(Baothanhhoa.vn) - Không áo hoa du xuân, cũng không áo dài lên chùa hái lộc cầu may, hay cùng người thân bên mâm cơm tất niên háo hức chờ đón giờ khắc thiêng liêng đầu năm mới... Đêm giao thừa, đâu đó trên các tuyến đường, nhiều góc phố, những công nhân vệ sinh đang cần mẫn với chiếc chổi tre; những cán bộ, chiến sĩ công an; các y, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên đường sắt, bưu chính viễn thông, điện lực... thầm lặng, cần mẫn, tất bật với công việc, góp phần để nhân dân được vui tết, đón xuân trọn vẹn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người đón giao thừa muộn

Không áo hoa du xuân, cũng không áo dài lên chùa hái lộc cầu may, hay cùng người thân bên mâm cơm tất niên háo hức chờ đón giờ khắc thiêng liêng đầu năm mới... Đêm giao thừa, đâu đó trên các tuyến đường, nhiều góc phố, những công nhân vệ sinh đang cần mẫn với chiếc chổi tre; những cán bộ, chiến sĩ công an; các y, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên đường sắt, bưu chính viễn thông, điện lực... thầm lặng, cần mẫn, tất bật với công việc, góp phần để nhân dân được vui tết, đón xuân trọn vẹn.

Những người đón giao thừa muộn

Đêm giao thừa lại là thời điểm mà lượng công việc của những công nhân vệ sinh môi trường tăng gấp đôi, gấp ba so với thường ngày.

Giao thừa – thời khắc thiêng liêng nhất của một năm, trời đất giao hòa, chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Mọi công việc đều được gác sang một bên để người người, nhà nhà tụ họp, nô nức đón xuân. Vậy nhưng, đêm giao thừa lại là thời điểm mà lượng công việc của những công nhân vệ sinh môi trường tăng gấp đôi, gấp ba so với thường ngày. Đã 20 năm, chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Công ty Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa không đón giao thừa cùng gia đình. Chị Nga chia sẻ: “Do đặc thù công việc nên ngày cuối cùng của năm bao giờ cũng là ngày bận rộn nhất của chúng tôi. Nếu đêm giao thừa, thành phố tổ chức bắn pháo hoa thì ở những nơi công cộng, tập trung đông người, lượng rác khá nhiều. Đêm giao thừa, chúng tôi không tính thời gian làm việc theo giờ, theo ca nữa mà thực hiện theo tiêu chí “hết rác mới về”. Giao thừa, chúng tôi cũng chỉ kịp nói vài lời chúc mừng năm mới với nhau rồi lại tất bật với công việc”. Tương tự như chị Nga, là người vợ, người mẹ trong gia đình nhưng đã nhiều năm nay, mọi công việc của ngày tất niên và đêm giao thừa đều do chồng và con gái chị Ngô Thị Hương đảm nhận. “Hồi mới đi làm, nhìn thấy các gia đình bố mẹ, con cái quây quần bên mâm cơm tất niên, tôi cũng chạnh lòng, nhưng giờ thì quen rồi. Một phần cũng do chồng và con gái tôi rất thông cảm và chia sẻ công việc với tôi. Từ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cúng tất niên, thắp hương đêm giao thừa, chồng và con tôi đều lo lắng chu toàn” - chị Hương chia sẻ thêm.

Giao thừa của các chiến sĩ cảnh sát cơ động năm nào cũng đến sớm. Từ 20h, các chiến sĩ của Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động (Công an tỉnh) đã có mặt đầy đủ ở cơ quan, sau đó xuất quân, chia ra các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm công cộng tổ chức bắn pháo hoa, tuần tra tại các tuyến đường “nóng”, phối hợp cùng các lực lượng khác tập trung giữ gìn an ninh trật tự trong đêm giao thừa. Đã 2 năm được đón giao thừa sớm, Trung sĩ Lê Minh Tuấn, Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động chia sẻ: “Trước kia, năm nào tôi cũng cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa rồi cả nhà cùng quây quần ngồi xem ti vi chờ thời khắc giao thừa. Từ hồi vào ngành, có năm phải trực chốt, tuần tra đêm, nhưng nhờ có sự động viên, khích lệ của cấp trên và sự quan tâm chia sẻ giúp đỡ của đồng nghiệp nên giao thừa ở cơ quan cũng ấm áp và vui vẻ như ở nhà. Bố mẹ dù thương, dù nhớ vì tết con trai vắng nhà nhưng vẫn vui vẻ động viên tôi hoàn thành nhiệm vụ”. Gác lại những nỗi niềm riêng tư, niềm vui đêm giao thừa của những chiến sĩ cảnh sát cơ động là người dân được đón thời khắc chuyển giao sang năm mới an toàn, bình yên.

Đối với thầy thuốc, động lực sau những đêm trực dài hay những cái tết không có thời gian để sum vầy với gia đình, đó chính là những ca mổ cấp cứu thành công, là cái bắt tay cảm ơn rất chặt của người nhà bệnh nhân khi biết người thân của mình đã qua cơn nguy kịch. Và còn là khoảnh khắc được đón những bé sơ sinh chào đời... Khi đó với họ, bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. Bác sĩ Lê Ninh, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong 8 năm làm việc tại bệnh viện thì năm nay là lần thứ 6 anh tham gia trực đêm giao thừa. Anh cho rằng mình được làm việc là một may mắn hơn bệnh nhân nên dù giao thừa, tết hay ngày thường, anh cũng luôn sẵn sàng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để cấp cứu kịp thời, giành lại sự sống cho người bệnh.

Đối với các cán bộ, công nhân điện lực, niềm vui đêm giao thừa của họ là phục vụ đầy đủ nguồn điện, không để xảy ra sự cố mất điện để nhân dân vui tết, đón xuân. Chị Nguyễn Thị Mai, Điện lực TP Thanh Hóa cho biết: Càng gần tết, khi mọi người tất bật lo toan chuyện gia đình, nhà cửa thì chị và các đồng nghiệp lại càng bận rộn với việc kiểm tra hệ thống máy, thiết bị, kỹ thuật để đảm bảo cho lưới điện ổn định, phục vụ thông suốt. Đêm giao thừa, các anh, chị phải túc trực tại chỗ để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra; đảm bảo điện thông suốt phục vụ nhân dân vui xuân. Luôn là người về nhà muộn nhất đêm giao thừa, nhưng chị Mai vẫn không nghĩ đó là điều thiệt thòi, ngược lại, chị vẫn say sưa với công việc của mình, chị tâm sự: “Mặc dù không được quây quần cùng người thân, sum vầy bên mâm cơm tất niên nhưng chúng tôi vẫn tự hào vì được góp một phần nhỏ bé đem lại những niềm vui cho mọi gia đình dịp tết”.

Luôn là những người đón giao thừa muộn với gia đình, nhưng những chiến sĩ cảnh sát cơ động, công nhân vệ sinh môi trường, cán bộ, công nhân điện lực ấy... vẫn vui vẻ cống hiến, làm tròn nhiệm vụ của mình, góp phần cho nhân dân trọn niềm vui khi tết đến, xuân về.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]