(Baothanhhoa.vn) - Giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng (GDHN&CTPL) học sinh (HS) sau trung học là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Làm tốt công tác này sẽ tạo lối đi đúng cho HS, hạn chế lãng phí về thời gian, chi phí của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc GDHN&CTPL cho HS vẫn chưa được chú trọng và gặp phải không ít khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều khó khăn trong giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học

Giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng (GDHN&CTPL) học sinh (HS) sau trung học là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Làm tốt công tác này sẽ tạo lối đi đúng cho HS, hạn chế lãng phí về thời gian, chi phí của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc GDHN&CTPL cho HS vẫn chưa được chú trọng và gặp phải không ít khó khăn.

Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đã lựa chọn đến các trung tâm dậy nghề để vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa. Trong ảnh: Lớp học nghề may tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nông Cống.

Học xong lớp 9, thay vì vào lớp 10, em Nguyễn Thị Hà, xã Cát Vân (Như Xuân) chọn cho mình một hướng đi khác, vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Như Xuân để vừa học nghề, vừa học bổ túc THPT. “Sau một thời gian học nghề, đến nay em đã có thể may được sản phẩm. Bên cạnh việc dạy nghề, trung tâm còn tạo việc làm cho em, hiện em đang làm việc tại xưởng may của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện và cũng học sắp xong chương trình bổ túc THPT”. Cũng như Hà, hiện nhiều HS trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn cho mình vào các trung tâm dạy nghề để vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa. Theo báo cáo về thực trạng CTPL HS trong giáo dục phổ thông của Sở GD&ĐT, đối với khu vực miền núi có 75% số HS lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS được tuyển vào lớp 10 THPT, còn lại 25% số HS thực hiện chính sách phân luồng. Đối với khu vực miền xuôi có 70% số HS lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS được tuyển vào lớp 10 THPT, còn lại 30% thường đi học trong các trung tâm dạy nghề, các trường trung cấp, cơ sở dạy nghề, các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc lao động tự do tại địa phương và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại Trường THPT Yên Định II, để GDHN đạt kết quả, ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã lên kế hoạch cho hoạt động hướng nghiệp, không chỉ riêng khối 12 mà cho HS trong toàn trường. Các giờ học hướng nghiệp được tổ chức hàng tuần, ban giám hiệu, đoàn trường và các giáo viên trong trường tham gia trả lời trực tiếp những thắc mắc, giúp các em có một cái nhìn thiết thực nhất về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tại các buổi hướng nghiệp, HS được cung cấp mọi thông tin về các kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp và hậu quả khi chọn ngành sai. Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo còn cung cấp các thông tin về những ngành nghề có nhu cầu việc làm cao, thị trường lao động, nghề nghiệp. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các buổi gặp gỡ, trò chuyện giữa đại diện các trường nghề, các trường đại học, cao đẳng với HS trong trường để các em có cái nhìn thực tế hơn, từ đó có sự lựa chọn phù hợp.

Thầy giáo Vũ Đình Binh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Định II cho biết: Nhà trường đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào điểm chuẩn của các trường những năm trước và năng lực thực tế của HS để hướng nghiệp sao cho phù hợp với năng lực của các em. Đối với HS có học lực yếu, kém thậm chí là cả trung bình nhà trường sẽ tư vấn cho HS lựa chọn con đường phù hợp với bản thân hơn như vào học tại các trường nghề, sau đào tạo có tay nghề vững có thể tham gia lao động vào những ngành nghề đã chọn, trở thành những thợ lành nghề, những lao động giỏi. Ngoài ra, nhà trường còn tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành... để các em HS nếu có đủ năng lực có thể đi du học nước ngoài hoặc học nghề theo hình thức vừa học, vừa làm.

Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, GDHN&CTPL HS sau trung học còn bất cập, nhất là cơ chế, chính sách còn nhiều tồn tại, chậm được đổi mới. Trong khi đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động chưa phát triển lành mạnh, gây khó khăn cho việc lựa chọn ngành nghề của HS. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác GDHN ở trường trung học thiếu, chưa đáp ứng về chất lượng, trong khi tâm lý chạy theo bằng cấp trong xã hội còn nặng nề chính những khó khăn trong GDHN&CTPL... Nói về cái khó trong CTPL, ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Như Xuân cho rằng: “Cái khó của việc vận động các em HS sau khi tốt nghiệp THCS đến học nghề tại trung tâm là nhận thức của phụ huynh, bởi họ rất “dị ứng” với học nghề. Bên cạnh đó, phần lớn các em ở miền núi sau khi học xong THCS, THPT đều ở nhà làm nương rẫy với bố mẹ, rồi lập gia đình sớm. Không ít em rời quê hương đi làm ăn xa với nghề tự do đã vấp phải những cạm bẫy đầu đời, dẫn đến sa ngã”. Để CTPL đạt hiệu quả, việc đầu tiên phải giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh. Các trường THCS cần làm tốt công tác đó. Mặt khác, để phụ huynh có thể tin tưởng trao con em mình, các trường nghề nên công khai chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo và đặc biệt là triển vọng nghề nghiệp tương lai, công việc sau này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Công Mãn, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT cho biết: Chọn nghề là một kinh nghiệm “xương máu”. Cách tốt nhất để tránh phạm phải sai lầm trong việc lựa chọn ngành nghề là hãy lựa chọn theo năng lực, sở trường của bản thân. Nói về giải pháp để nâng cao hiệu quả GDHN&CTPL cho HS, ông Mãn cho rằng: Ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về GDHN trong nhà trường phổ thông và CTPL sau THCS, THPT cho các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động GDHN của cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông; đổi mới nội dung, phương thức GDHN phù hợp với đặc điểm của HS phổ thông và điều kiện nhà trường trong tình hình đổi mới; phát triển đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên hướng nghiệp; mở thêm nhiều đợt tập huấn, chuyên đề về GDHN cho giáo viên, để giáo viên được trang bị cả lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành để thực hiện hoạt động tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngành sẽ đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị cho hoạt động GDHN&CTPL HS sau THCS, THPT.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]