhu cầu phát triển. Trình tự, thủ tục lập quy hoạch tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, nội dung các quy hoạch được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của địa phương, cũng như chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam và Thanh Hóa. Đồng thời, chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch được nâng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư - Nhà nước - người dân. Từ đó, tạo cơ sở cho việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, thu hút khách du lịch, đem lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương. Riêng đối với các quy hoạch do Sở VHTT&DL làm chủ đầu tư, sau khi được phê duyệt đã tổ chức công bố và bàn giao cho các địa phương, các đơn vị có liên quan để quản lý, triển khai thực hiện theo đúng quy định. Đối với các dự án quy hoạch khác, sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố công bố rộng rãi đến quần chúng nhân dân, du khách và doanh nghiệp biết để thực hiện. Sau khi công bố, hàng năm lãnh đạo sở có kế hoạch làm việc với các địa phương về tình hình thực hiện đầu tư quy hoạch, đặc biệt đối với các khu vực trọng điểm như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Thành Nhà Hồ, Pù Luông... để nắm bắt kết quả triển khai, khó khăn vướng mắc kịp thời kiến nghị báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Trên cơ sở các quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt và công bố, công tác đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm và thu hút các dự án kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2007-2017, toàn tỉnh có 44 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch (gồm đường giao thông tại các khu du lịch trọng điểm, hạ tầng thông tin, viễn thông, điện, nước, xử lý rác thải, nước thải...) đã được triển khai, với tổng dự toán được duyệt là 4.222,4 tỷ đồng, hiện đã đầu tư được 2.337,7 tỷ đồng. Cùng với đó, có 68 dự án kinh doanh tại các khu, điểm du lịch đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và hiện đang triển khai thực hiện. Một số dự án có quy mô khá lớn, hệ thống dịch vụ được quy hoạch đồng bộ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước, đã được đầu tư và đưa vào khai thác, như Khách sạn FLC Grand Condotel của Tập đoàn FLC, Dự án Khu Du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến, Khu dịch vụ công cộng Bắc Núi Xước của Tổng Công ty Đầu tư và Xây dựng Anh Phát... Ngoài ra, việc xác định sản phẩm du lịch mũi nhọn là du lịch biển đảo; sản phẩm du lịch có thế mạnh là du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa tâm linh; ngoài ra, còn có các sản phẩm du lịch khác như du lịch sinh thái sông, hồ, vui chơi, giải trí, làng nghề... đã tạo cơ sở để tỉnh ta tập trung ưu tiên các nguồn lực hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng, chuyên nghiệp và hấp dẫn du khách.

... đến chất

Không thể phủ nhận những kết quả quan trọng đạt được trong công tác lập và triển khai các quy hoạch du lịch trên địa bàn tỉnh ta những năm qua. Đồng thời, như đánh giá của ngành chức năng, thì chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch được nâng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư - Nhà nước - người dân. Tuy nhiên, “chất lượng”, “tính khả thi” và “sự hài hòa”, thiết nghĩ, không thể dùng để “gọi tên” cho tất cả các quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn hiện nay. Khu Du lịch văn hóa Hàm Rồng được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 842/QĐ-CT ngày 19-4-2000, có tổng diện tích 568,78 ha, với 7 phân khu chức năng, gồm: Khu trung tâm, khu khảo cổ, khu biệt thự cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu cắm trại, làng văn hóa các dân tộc và các di tích, cảnh quan khác. Khi hoàn thành, đây sẽ là một điểm nhấn đặc biệt trên bức tranh du lịch TP Thanh Hóa. Song, do những bất cập trong quy hoạch trước đó và việc thu hút đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn, cho nên, Khu Du lịch văn hóa Hàm Rồng vẫn chưa trở thành điểm đến hấp dẫn du khách như kỳ vọng. Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt mặt bằng quy hoạch số 71/QĐ-CT ngày 16-10-2003; đến năm 2004, khi có thêm các dự án mới, UBND huyện Hoằng Hóa tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết và được phê duyệt tại Quyết định 1314/QĐ-UBND ngày 21-4-2004. Quá trình triển khai, để phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư mới, huyện lại tiếp tục lập quy hoạch chung và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2750/QĐ-UBND ngày 14-8-2009. Đến nay, các quy hoạch trước đã không còn phù hợp, nên UBND tỉnh đang giao cho huyện Hoằng Hóa lập lại quy hoạch phát triển du lịch gắn với đô thị Hải Tiến...

Cùng với 2 quy hoạch nêu trên, còn không ít các quy hoạch phát triển du lịch phải liên tục điều chỉnh, như quy hoạch Khu Du lịch sinh thái Quảng Cư - Sầm Sơn (các chủ dự án lập và điều chỉnh lần thứ 3), Khu Du lịch sinh thái Biển Tiên Trang - Nam Sầm Sơn (điều chỉnh lần thứ 2), quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Khu Du lịch biển Hải Hòa - Tĩnh Gia (điều chỉnh lần thứ 2)... Đó là chưa kể, không ít quy hoạch được xây dựng khá công phu, bài bản, nhưng khi đưa vào thực hiện, hiệu quả mang lại chưa cao. Nguyên nhân của thực trạng trên không thể không nhấn mạnh đến sự hạn chế về chất lượng và tính dự báo của các quy hoạch, khiến quy hoạch sau khi phê duyệt phải điều chỉnh nhiều lần. Hoặc do thiếu vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, tái định cư... nên một số quy hoạch sau khi được phê duyệt triển khai không đảm bảo mục tiêu đã đề ra, điển hình là Khu Du lịch Nam Sầm Sơn, Khu Du lịch Thành Nhà Hồ, Khu Du lịch Cẩm Lương... Trong khi đó, Điều 21, Luật Du lịch năm 2017 về “Nội dung quy hoạch về du lịch”, đã nhấn mạnh rõ các quy hoạch phải phân tích, đánh giá được khả năng thu hút đầu tư, nguồn lực phát triển du lịch; dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch; định hướng đầu tư phát triển du lịch; đề xuất chính sách, giải pháp quản lý, phát triển du lịch theo quy hoạch...

Như vậy, “soi” theo các yêu cầu luật định, không ít quy hoạch du lịch hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng. Trong khi vẫn còn những quy hoạch sau khi được phê duyệt chưa cắm mốc giới thực địa, chậm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý và thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch. Điển hình là quy hoạch Khu Du lịch văn hóa Hàm Rồng, quy hoạch Khu Du lịch Thành Nhà Hồ và các danh thắng vùng phụ cận, quy hoạch Khu du lịch Nam Sầm Sơn... Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, hoạt động du lịch ở một số khu, điểm chưa thật sự tuân thủ quy hoạch được duyệt; sản phẩm chất lượng không cao; thị trường mục tiêu không rõ ràng; không tạo lập được giá trị thụ hưởng cho khách du lịch... mà quy hoạch Khu Du lịch Nam Sầm Sơn, quy hoạch Khu Du lịch Hải Hòa là những ví dụ tiêu biểu. Ngoài ra, một bất cập không thể không nhấn mạnh trong công tác xây dựng, triển khai các quy hoạch phát triển du lịch hiện nay là sự phối hợp thiếu đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên trong công tác quản lý quy hoạch, giữa các cơ quan chuyên ngành, các ban, ngành trong tỉnh và chính quyền địa phương các cấp. Đó là chưa kể, việc quản lý và giám sát quy hoạch chưa có đầu mối chung thống nhất, có lúc, có nơi còn buông lỏng, hiệu quả chưa cao; năng lực điều phối, theo dõi, giám sát việc thực hiện và xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh, vướng mắc trong thực tế còn yếu; công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch chưa kịp thời, nhằm ngăn ngừa các trường hợp vi phạm, phá vỡ quy hoạch.

Không thể phủ nhận, quy hoạch phát triển du lịch là quy hoạch có tính chất tổng hợp cao, bao gồm định hướng về hạ tầng, không gian phát triển và sản phẩm dịch vụ. Nhưng do tính chất đặc thù của ngành, mà quy hoạch du lịch đang phụ thuộc nhiều vào quy hoạch các ngành khác, nhất là quy hoạch xây dựng. Trao đổi với chúng tôi về chất lượng và hiệu quả triển khai các quy hoạch du lịch trên địa bàn tỉnh, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho rằng, chất lượng quy hoạch phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như chất lượng tư vấn, luật pháp, cơ chế, sự phối hợp giữa các ngành, sự thống nhất trong ý tưởng xây dựng và triển khai giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư... Và, một quy hoạch có chất lượng, trước hết phải là quy hoạch có tính khả thi, tính định hướng, tính dự báo, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của ngành, ít phải điều chỉnh, bền vững và hài hòa các lợi ích kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Vậy nên, để đánh giá một quy hoạch có chất lượng hay không, lại cần nhiều tiêu chí để kiểm chứng. Chẳng hạn, có những quy hoạch được xây dựng rất tốt, song khi triển khai trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn, do các yếu tố khách quan và chủ quan tác động như biến đổi khí hậu, thiên tai, thiếu vốn... nên hiệu quả mang lại chưa cao.


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]