(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Thuận Lương tại xã Xuân Bình (Như Xuân) vào một ngày thu tháng 9. Đã được nghe kể về ông, song phút gặp gỡ ban đầu, chúng tôi vẫn ấn tượng về một người thầy thuốc lưng đã còng, tóc đã bạc nhưng tác phong nhanh nhẹn cùng đôi mắt sáng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người nặng lòng với cây dược liệu

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Thuận Lương tại xã Xuân Bình (Như Xuân) vào một ngày thu tháng 9. Đã được nghe kể về ông, song phút gặp gỡ ban đầu, chúng tôi vẫn ấn tượng về một người thầy thuốc lưng đã còng, tóc đã bạc nhưng tác phong nhanh nhẹn cùng đôi mắt sáng.

Vườn dược liệu của gia đình ông Nguyễn Thuận Lương có nhiều cây thuốc quý.

Trong ngôi nhà cấp 4, xung quanh được trang trí bằng những chậu cây dược liệu, chúng tôi được nghe ông kể chuyện về cuộc đời, về cơ duyên, cũng như hành trình đưa ông đến với nghề thuốc. Cũng nơi đây, được tận mắt chứng kiến những cây thuốc nam xanh tốt trong khu vườn rộng hơn 4ha của ông, chúng tôi mới thực sự hiểu vì sao giữa chốn núi rừng hoang sơ này, ông vẫn được nhiều người biết và nhớ đến với sự ngưỡng mộ, trân trọng và biết ơn.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề thuốc, ngay từ nhỏ, ông Nguyễn Thuận Lương đã biết đến những bài thuốc dân gian từ cây dược liệu được mẹ dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên, lớn lên, ông lại theo nghề giáo và gặt hái được nhiều thành công. Dẫu vậy, ông vẫn không thôi nghĩ về những bài thuốc nam cùng các loại cây dược liệu và ông quyết định tìm hiểu về nó. Nhưng, sự kiện quan trọng và cũng là cơ duyên thôi thúc ông gắn bó, tâm huyết với nghề thầy thuốc và gắn cuộc đời mình với cây dược liệu cho đến ngày hôm nay là những lời dặn của Bác Hồ trong bức thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27-2-1955 mà ông được nghe trong một lần dự lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 1957, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân: “Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được; thuốc ta chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh không chữa được mà thuốc tây chữa được... Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa được bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân...”. Trở về nhà sau buổi lễ, ông suy nghĩ, trăn trở và bắt đầu tìm hiểu các tài liệu viết về cây thuốc nam cùng những bài thuốc dân gian đã được lưu truyền qua bao thế hệ. Song song với việc dạy học, ông đã đến nhiều tỉnh trên cả nước, như: Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Hòa Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn... và một số huyện trong tỉnh, như: Lang Chánh, Quan Hóa, Bá Thước... để học tập kinh nghiệm chữa bệnh từ dược liệu và sưu tầm những loại dược liệu quý. Đồng thời, ông tìm đến Thư viện Trường Đại học Quốc gia Hà Nội để mượn tài liệu nghiên cứu. Thời gian này, ông có cơ hội được lắng nghe những bài giảng của các giảng viên là người nước ngoài về cây thuốc nam và các bài thuốc được phân tích theo y học hiện đại. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, ông trở về quê, tiếp tục sự nghiệp trồng người với vị trí Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Quảng Dạ (xã Xuân Bình ngày nay), đồng thời áp dụng vốn hiểu biết sau nhiều năm tích lũy để chữa bệnh cho dân nghèo với tâm nguyện “mang tài năng hướng đến việc thiện”. Ông chia sẻ với chúng tôi: “Giúp một người không chỉ là giúp họ khỏi bệnh mà còn giúp họ có niềm tin vào cuộc sống”. Có lẽ vì vậy mà ông Lương không chỉ được người dân nhớ đến là một người thầy giáo tài năng, mẫu mực mà còn là một người thầy thuốc có “tâm luôn gắn với nghề”. Tiếng lành đồn xa nên dù cho ngôi nhà của ông nằm giữa chốn núi rừng hoang vu này vẫn ngày ngày đón nhận nhiều bệnh nhân tìm đến gửi gắm niềm tin.

Mặc dù, ông Lương được lãnh đạo Bệnh viện Phòng không – Không quân và Viện Điều dưỡng Bộ Nông nghiệp Việt Nam mời đến làm việc sau khi nghỉ hưu (1985) nhưng là người luôn nặng lòng với quê cha đất tổ, sau 15 năm rời xa nơi chôn rau cắt rốn, ông đã trở về quê hương, mang trong lòng tình yêu và sự nhiệt huyết của một người thầy thuốc, lên kế hoạch thực hiện tâm nguyện của mình những năm cuối đời với dự án: “Xây dựng vườn thuốc nam huyện Như Xuân”, một phần để làm nguyên liệu pha chế thuốc, một phần là để giữ gìn, bảo tồn những cây dược liệu quý đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên: “Buồn thay, khi nguồn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc... đã được chuẩn bị đầy đủ thì 3 năm sau, tôi nhận được câu trả lời về dự án của mình là không được chính quyền địa phương hỗ trợ thực hiện. Tâm nguyện của tôi phải dừng lại ở đó. Tôi rất buồn, rất tiếc!”. Được biết, năm 2016, UBND huyện Như Xuân có đề nghị ông thực hiện lại dự án, nhưng lúc này sức khỏe không cho phép ông leo lên những ngọn đồi để khảo sát thực tế nên mong muốn về một vườn dược liệu trên quê hương một lần nữa phải dừng lại trong tiếc nuối.

Năm nay, ông đã bước sang tuổi 85, nhiều người bạn của ông đã về với đất mẹ, có những người an hưởng tuổi già bên con cháu nhưng ông hằng ngày vẫn bận rộn với việc tư vấn, bốc thuốc chữa bệnh cho không chỉ người dân trong vùng mà còn từ các tỉnh, thành phố khác, như: Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An... Khắc sâu lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Vì thế, ông Lương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, cố gắng hết mình để không phụ lòng tin yêu, quý mến của người dân, luôn tận tụy cố gắng giúp đỡ nhiều bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo, hàng năm điều trị cho nhiều người khỏi bệnh, giúp đỡ nhiều bệnh nhân nghèo và gia đình chính sách. Ông Lê Đình Sơn trú tại xã Hóa Quỳ (Như Xuân) nhắc đến ông với sự biết ơn: “Tôi bị viêm xương khớp nhiều năm nay, dù đã đến điều trị tại bệnh viện nhiều lần nhưng bệnh không khỏi. Thậm chí bệnh ngày càng nặng hơn, có thời gian tôi không thể đi lại được, nhưng khi có người giới thiệu, tôi đã đến nhà ông Lương để mua thuốc. May mắn, hơn một năm nay tôi khỏe hơn nhiều, có thể đi lại và làm việc bình thường. Nếu không biết đến ông ấy, chắc giờ tôi phải nằm một chỗ”. Được biết, ngoài bệnh viêm xương khớp, nhiều bệnh nhân bị viêm gan, dạ dày, các bệnh về thận, thoái hóa xương... cũng đã được ông giúp đỡ và sức khỏe từng bước được cải thiện.

Không chỉ dồn hết tâm huyết để chữa bệnh cứu người, ông còn trăn trở trước nỗi lo thất truyền các bài thuốc và tình trạng khai thác tràn lan, vô tội vạ tới mức cạn kiệt nhiều cây thuốc quý tại địa phương cũng như nhiều địa phương trên cả nước, ông vừa chữa bệnh, vừa truyền nghề cho người con trai thứ Quách Thanh Huy. Đồng thời, ông đã vận động nhiều hộ dân trong xã trồng cây dược liệu để ông thu mua lại làm nguyên liệu chữa bệnh. Ngoài ra, ông cùng các con, cháu cải tạo hơn 4ha đất rừng, vườn tạp để trồng khoảng 1 triệu cây thuốc nam; trong đó, có nhiều loài quý, hiếm, như: Cây chè hoa vàng, ngũ gia bì, nho khái, gừng gió, bồ cốt toái... nhằm mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn, ứng dụng và phát triển bền vững cây thuốc, bài thuốc nam quý báu của dân tộc. Những trăn trở, tâm huyết của ông với nghề đã được ông ghi lại trên tấm bảng đặt trước hiên nhà: “Cây thuốc Việt Nam vô cùng quý giá... Phải bảo tồn và phát huy tinh hoa di sản văn hóa y, dược dân gian quý báu của dân tộc mình. Phải nâng lên một tầm cao bản lĩnh! Đừng để mất lòng tin vào sự nghiệp bảo tồn vốn quý trong y, dược cổ truyền dân gian Việt Nam. Nó phải đảm bảo tính trách nhiệm trước sức khỏe và tính mạng của người bệnh, trước khoa học pháp lý”.

Với những thành quả ông đã gây dựng trong những năm tháng cuối đời, năm 2016, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947 – 20-2-2017), ông vinh dự được tôn vinh là công dân kiểu mẫu.


Bài và ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]