(Baothanhhoa.vn) - Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của nhiều trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh hiện đang tồn tại nhiều hạn chế, buộc ngành chức năng vào cuộc, xử lý.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều lo ngại về chất lượng giáo dục tại các trung tâm ngoại ngữ

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của nhiều trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh hiện đang tồn tại nhiều hạn chế, buộc ngành chức năng vào cuộc, xử lý.

Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Bigben (số 11 Hàng Đồng, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) - một trong những trung tâm có giáo viên nước ngoài chưa đủ hồ sơ theo quy định.

Tiền mất tật mang?

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2017 toàn tỉnh có 56 trung tâm ngoại ngữ, trung tâm ngoại ngữ - tin học. Trong đó, TP Thanh Hóa có 36 trung tâm (33 trung tâm ngoại ngữ, 3 trung tâm ngoại ngữ - tin học); huyện Hà Trung có 5 trung tâm, thị xã Bỉm Sơn có 3 trung tâm; các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Tĩnh Gia, Nông Cống, Thiệu Hóa, Thạch Thành, mỗi huyện 1 trung tâm. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ này đang khiến phụ huynh không khỏi phân vân về chất lượng dạy học. Chị Lê Thị Hà, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cho biết: Con trai chị năm nay học lớp 2, chị đã đầu tư cho con đi học tiếng Anh tại trung tâm từ khi bé mới 4 tuổi. Để tìm nơi học thích hợp và hiệu quả cho con, chị cũng phải đi tìm hiểu và cho con học trải nghiệm ở nhiều trung tâm. Tuy nhiên, chất lượng ở các trung tâm cũng còn mù mờ vì thực tế phụ huynh cũng chỉ nghe các nhân viên tại trung tâm giới thiệu về chương trình cũng như giáo viên nước ngoài mà không biết được chính xác những chương trình học đó có được kiểm định không. Đặc biệt, giáo viên nước ngoài tại các trung tâm có bằng cấp hay chứng chỉ sư phạm không? Vì nếu giáo viên không đạt chuẩn thì các con theo học sẽ bị phát âm sai, kiến thức ngữ pháp không chuẩn...

Cùng chung tâm trạng trên, chị Nguyễn Thị Thúy, phường Đông Hương, chia sẻ: Xác định Tiếng Anh là môn học quan trọng trong con đường tương lai của con nên tôi cũng đầu tư cho con học tiếng Anh ở trung tâm để con có môi trường giao tiếp với người nước ngoài. Tuy nhiên, tôi cũng chưa yên tâm do không biết chất lượng dạy học ở trung tâm thế nào. Mặt khác, qua theo dõi con học trung tâm nhiều năm, giáo viên nước ngoài của các trung tâm thường thay đổi liên tục. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học cho học sinh.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi tại Trung tâm Anh ngữ Ocean.edu tại TP Thanh Hóa, hiện nay trung tâm này mở lớp từ thứ 2 đến chủ nhật. Vào các ngày thứ trong tuần, các lớp học sẽ được học vào thời gian từ 17h30 đến 21h30 (2 ca), còn thứ 7 và chủ nhật, học cả ngày. Học sinh học tại trung tâm có lứa tuổi từ 3 tuổi – 16 tuổi. Theo một nhân viên tại trung tâm cho biết, hiện trung tâm có 103 lớp với 1.200 học viên (từ 3 tuổi trở lên). Học phí của trung tâm là 7.128.000 đồng/1 khóa học 6 tháng; học sinh sẽ được học với 100% giáo viên nước ngoài.

Tại Học viện Giáo dục Aplus Thanh Hóa (số 79 Phan Chu Chinh, phường Điện Biên), số lượng học sinh học tại đây cũng rất đông. Trung tâm này có 2 cơ sở tại TP Thanh Hóa và 8 chi nhánh ở các huyện. Theo giới thiệu của nhân viên tại trung tâm này, hiện trung tâm cũng có tới hơn 1.000 học viên theo học ở các ca học vào các buổi chiều, tối các ngày từ thứ 3 đến chủ nhật. Học phí của trung tâm này là 5.800.000 đồng/1 khóa 6 tháng (với lớp học có 100% giáo viên nước ngoài); 4.800.000 đồng/1 khóa (lớp học 30% giáo viên nước ngoài). Ngoài ra, trung tâm này còn có các lớp trẻ mẫu giáo song ngữ, lứa tuổi từ 18 tháng đến 6 tuổi. Hiện nay, lớp mẫu giáo song ngữ của trung tâm có 50 học sinh.

Thực tế, chỉ trong thời gian vài năm trở lại đây, không chỉ tại TP Thanh Hóa mà các địa phương khác trong tỉnh có nhiều trung tâm ngoại ngữ được thành lập, chủ yếu dành cho lứa tuổi từ 3-16 tuổi. Tâm lý chung của các phụ huynh khi đưa con đến các trung tâm này là mong muốn con mình được sớm tiếp cận với môn Tiếng Anh, hỗ trợ môn học này cho con. Vì vậy, mặc dù số tiền cho một khóa học khá cao (trung bình gần 100.000 đồng/1 buổi - 1 tiếng 30 phút kể cả giờ giải lao) nhưng nhiều người vẫn cho con theo học mà không hề biết chất lượng, kiến thức của con thu nhận được có chuẩn hay không?

Chưa được cấp phép vẫn tổ chức dạy học?

Mặc dù số lượng học sinh tham gia học tại các trung tâm ngoại ngữ ngày càng cao nhưng chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất của các trung tâm còn nhiều tồn tại, thiếu sót: Một số trung tâm hoạt động chưa đúng quy định, chưa được cấp phép hoạt động vẫn tổ chức dạy học.

Theo Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết, đoàn công tác tranh tra sở vừa tiến hành kiểm tra các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn, phát hiện nhiều trung tâm hoạt động chưa đúng quy định. Cụ thể: Về cơ sở vật chất, hầu hết các trung tâm hợp đồng thuê, mượn địa điểm (nhà ở thiết kế hộ gia đình), diện tích hẹp, phòng học, phòng làm việc của bộ máy hành chính... chưa phù hợp với hoạt động của trung tâm; bàn ghế, thiết bị dạy học chưa đúng quy định, như: Trung tâm Ngoại ngữ Khoa Nghĩa (thôn Bắc Sơn, xã Hà Bắc, Hà Trung); Trung tâm Ngoại ngữ Hương Lan (đóng tại tiểu khu 3, thị trấn Hà Trung)...

Đặc biệt, một số trung tâm ngoại ngữ mở cơ sở nhưng chưa được cấp phép hoạt động như Trung tâm Ngoại ngữ Ocean.edu mở cơ sở ở TP Sầm Sơn; một số trung tâm ngoại ngữ tổ chức mở lớp dạy và trông giữ nhóm trẻ nhưng chưa được cấp phép hoạt động như: Trung tâm Ngoại ngữ Aplus (Học viện Giáo dục Aplus Thanh Hóa) tổ chức 3 nhóm trẻ, Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế Thành Đạt (222B, phường Trường Thi) tổ chức 2 nhóm trẻ chưa được cấp phép hoạt động.

Ngoài ra, đa số các trung tâm được thanh tra, đội ngũ giáo viên đang giảng dạy không đúng với quyết định thành lập và cấp phép hoạt động; không thành lập tổ chuyên môn, quản lý giáo viên còn hạn chế. Các Trung tâm Anh ngữ Aplus, Ngoại ngữ -Tin học Toàn Cầu, Ngoại ngữ Vietlink, Quốc tế Thành Đạt: Hồ sơ quản lý giáo viên nước ngoài chưa đủ theo quy định; các Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế I.Pro, Quốc tế Bigben... hồ sơ giáo viên chưa đầy đủ.

Cũng theo điều tra của chúng tôi tại một số trung tâm ngoại ngữ, việc quảng bá về số lượng giáo viên nước ngoài dạy tại trung tâm khác xa so với hồ sơ báo cáo thanh tra sở. Tại Trung tâm Ngoại ngữ Ocean.edu, nhân viên tư vấn cho biết tại trung tâm có 100% giáo viên nước ngoài lên lớp. Trung tâm hiện có 8 giáo viên nước ngoài là người bản ngữ và Philippines. Trong khi đó, hồ sơ cung cấp cho thanh tra Sở GD&ĐT, trung tâm chỉ có 3 giáo viên nước ngoài. Tương tự, tại Trung tâm Ngoại ngữ Aplus, theo nhân viên của trung tâm này thì trung tâm có 2 giáo viên nước ngoài ở 2 cơ sở tại TP Thanh Hóa và mỗi cơ sở ở các huyện đều có 1 giáo viên nước ngoài, tuy nhiên tại hồ sơ báo cáo thanh tra chỉ có 1 giáo viên nước ngoài.

Đình chỉ hoạt động nhiều trung tâm

Theo kết luận thanh tra số 283/KL-SGDĐT (tháng 2-2018) của Sở GD&ĐT, những trung tâm ngoại ngữ có cơ sở vật chất không đảm bảo quy định hoặc hoạt động trái quy định sẽ đình chỉ hoạt động. Các Trung tâm Ngoại ngữ APlus và Ngoại ngữ Quốc tế Thành Đạt phải dừng hoạt động các nhóm trẻ mầm non chưa được cấp phép hoạt động... Sở GD&ĐT cũng quyết định đình chỉ hoạt động 3 tổ chức, cá nhân tự ý thành lập và dạy ngoại ngữ trái quy định, gồm: Công ty GD&ĐT Tân Sinh (phường Đông Vệ), Trung tâm Ngoại ngữ APPLE (468G Trần Phú, phường Ba Đình), Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại (đường Ngọc Mai, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa); dừng hoạt động các cơ sở của Trung tâm Ngoại ngữ Đông Dương (nhà văn hóa thiếu nhi phường Điện Biên) tại 5 trường tiểu học thuộc các huyện Thường Xuân, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Bá Thước; dừng địa điểm hoạt động tại TP Sầm Sơn của Trung tâm Ngoại ngữ Ocean.edu do chưa được cấp phép hoạt động; các Trung tâm Ngoại ngữ Hương Lan (thị trấn Hà Trung), Ban Mai, Minh Phương đều ở thị xã Bỉm Sơn: Dừng hoạt động các cơ sở đặt tại các xã thuộc huyện Hà Trung do cơ sở vật chất chưa đảm bảo quy định.

Ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để chấn chỉnh hoạt động các trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động trên địa bàn, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trung tâm thực hiện nghiêm túc Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT ngày 28-1-2011 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ - tin học; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng dạy học; hồ sơ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên phải đầy đủ theo quy định, nhất là quản lý giáo viên là người nước ngoài (hộ chiếu, bản dịch tiếng Việt về bằng tốt nghiệp, hợp đồng lao động, giấy phép của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Ngoài ra, đối với các tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm ngoại ngữ phải đảm bảo đầy đủ điều kiện để được thành lập và cấp phép hoạt động đúng quy định. Việc thành lập các trung tâm phải phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục, tránh tình trạng có địa bàn thành lập quá nhiều như hiện nay.


Bài và ảnh: Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]