(Baothanhhoa.vn) - Trong thời chiến họ đã cống hiến sức trẻ xông pha trận mạc, hy sinh một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Dù mang trên mình thương tật, nhưng những người lính lại làm nên điều kỳ diệu, tỏa sáng giữa đời thường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những thương binh tỏa sáng trong thời bình

Những thương binh tỏa sáng trong thời bình

Ao nuôi ba ba, cá sấu, cá chuối... của gia đình thương binh Lê Ích Sơn ở thôn 2, xã Quảng Lưu mang về nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Trong thời chiến họ đã cống hiến sức trẻ xông pha trận mạc, hy sinh một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Dù mang trên mình thương tật, nhưng những người lính lại làm nên điều kỳ diệu, tỏa sáng giữa đời thường.

Năm 1977 chàng trai trẻ Lê Ích Sơn ở thôn 2, xã Quảng Lưu (Quảng Xương) lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Với cương vị là chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, anh đã cùng đồng đội chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công. Năm 1982, anh Sơn xuất ngũ trở về địa phương với một bên chân bị cắt bỏ và mang thương tật 62%. Là trụ cột gia đình, điều khiến ông Sơn luôn trăn trở là gánh nặng về kinh tế. Nhiều đêm ông ước thầm: “Giá như có đôi chân lành lặn thì còn nhận thêm ruộng, thêm đồng để cày cuốc, nhưng sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, không làm được công việc nặng”, ông đành xin làm bảo vệ cho một số cơ quan, sau đó được “biên chế” vào đội trông coi chùa Mậu Xương trên địa bàn xã. Từ khi sắm được chiếc chân giả thay cho chiếc nạng gỗ, ông kiên trì tập luyện và đi lại linh hoạt hơn, ông mạnh dạn nhận thầu mấy sào đất trũng đào ao, thả cá làm mô hình kinh tế. Buổi đầu vốn ít, chưa có kinh nghiệm nên đàn cá nuôi bị dịch chết trắng ao, bao nhiêu vốn liếng cũng tiêu tan. Thời điểm đó, ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, ông được hỗ trợ vốn vay với mức 15 triệu đồng, ông tiếp tục làm lại từ đầu. Kinh tế dần ổn định, ông mạnh dạn đầu tư nuôi các con đặc sản như: Ba ba, lợn rừng, cá sấu, cá chuối, ếch, gà vịt... và đã thành công trên mặt trận phát triển kinh tế với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Sự kiên trì, nỗ lực vượt khó vươn lên của thương binh Lê Ích Sơn đã giúp gia đình ông không những thoát nghèo mà còn có điều kiện nuôi 4 con ăn học, có việc làm, thu nhập ổn định và trở thành hộ có thu nhập khá ở địa phương.

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 12-1970, anh Trần Ngọc Viên, ở thôn Sơn Đình, xã Quảng Văn (Quảng Xương) lên đường nhập ngũ tại chiến trường B5. Năm 1972, trong một trận chiến với địch anh bị thương nặng phải cưa cả hai chân, được chuyển về điều trị tại Trung tâm Trại dưỡng lão Thọ Châu (nay là Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa). Về với đời thường, những vết thương luôn hành hạ, việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế gia đình vô cùng khốn khó. Bố mẹ già yếu, các con thơ dại, nhà cửa chật chội, dột nát. Sau nhiều đêm trăn trở, suy tính phải làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn, vươn lên thoát nghèo, bằng ý chí, nghị lực của người lính từng xông pha nơi chiến trường, thương binh Trần Ngọc Viên quyết tâm xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, trong đó lấy mục tiêu phát triển kinh tế làm trọng tâm. Trong điều kiện quỹ đất hẹp, khó canh tác, ông bắt tay vào phát triển chăn nuôi gia cầm. Sau một thời gian dài, số lượng đàn lợn, gà, vịt cũng dần được nhân lên đến hàng trăm con, theo đó kinh tế gia đình có bước cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với nhu cầu cuộc sống ngày một cao, lại phải lo cho 4 con ăn học trong khi đó việc chăn nuôi gặp khó khăn, không đem lại hiệu quả như mong muốn, vợ chồng ông quyết định chuyển nhà lên gần trung tâm xã rồi vay mượn thêm vốn mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Với vị trí thuận lợi, cửa hàng ngày một đông khách. Có tiền ông mở thêm một cửa hàng kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng và sản xuất để phục vụ bà con trong, ngoài xã. Hiện, gia đình ông có mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng. Qua bình xét hằng năm, gia đình ông luôn đạt hộ kinh doanh giỏi, gia đình mẫu mực, gia đình văn hóa, được cấp trên tặng nhiều giấy khen và được bà con hàng xóm yêu thương, quý mến.

Tròn 18 tuổi, Hoàng Duy Trí ở thôn 10 xã Quảng Thái (Quảng Xương) lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 14, Sư đoàn 3, tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Trong chiến đấu anh luôn dũng cảm cùng đồng đội quyết giữ từng tấc đất Tổ quốc. Sau đó được phân công đi học lái xe và lái xe cho Tiểu đoàn 101 F682 trên tuyến biên giới Việt – Lào. Trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, anh luôn vượt qua gian nan, hiểm nguy hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong một lần đang trên đường chở đạn dược, vũ khí thì xe bị cháy và anh bị bỏng rất nặng, được chuyển vào Bệnh viện 104 Vinh, rồi Bệnh viện Quân đội 103 điều trị nhiều năm liền, lúc ra viện, giám định thương tật là 61%. Trở về đời thường với nhiều vết thương trên ngực, bụng, đùi, tay, việc sinh hoạt, đi lại gặp không ít khó khăn, trong khi gia cảnh khốn khó, bố mất sớm, mẹ già thường xuyên đau ốm, các con còn quá nhỏ. Song bằng nghị lực của nguời lính từng xông pha nơi chiến trường, không ngại khó, ngại khổ, thương binh Hoàng Duy Trí quyết tâm vượt qua đau đớn về thể xác, khó khăn về kinh tế vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Lúc đó ông nghĩ chỉ có nghề đánh bắt hải sản là phù hợp với xã bãi ngang, nhưng cơm chưa đủ ăn thì lấy tiền đâu mà đầu tư ngư lưới cụ. Rồi anh em, bạn bè cũng thương tình, cho vay vốn, ông mạnh dạn mua 1 bè đánh cá, sau khi có tiền ông đầu tư thêm 2 bè giã đánh moi, 1 bè lưới sứa, 1 bè đánh mực. Cứ thế kinh tế ngày càng phát triển, ông mở rộng nghề đánh bắt hải sản, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong thôn, ngoài xã. Ngoài ra, gia đình ông còn chế biến hải sản tươi, khô, muối; thu mua cá, moi của bà con trong thôn để chế biến với sản lượng lên đến 30 tấn/năm, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ trong thôn có thêm việc làm, thu nhập ổn định. Sau hơn 10 năm làm nghề, kinh tế gia đình ngày một khấm khá với thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, gia đình ông còn mở rộng kinh doanh buôn bán các loại máy phục vụ trong nông nghiệp, ngư nghiệp và đánh bắt hải sản. Hiện ông là thành viên của Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo, mỗi năm góp công sức mang lại lợi nhuận cho công ty hàng tỷ đồng.

Trong các cuộc kháng chiến, huyện Quảng Xương có hàng nghìn người con ưu tú hăng hái lên đường cùng với quân dân cả nước tham gia chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc; có hơn 5.000 người đã anh dũng hy sinh; 2.729 người cống hiến một phần xương máu tại các chiến trường. Trở về với thời bình, phát huy những phẩm chất đáng quý của Bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương binh tiếp tục mẫu mực đóng góp sức lực, trí tuệ của mình trên trận tuyến mới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Họ thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, là tấm gương sáng trong cộng đồng, xã hội.

Mai Phương


Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]