(Baothanhhoa.vn) - Bước sang năm 2022, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được phục hồi. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tăng cường nhân lực để phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là dịp cuối năm, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động là điều khó tránh khỏi.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động và cách bù đắp

Bước sang năm 2022, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được phục hồi. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tăng cường nhân lực để phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là dịp cuối năm, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động là điều khó tránh khỏi.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động và cách bù đắpTư vấn tuyển dụng, thông tin thị trường lao động cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa (tháng 9-2022).

Nhu cầu tuyển dụng tăng

Tín hiệu tích cực của nền kinh tế và sự chủ động thích ứng linh hoạt phục hồi phát triển của các doanh nghiệp đã khiến nhiều doanh nghiệp “tăng tốc” tuyển dụng ngay từ đầu năm. Theo số liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), các doanh nghiệp có nhu cầu cần tuyển số lượng khoảng 40.000 lao động. Trong đó lao động nữ chiếm 70%, tập trung chủ yếu là doanh nghiệp giày da, may mặc với yêu cầu về trình độ không cao, phần lớn là lao động phổ thông.

Là doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động phục vụ kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm, bà Nguyễn Thị Hương, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Giày Vennus Việt Nam, có địa chỉ ở cụm làng nghề xã Hà Bình (Hà Trung) cho biết: Để tuyển được số lượng lao động theo nhu cầu, công ty đã đa dạng các phương thức tuyển dụng, như: tuyển dụng hằng ngày tại công ty; thông báo thông tin tuyển dụng đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong công ty; chia sẻ thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, nhờ chính quyền địa phương thông tin đến các xã, thôn; phát tờ rơi tuyển dụng; có chính sách thưởng cho cán bộ, công nhân viên giới thiệu người vào công ty làm việc...

Để bảo đảm tiến độ hoàn thành các đơn hàng và kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022 cũng như sẵn sàng bứt phá trong những năm tới, Công ty TNHH Giày Rollsport 2 Việt Nam ở Khu Công nghiệp Hoàng Long, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) có nhu cầu tuyển dụng thêm 150 lao động làm việc tại bộ phận đế gia công và hơn 300 lao động làm tại bộ phận đế Ip-Rb (3 ca). Vì vậy, công ty đã đăng thông tin tuyển dụng ngay tại cổng chính ra vào công ty. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa tham gia các phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại trung tâm và lưu động tại các huyện, thị trong tỉnh.

Có nhu cầu tuyển lao động đi làm ngay trong tháng 10 tại nhiều vị trí việc làm, như: nhân viên kế toán tổng hợp, nhân viên kho, công nhân kiểm hàng, đầu bếp, Công ty TNHH MTV May Phú Anh, có địa chỉ tại xã Đông Khê (Đông Sơn) liên tục đăng thông báo tuyển dụng trên trang facebook của công ty. Để thu hút nhân lực đáp ứng yêu cầu, công ty đưa ra một số quyền lợi khá hấp dẫn, đó là người lao động được tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; thưởng tháng 13; thưởng năm gắn bó; nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước; xét tăng lương hằng năm; ăn trưa không mất phí và làm việc theo giờ hành chính. Ngoài tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, công ty còn có nhu cầu tuyển khoảng 300 đến 400 lao động phổ thông phục vụ các đơn hàng may mặc gia công đã ký kết và nguồn nhân lực cho nhà máy mới đóng trên địa bàn huyện Triệu Sơn.

Còn rất nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động những tháng cuối năm để tập trung cho giai đoạn “nước rút”, như: Công ty TNHH NY Hoa Việt ở xã Triệu Lộc (Hậu Lộc); Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Đức Hòa, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Minh Quân, Công ty CP Tập đoàn quốc tế ACB - Chi nhánh Thanh Hóa, cùng có địa chỉ ở phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa); Công ty TNHH Sakurai Việt Nam ở xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa)... với nhu cầu tuyển dụng lên đến con số hàng chục nghìn lao động nhưng vẫn khó tuyển đủ.

Và cách bù đắp?

Trước sức “nóng” nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức được 32 phiên giao dịch việc làm. Trong đó có 23 phiên tại trung tâm, 4 phiên lưu động tại các địa phương và 5 phiên trực tuyến, với 289 lượt đơn vị và 17.528 người lao động tham gia. Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, cho biết: Việc hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động đã giúp bổ sung kịp thời nguồn lực lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nắm bắt những tháng cuối năm các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng thêm, sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm nắm chắc diễn biến cung - cầu lao động, đặc biệt là nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng, ngành nghề, trình độ để có kế hoạch, giải pháp kết nối, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các địa phương, khu vực sản xuất trọng điểm. Đồng thời xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm có sự kết nối chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, BHXH, đăng ký doanh nghiệp làm cơ sở quản lý và thực hiện chính xác, kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động. Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hình thức, chuyên đề của các phiên giao dịch việc làm để đem lại hiệu quả tốt nhất cho người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia. Phối hợp với các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn và ở các địa phương khác tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người lao động cũng cần trang bị tốt về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chuẩn mực. Sáng suốt lựa chọn các đơn vị tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm uy tín, phòng ngừa các trường hợp lừa đảo, gây mất thời gian, tiền bạc. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao chất lượng đào tạo để tạo nguồn lao động có chất lượng tham gia thị trường lao động. Phát triển thị trường lao động linh hoạt để Nhân dân và người lao động, đặc biệt là lao động khu vực miền núi dễ dàng tiếp cận với các thông tin về dạy nghề, việc làm, tạo điều kiện cho người lao động khu vực miền núi nhanh chóng tìm được nơi học nghề, nơi làm việc phù hợp với khả năng.

Trong khi số người tham gia thị trường lao động là hữu hạn thì chủ sử dụng lao động phải tận dụng tối đa nguồn nhân lực đang có; xóa khoảng cách khác biệt về giới tính, độ tuổi, vùng miền để sử dụng được nguồn nhân lực một cách tối ưu. Mặt khác, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, có chính sách quản lý người lao động phù hợp. Và một yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và giữ chân người lao động là phải xây dựng môi trường làm việc hòa nhập, văn hóa làm việc đa dạng, luôn lắng nghe và thấu hiểu người lao động, coi lao động là hàng hóa đặc biệt, bảo đảm vấn đề về tiền lương, phúc lợi và các chính sách an sinh xã hội để người lao động gắn bó với mình.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]