(Baothanhhoa.vn) - Bước sang tuổi 93, ông Văn Như Tước vẫn hàng ngày cặm cụi trên bàn máy tính để viết tin, bài cộng tác cho Báo Thanh Hóa. Nhiều phóng viên trẻ nhìn lượng bài của ông gửi cho tòa soạn báo hàng tuần, hàng tháng cũng phải ngả mũ thán phục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân kỷ niệm 58 năm ngày Báo Thanh Hóa ra số đầu (20-3-1962 – 20-3-2020): Người cả đời gắn bó với báo Đảng

Bước sang tuổi 93, ông Văn Như Tước vẫn hàng ngày cặm cụi trên bàn máy tính để viết tin, bài cộng tác cho Báo Thanh Hóa. Nhiều phóng viên trẻ nhìn lượng bài của ông gửi cho tòa soạn báo hàng tuần, hàng tháng cũng phải ngả mũ thán phục.

Nhân kỷ niệm 58 năm ngày Báo Thanh Hóa ra số đầu (20-3-1962 – 20-3-2020): Người cả đời gắn bó với báo Đảng

Độc giả, cộng tác viên Văn Như Tước trao đổi với phóng viên Báo Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiền

Cuộc gặp gỡ trong căn nhà nhỏ

Chiều tháng 3, bên chén trà đặc, ngồi trước máy tính, bên cạnh xấp báo Thanh Hóa cũ, tôi muốn viết một điều gì đó về cộng tác viên “đặc biệt” Văn Như Tước, sinh năm 1928, nguyên cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, mà chưa biết nên bắt đầu từ đâu? Trước đó, tôi đã có cuộc gặp gỡ với ông tại căn nhà số 2, đường Cao Điển, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa.

Tôi không có may mắn được tiếp cận với Báo Thanh Hóa từ những ngày đầu thành lập. Vì vậy, đây chính là cơ hội để tôi được nghe một trong những “chứng nhân lịch sử” kể về những kỷ niệm với Báo Thanh Hóa. Vì chưa bao giờ gặp nên tôi phải hẹn trước cẩn thận. 3h chiều hôm ấy, trời Thanh Hóa mưa phùn và lạnh. Một người phụ nữ trung tuổi đứng trước cửa tự khi nào, tôi vừa bước xuống xe đã nghe bà nói vọng lại: “Các cô đến gặp bác Tước phải không, bác ấy đang đợi ở trong nhà. Mời các cô vào!”. Qua câu chuyện với người phụ nữ, tôi biết. Ông sống một mình, cho dù con cháu ở gần đây, đi dăm bước là đến. Tuy nhiên, họ còn bận việc Nhà nước, học hành. Ông có người bạn đời yêu quý đã mất 10 năm nay. Tâm lý người già, lại là người hay chữ, ông thích giao lưu. Bọn trẻ thì không hợp chuyện, bạn già thì còn mấy ai độ tuổi như ông, nên buồn.

Trong nhà, một ông già nhỏ thó, tóc đã bạc phơ nở nụ cười hiền thay lời chào hỏi. Tôi nhìn trên bàn: Trà thơm vừa mới pha, kẹo và bánh. Chứng tỏ, ông có chuẩn bị để đón khách và hàn huyên. Thật sự, nếu không có cuộc trò chuyện trực tiếp ngày hôm ấy, chắc tôi chẳng thể hình dung được cụ ông nhanh nhẹn, minh mẫn trước mặt mình đã cận kề ngưỡng bách niên. “Tôi gắn bó với Báo Thanh Hóa từ những ngày đầu báo thành lập. Ngày đó, Báo Thanh Hóa chưa có trụ sở riêng mà chung cùng Tỉnh ủy. Tôi vẫn thường cùng các anh em báo chí chuyện trò, chè nước. Mới đó mà đã gần 60 năm, thời gian trôi nhanh thật. Sau bao lần đi thuê chỗ này, chỗ khác, Báo Thanh Hóa cũng đã có trụ sở khang trang, môi trường làm việc chuyên nghiệp, tôi thấy phấn khởi vô cùng. Bây giờ, mỗi lần đi qua hay thời điểm này đang ngồi nói chuyện với các bạn, tôi vẫn thấy sự ấm cúng, quý mến tờ báo, quý mến các bạn như những ngày đầu vậy” – ông Tước mở đầu câu chuyện.

Cuộc trò chuyện vừa bắt đầu, ông Tước đã vội vàng khoe “kho báu” là những xấp báo Thanh Hóa được lưu lại từ nhiều năm nay. Theo chân ông Tước lên tầng 2 – nơi đặt những tờ báo đã ngả màu vàng. Khệ nệ lôi một chồng báo cũ từ dưới tủ chè, ông Tước nói với tôi, đây là một phần nhỏ trong bộ sưu tập báo cũ mà ông gìn giữ suốt cả một đời. Ông tế nhị nhắc tôi lật xem báo nhẹ tay để báo khỏi bị rách. Ông Tước tâm sự: “Tôi thường sắp xếp các tờ báo theo từng giai đoạn và để ngăn nắp ở một góc, tiện tìm kiếm khi cần”. Đã từ lâu, căn nhà của ông trở thành một thư viện nhỏ, nơi những người bạn tâm giao thường lui tới đọc báo, cùng bàn luận, trao đổi thông tin thời sự.

Trong số báo Thanh Hóa mà ông chọn ra từ hàng ngàn tờ báo ông cất giữ có nhiều tờ báo rất cũ, từ những năm 70, 80... Không thể so sánh với những tờ báo in màu hiện đại, nhưng cách trình bày trên những tờ báo xưa cũng khá bắt mắt với hình ảnh nông dân lao động sản xuất, các mô hình kinh tế... Nội dung của những tờ báo này cũng rất phong phú, không thiếu những mẩu chuyện vui. Ông Tước trầm tư nói: “Những năm trước đây, trên báo Thanh Hóa có một số chuyên mục ngắn nhưng rất hữu ích, như: Diễn đàn thứ 7; Nhỏ... to; Người tốt việc tốt; Xã luận ... Nhưng tiếc là bây giờ một số chuyên mục không còn nữa...”.

Người già mà sức viết vẫn trẻ

Cũng vì nên duyên với Báo Thanh Hóa, ông Tước đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi cách viết báo và có nhiều bài được đăng trên báo Thanh Hóa, báo Văn hóa và Đời sống cùng một số báo khác. Từ những mẩu tin đơn giản mang tính thời sự và sau đó là những bài viết về Bác, về công tác Đảng, công tác tuyên truyền cơ sở được ông chuyển tải một cách hết sức tinh tế và đặc sắc.

Người cộng tác viên 93 tuổi chia sẻ: “Viết báo đối với tôi là một niềm hạnh phúc. Tôi không giỏi về văn, chuyên ngành của tôi cũng không phải báo chí. Ban đầu tôi viết chỉ để giải tỏa những nỗi niềm của riêng mình, tìm niềm vui tuổi già sau khi về hưu. Tôi gửi bài chỉ hy vọng ai đó sẽ chú ý. Và thật may mắn, những tin bài tôi gửi đều được Báo Thanh Hóa sử dụng. Điều đó như một “liều thuốc” kích thích, khiến cho niềm hứng thú với báo chí trong tôi như được “rắc men”. Thế là tôi bắt đầu đến với con đường là một cộng tác viên. Tôi tham khảo nhiều tờ báo khác nhau, tham khảo nhiều cách viết, văn phong của từng tờ báo, sau đó tự mày mò học từ sách, từ Internet. Mỗi khi có bài đăng báo, tôi đọc lại nhiều lần, đối chiếu bản gốc, xem ban biên tập chỉnh sửa những gì để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Từ đó, các bài viết của tôi có thần hơn, sắc sảo hơn, không còn là những câu văn ngô nghê đơn thuần, mà đó là những câu chuyện có thật, những trăn trở trong cuộc sống. Cũng từ đây, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với các bài viết của mình”.

Do tuổi tác và sức khỏe nên dù cuộc cách mạng công nghệ đã len lỏi vào tận giường ngủ của ai đó, người ta đua nhau làm báo thị trường, đa phương tiện, thì ông vẫn “chung thủy” với những câu chuyện về đời, về người. Ví như ra ngoài chợ, vào quán ăn, thấy mấy ông uống rượu, nói chuyện nhà, chuyện nước, lắng tai một tí là thấy “chất liệu” của phân tích, bình luận. Đề tài ngồn ngộn từ truyền hình, báo chí, ông xem và đọc bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Từ những vấn đề bức xúc trong dư luận, từ các thói hư tật xấu... được nhìn, nghe thấy mà cụ thể hóa thành bài viết. Nhắc về những thành quả đã đạt được, ông vui vẻ: “Điều khiến tôi hài lòng là đã góp được tiếng nói với xã hội. Không thể hình dung ích lợi của nó đến đâu, nhưng tác phẩm viết ra được ghi nhận, ít nhiều đã góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Định lượng sức khỏe của mình, ông thành thật với những nỗi lo sợ rất đời, rất người, lo sẽ chẳng còn được cống hiến bao lâu nữa. Những dự định lớn lao cho sự nghiệp cũng không còn nung nấu, nhưng ông luôn tâm niệm rằng, còn hít thở được khí trời thì sẽ còn viết bài cộng tác với báo. Tuy nhiên, cộng tác viên “đặc biệt” này cũng đề nghị Báo Thanh Hóa cần có nhiều hơn những bài báo có chiều sâu, chất lượng cao, tác động tích cực tới các vấn đề xã hội quan tâm.

Chia tay tôi, nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày Báo Thanh Hóa ra số báo đầu (20-3-1962 – 20-3-2020), ông không quên chúc mừng. Hai tay tôi nắm chặt bàn tay khẳng khiu, nhưng ấm nóng của ông, nhìn khuôn mặt phúc hậu và nụ cười chân thành của ông, tôi có một cảm giác thân thuộc vô cùng.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]