(Baothanhhoa.vn) - Những công việc đòi hỏi “sức nặng” của lời nói, vốn “mặc định” dành cho những “già làng”, nhưng giờ đây lớp trẻ vẫn đảm nhận một cách “trơn tru”. Họ là những trưởng bản 9x...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những trưởng bản 9x

Những trưởng bản 9x

Sự no ấm, đủ đầy đang hiện hữu trên từng mái nhà, con đường của bản Lát, xã Tam Chung (Mường Lát).

Những công việc đòi hỏi “sức nặng” của lời nói, vốn “mặc định” dành cho những “già làng”, nhưng giờ đây lớp trẻ vẫn đảm nhận một cách “trơn tru”. Họ là những trưởng bản 9x...

Tôi từng gặp Hoàng Văn Yêu, trưởng bản Lát, xã Tam Chung (Mường Lát) đôi ba lần sau những chuyến lên huyện Mường Lát công tác. Chẳng hiểu sao chàng trai trẻ chỉ mới tròn 29 tuổi này, lại mang đến trong tôi nhiều cảm mến đến vậy. Từ cái tên rất đỗi gần gũi: “Yêu”, đến những suy nghĩ và cả những nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ đang hừng hực chảy trong anh. Hơn 3 năm làm trưởng bản, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay Yêu đã có được những đóng góp nhất định cho sự đổi thay trên quê hương mình. Từ một điểm “nóng” về ma túy, bản Lát giờ đã trở thành một trong những bản mạnh về phát triển kinh tế của xã Tam Chung. Cả bản hiện có 282 hộ, với 1.077 nhân khẩu, thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm. Số đối tượng nghiện ma túy của bản còn 35 người (giảm 8 người so với năm 2017). Đặc biệt, trong năm 2018, bản không có trường hợp người nghiện mới. Sau thời kỳ 2000-2005, tình trạng mua bán trái phép các chất ma túy quy mô lớn cũng đã không còn, những tụ điểm nhỏ lẻ được theo dõi, nắm bắt và triệt xóa nhanh chóng.

Chẳng thế mà, lên bản Lát khi hỏi chuyện về anh chàng trưởng bản trẻ này, bà con ai cũng tấm tắc khen hết lời. Họ bảo anh “có trách nhiệm”, “giàu nhiệt huyết”, “biết tìm tòi, sáng tạo”. Tôi tin bởi tôi hiểu người dân vùng cao họ thẳng thắn lắm, tình cảm lại càng sòng phẳng. Họ yêu, ghét rõ ràng, không phải cứ làm cán bộ là sẽ được nể nang, nịnh nọt. Còn đáng quý hơn nữa, bởi thứ tình cảm này chẳng phải tự nhiên mà có, mà nó được vun vén, hun đúc qua quá trình làm việc, cống hiến không biết mệt mỏi của Yêu.

Những trưởng bản 9xTrưởng bản Hà Văn Tuấn (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với dân bản.

Thật vậy, bởi ban đầu năm 2016, khi Yêu mới được bầu vào chức trưởng bản Lát, chẳng mấy ai phục. Có người nhạy mồm còn huỵch toẹt: “Cái thằng con nít, dựng nó lên làm gì?”. Lần đầu tiên đứng tuyên truyền với người dân bản về các chính sách của Nhà nước, với cương vị là trưởng bản, Yêu đã suýt bật khóc vì mọi người bỏ về gần hết. Trong quan niệm của họ, lớp thanh niên như Yêu chỉ là “đứa trẻ”, chuyện đại sự là việc của người già; chỉ có người già mới có tiếng nói ở đây.

Nhưng rồi, qua thời gian, cùng với sự kiên nhẫn, những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, Yêu đã chiếm trọn niềm tin, tình cảm của tất thảy người dân trong bản. Đều đặn một ngày, hai ngày, người dân trong bản lại thấy Yêu khi thì ở nhà này hướng dẫn phát triển chăn nuôi, khi thì ở nhà kia vận động hiến đất, góp ngày công xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi của thôn. Nhờ thế, mới đây con đường bê tông liên thôn dài gần 2 km đã được hoàn thành. Những ngôi nhà mới hai tầng được xây dựng hai bên đường ngày càng nhiều hơn, góp phần làm thay đổi diện mạo của bản.

“Nói phải củ cải cũng nghe”, đó là quan niệm của Yêu. Mọi công việc tuyên truyền, vận động nhân dân anh đều dày công “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Yêu chia sẻ, điều quan trọng nhất là mình phải làm gương cho mọi người thấy trước, phải làm cho người dân hiểu được rằng công việc ấy, hành động ấy là lợi ích lớn cho chính mỗi gia đình, cho cộng đồng thôn, xóm. “Người dân vùng cao chất phác lắm. Đã không tin thì cho vàng cũng không nghe nhưng đã tin rồi thì chấp hành răm rắp, nhiều khi máy móc. Nên muốn dân nghe thì phải gần họ và luôn đi đầu trong việc nước lẫn việc nhà” - Yêu nói. Dù công việc của bản bận rộn nhưng có thời gian là Yêu tranh thủ đi đây, đi đó học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế mới để có kiến thức hướng dẫn bà con sản xuất. Đến nay, gia tài của gia đình Yêu có 10 con bò, 2 ha rừng trồng keo, 4 sào ruộng cấy lúa xen canh và một cửa hàng tạp hóa nhỏ, phục vụ nước giải khát. Thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/năm.

Hỏi Yêu về chức trưởng bản, “có phải vì Yêu không kiếm được việc?” Yêu xua tay, lắc đầu lia lịa, nói: “Làm trưởng bản không phải lựa chọn hay ước mơ bản thân. Thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, tôi vẫn khát khao được tự do như cánh chim Mi trên rừng mà bay nhảy bốn phương. Tôi mong được bước đi dưới những ánh đèn lung linh, đắm chìm trong cảnh phố phường nhộn nhịp, tàu xe huyên náo... Tôi cũng đã từng mang ước mơ đó đi thật xa, khi xuống TP Thanh Hóa theo học, với dự định sẽ xa chốn quê nghèo này. Nhưng, thật lạ, cảnh đông đúc, phồn hoa phố thị chẳng thể làm tôi vui được. Tôi nhớ rừng, nhớ dòng suối Lát hiền hòa suốt bao năm tháng ăn đời ở kiếp với người dân bản Lát. Tôi thương cho những giọt mồ hôi của người dân quê mình chảy mãi mà vẫn nghèo. Tôi khát khao được trở về gắn mình với quê hương, mong mỏi được góp một phần sức lực cho sự đổi thay của bản làng”. Và đó cũng là động lực để Yêu dành tất cả sức khỏe, tâm trí, nhiệt huyết cho nơi mình “chôn nhau cắt rốn”...

Xuôi xuống huyện Lang Chánh, cách xa nơi Yêu ở khoảng 150 km, ở bản Hắc, xã Trí Nang (Lang Chánh), trưởng bản trẻ Hà Văn Tuấn cũng đang dành những tháng ngày tươi đẹp nhất trong cuộc đời mình để phục vụ quê hương. Nếu như trước thời điểm anh Tuấn đảm nhận vị trí trưởng bản Hắc (trước năm 2016), cuộc sống người dân nơi đây vẫn quẩn quanh trong vòng xoáy của nghèo đói, lạc hậu. Thời điểm đó, thu nhập bình quân trên đầu người của địa phương chỉ là 17 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo lên tới 40%. Thì đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của bản Hắc đã cán mốc 31 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 6,7%; đặc biệt năm 2018, bản đã về đích bản nông thôn mới. Kinh tế của người dân bản Hắc trở nên đa dạng hơn, không còn gắn chặt vào nghề nông, hay phụ thuộc vào rừng núi. Người dân trong bản với 334 nhân khẩu đã trồng được hơn 120 ha keo, nuôi khoảng 120 con trâu, 80 con bò cùng hàng ngàn con gia cầm. Đời sống của bà con không ngừng được cải thiện. Đủ đầy, no ấm hiện hữu trên từng viên ngói, từng chiếc ô, từng tấm áo, trong nhịp sống vui tươi của 74 hộ dân. Về bản Hắc hỏi chuyện đổi thay, ai cũng nhắc đến tên trưởng bản Tuấn mà trầm trồ: “Người dân bản Hắc ai cũng phải mang ơn trưởng bản!”.

Có lẽ đối với nhiều người, hình ảnh thanh niên thế hệ 9x đảm nhiệm cương vị là người “đứng mũi chịu sào” lo lắng công việc của thôn, bản còn khá xa lạ, thì ở các huyện miền núi cao 9x đang trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Bù lại cho phần còn thiếu về kinh nghiệm, kỹ năng ở những thanh niên 9x ấy là lòng nhiệt huyết, bản lĩnh, sức trẻ, tinh thần ham học hỏi, không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Họ đã và đang phấn đấu không ngừng để khẳng định bản thân xứng đáng với sự tín nhiệm, lòng tin yêu của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng gửi trao.

Quả thật, nếu tính về vật chất thì cái chức trưởng bản chẳng đáng gì để níu chân Tuấn, Yêu và biết bao trưởng bản trẻ khác, khi mỗi tháng chỉ được trợ cấp hơn 1 triệu đồng, chỉ đủ cho họ trả tiền điện thoại, xăng xe... Dẫu vậy, những chàng trai trẻ này vẫn đang từng ngày vượt lên khó khăn để mang “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn” góp phần dựng xây quê hương, đất nước.

Nguyễn Trường


Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]