(Baothanhhoa.vn) - Thế giới tồn tại với vô vàn những khoảng trống. Lẽ dĩ nhiên, trong tâm hồn mỗi người, những “khoảng trống” ấy sẽ hình thành và tồn tại theo nhiều cách khác nhau. Nhưng điều quan trọng là cách chúng ta đối diện, tìm cách “lấp đầy” những khoảng trống ấy như thế nào để định hướng và viết tiếp câu chuyện về cuộc đời mình.

Những khoảng trống trong tâm hồn

Thế giới tồn tại với vô vàn những khoảng trống. Lẽ dĩ nhiên, trong tâm hồn mỗi người, những “khoảng trống” ấy sẽ hình thành và tồn tại theo nhiều cách khác nhau. Nhưng điều quan trọng là cách chúng ta đối diện, tìm cách “lấp đầy” những khoảng trống ấy như thế nào để định hướng và viết tiếp câu chuyện về cuộc đời mình.

Những khoảng trống trong tâm hồn

Trẻ tự kỷ học theo phương pháp ABA/VB tại Trung tâm chuyên biệt Bầu Trời Xanh (TP Thanh Hóa). Ảnh: Trần Hằng

Cái nắng chói chang bừng lên sau những ngày rét nàng bân báo hiệu đã hoàn tất “thủ tục” chuyển mùa để chính thức hân hoan đón hè sang. Bầu trời tháng tư cao xanh vời vợi. Những vạt nắng vàng ruộm lênh loang khắp các ngả đường, len lỏi qua từng tán lá xanh, dát vàng trên từng con sóng biển nhấp nhô... Bắt đầu những ngày tháng tư sôi nổi, phóng khoáng ấy, chẳng ai có thể ngờ được rằng, một chàng trai vừa bước vào độ tuổi 16 “trăng tròn” với biết bao hoài bão, tương lai rộng mở lại có ý nghĩ sẽ kết thúc cuộc đời mình theo cái cách đau đớn, ám ảnh nhất.

Và rồi, giữa những ngày tháng tư ấy, tôi nghĩ về chính mình của một thời vụng dại. Tôi chưa từng chia sẻ với bất kỳ ai về nỗ lực của bản thân để có thể bước qua khủng hoảng tuổi dậy thì. Nhưng tôi tin rằng, nhiều người sẽ nhìn thấy bóng dáng của mình trong câu chuyện của chính tôi để thốt lên rằng: “Ai rồi cũng có một thời như thế, cũng chôn sâu trong tâm hồn những khoảng trống không dễ gì gọi thành tên”.

Có rất nhiều cách để định nghĩa về tuổi dậy thì, từ góc nhìn của sinh học, xã hội học, văn học... Với tôi, dậy thì đơn giản là sự phức tạp hơn của những khác biệt trong cơ thể và sự “trỗi dậy” của “cái tôi” trong ý thức. Như chú chim lần đầu biết được sự tự do của đôi cánh, “cái tôi” đó mong muốn được thỏa thê tận hưởng những “đặc quyền” mà sự trưởng thành mang lại.

Chính mong muốn ấy đã tạo ra sự “lệch pha” giữa tôi và bố mẹ. Bố mẹ tôi không phải là tuýp người áp đặt, thích kiểm soát con cái. Nhưng cũng như bất kỳ bậc làm cha, làm mẹ nào trên thế giới này đều luôn nghĩ rằng: “Con cái dù có lớn bao nhiêu vẫn cần sự che chở, định hướng từ bố mẹ”. Khoảng cách thế hệ bắt đầu nảy sinh từ đó, từ những điều nhỏ nhặt nhất như chuyện thích ăn gì, mặc gì, chơi với ai, học hành như thế nào...

Mẹ tôi có nguyên tắc của mình. Bố tôi thường xuyên xa nhà, việc phải quán xuyến tốt việc nhà, việc con cái đã trở thành áp lực vô hình với mẹ. Tôi ít khi được đi chơi, kể cả là sinh nhật bạn ở gần hay xa. Mẹ tôi không bao giờ cho tôi có tiền tiêu vặt. Mẹ tôi là người sẽ tức tốc đạp xe lên trường tìm tôi nếu quá giờ tan học mà chưa thấy tôi trở về nhà. Mẹ tôi cũng đã từng “tự tiện” đọc những dòng nhật ký, những lá thư tỏ tình mà mấy đứa con trai cùng lớp gửi cho tôi. Thậm chí, mẹ tôi còn hung hăng đập nát 2 chiếc điện thoại bàn sau khi hai mẹ con tranh cãi kịch liệt về việc bạn bè gọi điện quá nhiều, nói chuyện quá lâu trong thời gian ôn thi... Dần dà, khi những vụn vặt tích tụ lâu ngày, sự bực bội, khó chịu nhân lên đã vô tình khiến tôi thu mình lại trước bố mẹ. Tôi ít chia sẻ về suy nghĩ của mình, về những vấn để xảy ra xung quanh mình. Tôi hậm hực nghĩ: - Bố mẹ chẳng bao giờ lắng nghe, thấu hiểu được suy nghĩ của tôi. Tôi tự mình chìm đắm trong những khoảng trống trong tâm hồn do chính mình tạo ra.

Cũng ở ngưỡng cửa của sự trưởng thành ấy, cũng như những bạn bè đồng trang lứa, như cái cây non trước bão táp cuộc đời, tâm hồn tôi mỏng manh, dễ bị tổn thương vô cùng. Tôi đã khóc và mang đầy mặc cảm suốt quãng thời gian dài chỉ vì một câu nói vô tình (hoặc cố ý) của người bạn cùng lớp: “Nhà bạn lụp xụp như cái chuồng gà vậy”. Điểm số, danh hiệu, những cuộc thi học sinh giỏi... cũng vô hình chung tạo nên những áp lực cho chúng tôi. Tôi còn nhớ mãi những giọt nước mắt tủi hờn, xấu hổ, tự trách bản thân của mình khi không được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi của trường... Đó chỉ là một vài trong vô vàn những khó khăn, thử thách mà con người phải đối diện trong cuộc sống. Hành trình của sự trưởng thành không bao giờ tách rời những áp lực, cô đơn, vấp ngã..., đúng như Vũ – Lưu Quang Vũ thổ lộ trong những dòng thơ: “Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao/ Giữa sự thông minh của đông vui bè bạn” (Mấy đoạn thơ).

Đã bao giờ trong tâm trí chúng ta bất chợt hiện lên câu hỏi: Giữa nhịp sống xô bồ, hối hả, hiện đại, tiện nghi, tại sao “những cư dân thời đại 4.0” vẫn có những giây phút cảm thấy chới với, cô đơn, trống rỗng? Và ở đâu đó, khi tâm trí đã rơi xuống hố sâu tuyệt vọng, khi lý trí đã không thắng nổi sự dày vò, gặm nhấm của nỗi buồn, khổ đau, áp lực, có những người đau đớn lựa chọn cách buông bỏ. Những khoảng trống hữu hình thường tồn tại dưới dạng vật chất, là cái dễ dàng nhận thức được. Riêng với những khoảng trống trong tâm hồn, nó hiện hữu mà tưởng như vô hình, vô định lượng khiến chúng ta chẳng thể nào nhận thức hết được tác động to lớn của nó. Đó là thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, cũng là một sự “chọn lọc” phũ phàng của xã hội loài người.

Nhưng chính thực trạng ấy đã nghiêm khắc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, buộc chúng ta phải nhìn nhận sâu sắc hơn về những giá trị mà chúng ta đang theo đuổi, về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, về bản lĩnh “chiến đấu”, ý thức sinh tồn... Quan trọng hơn tất thảy, chẳng điều gì có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn mỗi con người bằng nhận thức về giá trị bản thân, giá trị của tình yêu thương, lòng nhân ái, sự sẻ chia, đồng cảm.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]