(Baothanhhoa.vn) - Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, quy định các xã đạt chuẩn NTM phải có từ 15% đến 20% trở lên số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện đạt chuẩn NTM, và từ 55% đối với xã đạt NTM nâng cao. Đây là một trong những tiêu chí gây ra không ít khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương tại các huyện miền núi Thanh Hóa.

Nhiều địa phương miền núi “loay hoay” tiêu chí nước sạch tập trung trong xây dựng NTM

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, quy định các xã đạt chuẩn NTM phải có từ 15% đến 20% trở lên số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện đạt chuẩn NTM, và từ 55% đối với xã đạt NTM nâng cao. Đây là một trong những tiêu chí gây ra không ít khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương tại các huyện miền núi Thanh Hóa.

Nhiều địa phương miền núi “loay hoay” tiêu chí nước sạch tập trung trong xây dựng NTMTiêu chí nước sạch tập trung đang gây lúng túng, khó khăn trong việc xây dựng chuẩn NTM ở nhiều địa phương miền núi.

Tiêu chí nước sạch “làm khó” chuẩn NTM

Huyện miền núi Bá Thước theo lộ trình đến cuối năm 2022 phấn đấu 2 xã đạt chuẩn NTM là Ái Thượng và Ban Công. Tuy nhiên, do những khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí nước sạch tập trung khiến cho mục tiêu trên đến thời điểm hiện tại gần như không thể đạt. Ông Lương Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Ban Công, bày tỏ: “Theo Bộ tiêu chí quốc gia, để “cán đích” xã NTM, xã Ban Công phải có 20% số hộ dân sử dụng nước sạch tập trung mới đủ điều kiện. Tiêu chí này đang gây ra những khó khăn cho xã, buộc phải rời mục tiêu hoàn thành xã NTM sang năm sau. Ông Tư kiến nghị, để giải quyết được những khó khăn trong tiêu chí nước sạch thì phải có sự hỗ trợ từ cấp trên đầu tư nguồn vốn. Với xã, để đầu tư hệ thống cấp nước tập trung là vượt quá khả năng.

Trong khi đó, trò chuyện với chúng tôi về lộ trình xây dựng NTM của xã Phượng Nghi (Như Thanh), ông Nguyễn Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Theo lộ trình, cuối năm nay, xã Phượng Nghi sẽ phấn đấu “cán đích” NTM. Tuy nhiên, quy định trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã xây dựng NTM, xã phải đạt 25% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện. Tiêu chí này đã, đang khiến cho mục tiêu "về đích” xã NTM là rất khó.

Nhiều địa phương miền núi “loay hoay” tiêu chí nước sạch tập trung trong xây dựng NTM

Tương tự, tiêu chí nước sạch tập trung cũng đang là “rào cản” trong lộ trình xây dựng NTM nâng cao tại xã Xuân Du cùng huyện. Với mục tiêu "về đích” xã NTM nâng cao vào tháng 12-2022, xã này phải đạt 55% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện. Thời điểm này, UBND xã Xuân Du đang đề xuất với UBND huyện Như Thanh để đấu nối đường ống với nhà máy nước ở huyện Triệu Sơn. Tuy nhiên, về quy hoạch phân vùng cấp nước của nhà máy này thì xã Xuân Du không nằm trong phân vùng được cấp. Bên cạnh đó, khó khăn là khoảng cách xa (10 km), phải xã hội hóa đầu tư là điều không dễ dàng với một xã miền núi như Xuân Du.

Bà Trịnh Thị Liên, thôn 4, xã Xuân Du, cho biết: “Gia đình bà lâu nay vẫn đang dùng nước giếng khoan qua hệ thống bể lọc để sử dụng. Khi nghe có chủ trương được sử dụng nước sạch, bà và người dân trong thôn đã rất vui mừng. Tuy nhiên, khi nói về vấn đề xã hội hóa đầu tư, bà Liên lo lắng khi mức phí đóng góp với bà con là khá cao so với mặt bằng kinh tế, đây sẽ là khó khăn cho người dân.

“Loay hoay” tìm lời giải

Nói về giải pháp cho những vướng mắc trong tiêu chí nước sạch tập trung, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, cho biết: Cuối năm nay, trên địa bàn huyện sẽ không có xã nào đạt chuẩn NTM theo đúng lộ trình đề ra. Một trong những nguyên nhân mà mục tiêu này không đạt được là vướng bởi tiêu chí nước sạch tập trung. Với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Bá Thước thì để thực hiện tiêu chí nước sạch tập trung theo quy định, cần phải có sự đầu tư 100% vốn của Nhà nước, vì không thể xã hội hóa được. Bởi, dân cư sống thưa thớt, phân tán, mức sống như hiện nay của bà con chưa sẵn sàng chi trả tiền nước hàng tháng.

Bên cạnh đó, để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước sạch càng khó hơn. Dù huyện đã quy hoạch, kêu gọi 3, 4 năm nay mà chưa có doanh nghiệp nào vào. Một thực tế, ngoài vị trí thị trấn, các khu dân cư tập trung đông người thì ở các khu dân cư khác hầu như đã có nguồn nước từ giếng khoan, giếng khơi để dùng nên nhu cầu về nước sạch tập trung của người dân là không bức thiết. Trường hợp gượng ép đầu tư mà không có quản lý thì để đấy cũng hỏng, gây lãng phí.

Nhiều địa phương miền núi “loay hoay” tiêu chí nước sạch tập trung trong xây dựng NTM

Còn với xã Phượng Nghi, để có thể “cán đích” NTM như kế hoạch đề ra, UBND xã đã mời đơn vị chuyên môn tham mưu đầu tư, tu sửa hệ thống mó nước. Song, theo Bí thư Đảng ủy xã Phượng Nghi - Nguyễn Xuân Hòa, nếu chỉ để hoàn thành chỉ tiêu 25% số hộ sử dụng nước sạch tập trung theo bộ tiêu chí, thì xã này sẽ phải đầu tư từ 3 đến 4 tỷ đồng để cải tạo mó nước tại thôn Cộng Thành. Song, phương án này được cho là không phù hợp, gượng ép, bởi mó nước không mang tính thường xuyên, nước sạch từ hệ thống mó, lúc có lúc không. Bên cạnh đó, nếu mó nước này đi vào hoạt động cũng chỉ phục vụ được hơn 200 hộ dân, trong khi đó hơn 200 hộ dân này ở phân tán. Chi phí bảo dưỡng của mó nước cũng rất lớn. Còn phương án xây dựng nhà máy nước với xã này cũng là điều không thể vì nguồn vốn lớn. Ông Hòa đề xuất các cấp, ngành chức năng nên xem xét tiêu chí này sao cho phù hợp với từng địa phương. Với một xã miền núi như Phượng Nghi thì có thể dùng nguồn nước giếng khoan, giếng khơi qua hệ thống bể lọc qua máy lọc RO để dùng.

Ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Du, cho rằng, xã đang rất lúng túng trong tiêu chí nước sạch tập trung. Theo tiêu chí, xã phải đạt 55% số hộ trong xã sử dụng nước sạch tập trung, tương đương khoảng 750 hộ sử dụng mới đạt được yêu cầu của tiêu chí đưa ra. Đây là vấn đề khó khăn. Về giải pháp, xã đang chủ trương đấu nối đường ống dẫn nước từ nhà máy nước tại huyện Triệu Sơn. Nếu có đấu mối được thì việc vận động bà con xã hội hóa, nói sao cho bà con hiểu và sử dụng nước sạch cũng rất khó khăn.

Qua khảo sát cho thấy, thời gian qua từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân miền núi được đầu tư xây dựng. Nhưng các công trình cấp nước sinh hoạt này đa phần chỉ đáp ứng về nước hợp vệ sinh, còn tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch rất thấp. Hiện nay, 11 huyện miền núi mới chỉ có 6 huyện có nhà máy nước sạch (Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân). Trong khi đó, các nhà máy nước mới chỉ cung cấp nước cho các hộ dân ở thị trấn và một bộ phận nhỏ hộ dân ở vùng lân cận thị trấn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn 2021-2025, khu vực miền núi Thanh Hóa có 53 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, riêng trong năm 2022 có 14 xã đăng ký về đích NTM nhưng hiện 14 xã vẫn chưa có hệ thống nước sạch tập trung và khó có thể đạt mục tiêu theo lộ trình đã đề ra.

Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và NTM nâng cao, giai đoạn 2021-2025 (áp dụng từ tháng 3-2022), các xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) ở Bắc Trung bộ phải có từ 15% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện đạt chuẩn NTM. Tương tự, các xã không thuộc khu vực III phải có từ 20% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện thẩm định đạt chuẩn NTM.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]