(Baothanhhoa.vn) - Xe chúng tôi xuyên qua những thung mây Vân Hồ, băng qua cung đường dốc cao chon von, uốn lượn trên đèo Pha Đin để trở về mảnh đất Điện Biên giữa tháng 7 nghĩa tình, trong trầm hùng khúc tráng ca bất tử của 68 năm về trước. Khúc tráng ca “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”…

Những nén hương nặng lòng tri ân

Xe chúng tôi xuyên qua những thung mây Vân Hồ, băng qua cung đường dốc cao chon von, uốn lượn trên đèo Pha Đin để trở về mảnh đất Điện Biên giữa tháng 7 nghĩa tình, trong trầm hùng khúc tráng ca bất tử của 68 năm về trước. Khúc tráng ca “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”…

Những nén hương nặng lòng tri ân

Cung đường lên Điện Biên uốn lượn, bên núi cao, bên vực thẳm.

Lúc xuất phát từ TP Thanh Hóa, trên chiếc xe công vụ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, lái xe Vũ Văn Minh đã giới thiệu để chúng tôi mường tượng về cung đường lên Điện Biên mùa này. Nhưng rồi tôi vẫn cứ sởn gai ốc về những cung đường bên núi cao, bên vực thẳm, lúc chìm khuất giữa trời mây, lúc mập mờ trong sương núi. Có những đoạn ngồi trên xe nhìn không nổi 5 mét về phía trước.

Hôm chúng tôi đi, trời đã mưa dầm dề nhiều ngày, đoạn đường qua các huyện Mai Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La có những khối đá từ đồi cao rơi xuống, vừa được san ủi vào lề, để dấu trên mặt đường bong tróc, mấp mô.

Trong các ngày 14 đến 15-7, Đoàn Đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTT tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh tại tỉnh Điện Biên.

Vượt hơn 500 cây số, chúng tôi xuống chân đèo Pha Đin lúc mặt trời đã về phía chân mây, hắt ánh nắng vàng ruộm cuối ngày xuống núi đồi hùng vĩ, điệp trùng nơi biên viễn vùng Tây Bắc. Điện Biên hiện lên xanh trong giữa đại ngàn bao la tít tắp, với những chứng tích hào hùng tạc sâu trong trang sử vàng dân tộc: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, Đồi A1, Hầm Đờ Cát, Sở Chỉ huy chiến dịch...

Những nén hương nặng lòng tri ân

Nghĩa trang liệt sĩ A1 nằm trong lòng TP Điện Biên Phủ.

Tôi đứng bên dòng Nậm Rốm đỏ phù sa trong hiu hiu gió núi, vẳng bên tai khúc ca trầm hùng về một thời "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” để làm nên một chiến công oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam, như những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh - chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Những nén hương nặng lòng tri ân

Nghĩa trang Công trường B142 có 23 ngôi mộ liệt sĩ là người con Thanh Hóa.

Đó là những người con ưu tú ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, mà nếu còn giờ đã ở tuổi ông tuổi bà với con cháu đủ đầy. Trước bom đạn tàn ác của kẻ thù, lại trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, nhưng những người lính vẫn quả cảm, gan dạ, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc thiêng liêng.

Những nén hương nặng lòng tri ân

Rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ tại TP Điện Biên Phủ chưa xác định được thông tin.

Trong số họ có những người con của xứ Thanh - những người như anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình chèn pháo và biết bao người con khác đã vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng Tây Bắc. Các anh bất tử trong lòng người dân đất Việt.

Tôi nhớ về một bức thư đã được đọc của chiến sĩ Điện Biên gửi mẹ nơi quê nhà trước trận đánh cuối trên đồi A1 ngày 6-5-1954 (hiện được trưng bày tại Bảo tàng Điện Biên Phủ): “Mẹ ơi, con biết mẹ không buồn sao được. Vì cả nhà chỉ có mình con là con trai. Thầy con hy sinh đã 7 năm. Mẹ đành sống những năm tháng đau thương. Mong ước lớn nhất là thấy con trở về. Ngày con trở về có thể là ngày đô thành rực đỏ cờ hoa. Nhưng mẹ ơi, nếu như trận chiến đấu này con có hy sinh, thì mẹ hãy hiểu cho con vì nghĩa vụ thiêng liêng và vì tình yêu quê hương đất nước…”

Những nén hương nặng lòng tri ân

Những ngày tháng 7 nghĩa tình, đông đảo cán bộ và Nhân dân đến thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Tông Khao.

Đó còn là những lễ truy điệu trước giờ ra trận; những lời quyết tâm hy sinh trước trận đánh lớn giành độc lập cho nước nhà… Đã có hàng vạn chiến sĩ ngã xuống, mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ Điện Biên, hóa thân vào sông núi.

Những nén hương nặng lòng tri ân

Nhà tưởng niệm nghĩa trang A1 xây dựng theo kiến trúc hình chữ A, với 644 bông hoa, tượng trưng cho 644 ngôi mộ liệt sĩ.

Tôi chầm chậm bước vào Nghĩa trang liệt sĩ A1, đi giữa những hàng, lớp mộ bên con đường mang tên vị tướng tài ba của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghĩa trang có 644 ngôi mộ liệt sĩ, nhưng chỉ có 4 ngôi mộ lớn có tên. Còn lại chưa có thông tin. Đúng với đôi câu đối khắc trong Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”.

Ở các nghĩa trang: Độc Lập, Him Lam, Tông Khao, Công trường B142 cũng vậy. Trong hàng nghìn nấm mộ, rất ít mộ xác định được thông tin.

Những nén hương nặng lòng tri ân

Quang cảnh Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Và tôi nghĩ, dưới lớp sâu trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, vẫn còn đó xương thịt của những người con quê hương xả thân vì Tổ quốc. Nên mỗi người trong đoàn chúng tôi ai nấy đều dặn lòng mình hãy nhẹ nhẹ bước chân để các anh yên giấc ngàn thu.

Những nén hương nặng lòng tri ân

Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh làm Trưởng đoàn viếng Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Tự hào là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp cả sức người, sức của. Nhân dân các dân tộc từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu cũng hừng hực khí thế “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”. Đến ngày nay, trên mảnh đất Điện Biên đã xác định được khoảng 800 mộ liệt sĩ là người Thanh Hóa, và rất nhiều liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Những nén hương nặng lòng tri ân

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Điện Biên vào viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang A1.

Theo các sử liệu tại Bảo tàng tỉnh, tính từ đầu năm 1951, khi bộ đội ta mở chiến dịch Trung du cho tới chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động và vận chuyển đáp ứng tới 70% nhu cầu vật chất cần thiết cho các chiến dịch. Tính riêng về lực lượng, Thanh Hóa đã động viên được 56.792 thanh niên tòng quân, bổ sung cho các chiến trường. Trong đó, chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đánh dấu sự đóng góp lớn nhất của hậu phương Thanh Hóa.

Những nén hương nặng lòng tri ân

Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Him Lam.

Tính riêng khi Chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển sang giai đoạn cuối cùng, Thanh Hóa đã huy động 120.000 dân công phục vụ vận chuyển đợt 3 chiếm 80% lực lượng dân công toàn tuyến. Trong đợt này, Thanh Hóa được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cung cấp 4.000 tấn gạo, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đã quyên góp tới hạt cuối cùng nhưng vẫn còn thiếu. Nhân dân các địa phương đã sáng kiến gặt những sào lúa đã chín khoảng 50% đem về vò, tuốt, phơi khô, xay giã để có đủ số lượng đáp ứng yêu cầu chiến dịch...

Sau chiến thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Trong những ngày tại tỉnh Điện Biên, Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hoá do đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, đã đến dâng hoa, dâng hương viếng anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ và các nghĩa trang: A1, Công trường B142, Độc Lập, Him Lam, Tông Khao.

Thắp nén hương thơm lên mộ phần liệt sĩ tại các nghĩa trang: A1, Độc Lập, Tông Khao, Him Lam, Công trường B142, chúng tôi ai nấy đều rưng rưng xúc động. Lòng trào dâng niềm tự hào lớn lao về sức mạnh Việt Nam được thế hệ cha anh đi trước vun đắp bằng chính máu xương, để lớp lớp cháu con được chung sống trong hòa bình, tự do.

Những nén hương nặng lòng tri ân

Cán bộ, lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa thắp hương lên từng phần mộ liệt sĩ Điện Biên.

Sinh ra đã được hưởng thành quả từ sự hy sinh gian khổ ấy, chúng tôi biết mình phải cố gắng nhiều hơn, để góp sức mình xây dựng quê hương đất nước, xứng đáng hơn với máu xương cha ông đã đổ xuống trên các chiến trường.

Đỗ Đức


Đỗ Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]