(Baothanhhoa.vn) - Để hạn chế thấp nhất những tai nạn do đuối nước và tạo ra sân chơi bổ ích, thiết thực và lành mạnh cho trẻ em, đặc biệt là các em học sinh, mô hình dạy bơi phòng chống đuối nước đã và đang được nhân rộng, trở thành xu thế của thể thao học đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân rộng mô hình dạy bơi phòng chống đuối nước tại các trường học

Nhân rộng mô hình dạy bơi phòng chống đuối nước tại các trường học

Mô hình bể bơi thông minh và các lớp dạy bơi phòng chống đuối nước triển khai tại các trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa đã đạt được nhiều hiệu quả.

Để hạn chế thấp nhất những tai nạn do đuối nước và tạo ra sân chơi bổ ích, thiết thực và lành mạnh cho trẻ em, đặc biệt là các em học sinh, mô hình dạy bơi phòng chống đuối nước đã và đang được nhân rộng, trở thành xu thế của thể thao học đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Là tỉnh có nhiều sông, ao, hồ lớn và hàng năm đều chịu tác động của bão, lũ khiến tai nạn đuối nước xảy ra thường xuyên, vì vậy, việc phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh, trẻ em trên địa bàn được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Trong hai năm 2017-2018, việc triển khai chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, chú trọng. Các địa phương, các nhà trường tùy theo điều kiện cụ thể của mình đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mở các lớp bơi cho trẻ em, học sinh, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, từng bước hạn chế tai nạn đuối nước.

Thời gian qua, TP Thanh Hóa đã tích cực thực hiện và triển khai có hiệu quả chương trình phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh, trẻ em trên địa bàn. Năm 2018, TP Thanh Hóa đã triển khai tại 10 điểm trường với số lượng 1.346 học sinh (năm 2017, mới có 7 điểm trường với 166 em được tham gia). Kết thúc giai đoạn phổ cập bơi hè 2018, tỷ lệ học sinh biết bơi đạt hơn 92%. Điều đáng mừng là chương trình phổ cập bơi, mô hình bể bơi thông minh tại các trường được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức xã hội hóa. Các lớp bơi cứu đuối nước đều có đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên đạt chuẩn, giúp các em tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc. Thông qua các lớp học bơi, các em còn được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước và cũng là cách để các em bổ sung kiến thức và hành trang kỹ năng sống của mình. Nhiều trường học đã đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất cho các em học sinh. Qua đó, các trường cũng tuyển chọn được các vận động viên xuất sắc tham gia dự thi học sinh giỏi TDTT, các giải đấu cấp thành phố và hội khỏe phù đổng các cấp.

Để chương trình và mô hình bơi phòng chống đuối nước được duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả, TP Thanh Hóa đã tổ chức giải bơi học sinh tiểu học và THCS. Với sự chủ động, sáng tạo và cách làm rất hiệu quả, sau 2 năm thực hiện chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020. Năm 2019 này, TP Thanh Hóa sẽ lắp đặt bể bơi thông minh tại 15 điểm trường. Với các trường không đủ điều kiện lắp đặt bể bơi, nếu học sinh có nhu cầu tham gia học bơi, thành phố sẽ bố trí địa điểm học phù hợp với học sinh của từng khu vực. Đội ngũ giáo viên giảng dạy cũng được chuẩn bị theo hướng đạt chuẩn với trình độ đại học TDTT chuyên ngành bơi, có kỹ năng sư phạm, từng là vận động viên bơi – lặn quốc gia; có chứng chỉ lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cứu đuối, cứu hộ do Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam cấp.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được triển khai từ năm 2017 đến nay, chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em và học sinh đã được triển khai truyền thông tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố; 1.232/1.232 trường học trên địa bàn tỉnh. Đã có gần 250 lớp tập bơi được tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số trẻ em tham gia năm 2017 là 94.300 em, năm 2018 là 112.400 em. Các huyện, thị xã, thành phố đã vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn; có chế độ ưu tiên, miễn giảm tiền học phí cho trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học và tập luyện bơi. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động với tổng kinh phí đầu tư gần 250 tỷ đồng, trong đó 21 bể bơi tiêu chuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tập luyện trong dịp hè.

Ông Nguyễn Duy Tự, Phó trưởng Phòng Quản lý Thể dục – Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: trong 2 năm 2019-2020, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nhân rộng, phổ cập hơn mô hình bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, trong đó ưu tiên tại các trường học. Để làm được điều đó, các giải pháp trọng tâm cần được thực hiện như: Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em; lồng ghép các mục tiêu về phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, đuối nước trẻ em nói riêng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tăng cường dạy bơi và nâng cao kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa, nhằm đáp ứng cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học cho trẻ em, học sinh. Phấn đấu 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 80% huyện, thị xã, thành phố triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em. Bảo đảm 100% các trường có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật. Các trường tiếp tục xây dựng kế hoạch, lồng ghép môn bơi vào giáo dục thể chất trong năm học, tạo cơ chế khuyến khích, động viên để các em tham gia...

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]