(Baothanhhoa.vn) - Đến làng chế tác đá mỹ nghệ xã Minh Tân (huyện Vĩnh Lộc) - nơi bụi bặm và vất vã, điều để lại cho tôi nhiều xúc cảm, đó là hình ảnh về những người phụ nữ chịu thương, chịu khó “bám nghề” ngày ngày tay búa, tay mài…

Những “bóng hồng” thổi hồn vào đá

Đến làng chế tác đá mỹ nghệ xã Minh Tân (huyện Vĩnh Lộc) - nơi bụi bặm và vất vã, điều để lại cho tôi nhiều xúc cảm, đó là hình ảnh về những người phụ nữ chịu thương, chịu khó “bám nghề” ngày ngày tay búa, tay mài…

Những “bóng hồng” thổi hồn vào đá

Những người phụ nữ với tay búa, tay mài

Trong bộ trang phục bảo hộ kín mít, với những âm thanh chát chúa, hỗn tạp của máy cắt, máy mài, tiếng đục, tiếng đẽo... chị Nguyễn Thị Tình (xã Minh Tân) chỉ kịp nhận ra tôi sau khi ngơi tay.

Gấp ngược cổ tay áo, mở chiếc mặt nạ vải vương đầy bụi đá, quệt vội những lớp mồ hôi trên gương mặt, chị Tình cười hồn hậu, nói lớn: “Anh thông cảm, ở đây lúc nào cũng ồn ào, phải hét to vậy mới nghe rõ”.

Dáng người gầy khắc khổ, mươi năm trước chị Tình ở nhà chăm lo cho gia đình, con cái. Không ai dám nghĩ, người gầy yếu, mảnh khảnh như chị lại đến và gắn bó với cái nghề chế tác đá mỹ nghệ đầy khó nhọc, đòi hỏi người có sức khỏe này.

Những “bóng hồng” thổi hồn vào đá

Những xưởng chế tác đá mỹ nghệ xã Minh Tân được quy hoạch xây dựng tập trung.

Chị Tình chia sẻ: “Cuộc sống gia đình càng ngày càng khó khăn, con cái mỗi ngày một lớn, việc học hành tốn kém, không thể để gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai chồng mãi được. Quyết tâm đi làm nhưng trong số nhiều nghề thì có mỗi nghề chế tác đá mỹ nghệ từ thời cha ông là bền vững và cho mức thu nhập ổn định”.

Ban đầu chị Tình làm những công việc đơn giản như mài, đục theo nét sẵn… rồi học hỏi từ các bậc nghệ nhân, chị dần lên tay thợ phụ, thợ chính.

Chị Tình cho biết, chạm khắc đá rất khó khăn, đòi hỏi phải có năng khiếu, sự sáng tạo. Trong số nhiều lao động tại xưởng, thậm chí cả cánh mày râu được học hành, đào tạo qua trường lớp nhưng không phải ai cũng được đánh giá cao, đảm nhận những công đoạn khó trong chế tác đá mỹ nghệ.

Để tạo ra một sản phẩm mỹ nghệ đẹp, đòi hỏi trải qua nhiều công đoạn. Từ công đoạn vẽ phác thảo trên đá, tạo hình khối tới đục thô, đục tinh và đánh bóng hoàn thiện sản phẩm. Trong đó khâu đục tinh đều do những người thợ lâu năm đảm nhiệm. Thần thái, hồn cốt tác phẩm thành công hay không đều đặt vào con mắt thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người thợ này.

“Cũng bởi vậy, trong xưởng được phân ra nhiều nhóm thợ, mức độ tay nghề và mức lương, thưởng khác nhau, từ 250 đến 500 nghìn đồng/ngày”, chị Tính cho biết thêm.

Những “bóng hồng” thổi hồn vào đá

Nghề chế tác đá mỹ nghệ đang giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ địa phương.

Khác với chị Tính, chị Nguyễn Thị Bình (xã Minh Tân) đến với nghề ngoài thu nhập còn là niềm đam mê. Chị Bình cho biết: Từ nhỏ chị đã được ông nội hướng dẫn về nghề chạm khắc đá mỹ nghệ. Từ những sản phẩm như cối, chày giã gạo cho đến những chiếc lư hương, tượng phổng.

Lớn lên, chị cũng không nhớ tự khi nào đã gắn bó với cái nghề cha ông. Giờ đây, ngoài chị, chồng chị cũng gắn bó với nghề chế tác đá mỹ nghệ, và đây là nghề cho thu nhập chính của gia đình.

“Đây là nghề truyền thống, mỗi người dân sinh ra và lớn lên đều được tiếp cận từ nhỏ, lại là ngành nghề cho mức thu nhập cao, ổn định nên trong số cả nghìn lao động, những người phụ nữ như tôi là chuyện không hiếm, thậm chí chiếm gần phân nửa trong tổng số lao động làng nghề”, chị Bình khẳng định.

Để làng nghề vươn xa

Anh Đỗ Văn Lợi, chủ xưởng đá Lợi Hà vui mừng cho biết: Những ngày này xưởng của anh trở nên nhộn nhịp hơn khi nhận thêm những đơn hàng mới. Theo anh Lợi, ngoài tay nghề, chất lượng đá thì việc đầu tư máy móc phụ trợ có vai trò quan trọng. Thời gian đầu kinh phí đầu tư chưa có, việc cạnh tranh gặp những khó khăn nhất định.

Những “bóng hồng” thổi hồn vào đá

Máy móc, phương tiện hiện đại được nhiều chủ xưởng chế tác đá đầu tư.

Đến nay, nhờ có sự đầu tư trang thiết bị máy móc, có bạn hàng truyền thống, thị trường mở rộng thì xưởng chế tác đá mỹ nghệ của anh Lợi đã và đang cho mức thu nhập ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Nói về nghề, anh Lợi cho rằng, đây là nghề vừa đòi hỏi sức lực, vừa đòi hỏi tay nghề, óc sáng tạo. Trong số nhiều lao động tại xưởng, anh Lợi đánh giá cao những “bóng hồng” làm nghề chế tác đá mỹ nghệ. Ở họ luôn chứa đựng sự cần cù, tỉ mỉ, và cái tâm với từng sản phẩm làm ra. Hiện tại, xưởng của anh Lợi đang giải quyết việc làm cho 11 lao động chính, mà phân nửa là nữ giới.

Những “bóng hồng” thổi hồn vào đá

Sản phẩm từ làng nghề ngày càng vươn xa

Được đánh giá là lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt trong giai đoạn xã Minh Tân xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, ông Hoàng Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã không giấu được niềm vui, chia sẻ về vai trò của nghề truyền thống. Theo ông, làng nghề đang duy trì, phát triển với gần 200 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động của địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/tháng.

Cũng theo ông Khải, sản phẩm từ làng nghề đã vươn ra thị trường của nhiều nước. Để phát triển, quảng bá hơn nữa nghề chế tác đá địa phương, UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập cụm công nghiệp với quy mô 30 ha. Đây được xem là tiền đề để làng nghề chế tác đá hoạt động, phát triển quy mô, chuyên nghiệp và vươn tầm xa hơn.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]