(Baothanhhoa.vn) - Gắn bó nhiều năm, tự khi nào ông Thành đã yêu chiếc đò như chính những đứa con của mình. Với người đàn ông đã ở tuổi xế chiều này, mỗi chuyến đò không chỉ để mưu sinh mà còn để thỏa niềm đam mê từ đời ông cha truyền lại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người lái đò trên sông Mã

Gắn bó nhiều năm, tự khi nào ông Thành đã yêu chiếc đò như chính những đứa con của mình. Với người đàn ông đã ở tuổi xế chiều này, mỗi chuyến đò không chỉ để mưu sinh mà còn để thỏa niềm đam mê từ đời ông cha truyền lại.

Người lái đò trên sông Mã

Mỗi chuyến đò ngang như chở cả niềm vui, nỗi buồn của người lái đò sông Mã.

Gió lạnh thấm sâu vào không gian mênh mông nơi sông nước. Màn sương khói mờ ảo chẳng biết được thả xuống từ phía chân trời ngay trước mắt hay hắt lên từ mặt nước trải dài xa xăm. Chỉ biết, cả không gian rộng lớn tít tắp như vô tận là một màu trắng xám bàng bạc. Màu của mây trời hay màu của sóng nước như hòa lại làm một. Xa xa, bóng một con đò đang chậm rãi tiến về bến.

Theo hướng chiếc đò máy cập vào bến sông, tôi nghe thấy tiếng í ới gọi nhau của mấy cô, mấy chị đi đò. Tiếng bước chân vội vã từ con đường đất nhỏ nằm lọt thỏm giữa cánh đồng ngô xanh mướt cao quá đầu người. Cả tiếng xe máy rì rì cẩn thận tìm lối đi. Không còn không gian tĩnh lặng, trầm mặc đặc trưng của cảnh sông nước, tôi tiến lại gần rồi nhập theo đoàn người xuống bến, nhanh chóng bị cuốn theo đám người đi chợ đang cố tìm cho mình khoảng trống thuận tiện để xuống đò. Người ì ạch dắt xe hàng đầy ắp những chuối, cà chua rồi thì bắp cải, xu hào... Người lại gồng mình gánh rau, tay níu giữ vài bó cải đang sệ ra phía ngoài cho khỏi rơi xuống đất... Nhìn sang buồng lái, người chủ đò chẳng có vẻ gì vội vã, cứ thong thả cho khách ổn định vị trí rồi mới lên tiếng hỏi: “Mọi người đã xong cả chưa để ta xuất bến?”. Thế rồi tiếng máy nổ bình bịch từ từ rẽ nước và tiến thẳng về phía trước.

Người lái đò đưa chúng tôi qua sông là một người đàn ông tên Thành năm nay đã gần 70 tuổi có nước da rám nắng khỏe mạnh. Đôi bàn tay gân guốc bám đầy dầu mỡ nắm chặt chiếc cần lái và chăm chú điều chỉnh hướng cho chiếc đò. Vẻ mặt trầm ngâm, đôi lúc ông Thành lại quay sang góp một vài câu chuyện với những người khách đi đò. Tiếng máy, tiếng cười nói, tiếng hỏi han nhau về mớ cá, mớ tôm phiên chợ sáng nay đắt hay rẻ so với những phiên chợ trước làm xóa tan không gian tĩnh lặng của buổi trưa nơi miền sông nước.

Trải lòng với chúng tôi về nghề, đôi mắt ông lái đò xa xăm nhìn về khoảng không rộng mở phía trước. Con đò là phương tiện mưu sinh đã 3 đời gắn liền với gia đình ông. Ngay từ nhỏ, ông Thành đã theo ông nội lênh đênh trên những chuyến đò đưa khách sang sông. Rồi thì khi ông nội già yếu, bố ông lại là người “kế thừa” con đò gỗ mộc mạc ấy. Đến đời ông, con đò cũng trở thành người bạn gắn bó những ngày mưa nắng vất vả để mưu sinh.

Ngày đó, gọi là đò nhưng thực chất chỉ như một chiếc thuyền chèo bằng tay chở được năm, bảy người. Chiếc đò gỗ cũ kỹ là vậy nhưng họa hoằn lắm mới ngơi nghỉ vào ngày bão lớn. Mùa bão, nước lũ dâng cao, con sông Mã khi bình thường hiền hòa là thế, vậy nhưng vào những ngày này, nước chảy mạnh, dưới lòng sông nhiều vũng xoáy, cộng với gió giật mạnh khiến đò cứ chòng chành. Có hôm đang ở đoạn giữa sông, gió to làm con đò nghiêng ngả, ai cũng nháo nhào hốt hoảng. Rồi những lần mưa lớn bất thường, con đò của ông phải đi ngược dòng nước, cách điểm xuất phát cả mấy trăm mét, sau đó mới lựa hướng gió cho thuyền trôi theo dòng, khéo léo cập bờ bên kia. Những hôm đó về nhà hai vai và cánh tay nhức mỏi cả đêm.

Bây giờ, đò đã chạy bằng máy, việc lái đò vừa nhanh vừa đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, khách đò lại mỗi ngày mỗi ít, một phần vì phương tiện đi lại thuận lợi hơn trước, người dân di chuyển từ vùng này sang vùng khác dọc khu vực sông Mã không nhất thiết phải chọn đường sông, phần khác lượng người đi chợ Chùa Gia cũng không còn nhiều. Mỗi ngày, chiếc đò này phải chạy đi chạy lại hàng chục chuyến nhưng mỗi chuyến cũng chỉ có vài ba người khách nên thu nhập chẳng đáng là bao.

“Bến đò Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) xưa kia là nơi đưa những người dân đi ngược về xuôi, nhất là những người dân buôn bán từ khắp nơi đến chợ Chùa Gia để mua nông sản, hàng hóa. Và “người làng Giàng” là những người đi nhiều nhất trên những chuyến đò này. Trước đây, cả một vùng rộng lớn gồm mấy xã của 2 huyện Thiệu Hóa và Hoằng Hóa chỉ có mình chợ Chùa Gia là nơi giao thương lớn nên mỗi phiên chợ, lượng người qua lại rất đông. Bến đò trở thành nơi nhộn nhịp, tấp nập của từng tốp người chở hàng chờ đò sang sông. Những buổi ấy đông vui nhộn nhịp lắm. Cũng nhờ đó, gia đình tôi cũng có thêm con cá, đĩa thịt cho bữa cơm trong nhà”, ông Thành hồi tưởng.

Gắn bó nhiều năm, tự khi nào ông Thành đã yêu chiếc đò như chính những đứa con của mình. Với người đàn ông đã ở tuổi xế chiều này, mỗi chuyến đò không chỉ là nghề mưu sinh mà đó còn là một niềm đam mê từ ông cha truyền lại. “Ngày còn trẻ, nhiều lần tôi thấy nản chí bởi nghề sông nước luôn tiềm ẩn những rủi ro và cả áp lực phải đảm bảo an toàn sinh mạng cho hành khách trên mỗi chuyến đò, có những lúc cảm thấy căng thẳng đến nghẹt thở. Nhưng rồi, làm nghề lâu năm có thêm kinh nghiệm, hiểu rõ hơn về con sông này, tôi thấy gắn bó và yêu công việc chở khách qua sông đến lạ”.

Tâm sự về chuyện nghề, ông Thành không giấu nổi niềm xúc động: Nhớ lại những năm chiến tranh, tôi đã không ít lần bất chấp đêm đông, giá lạnh để đưa các anh bộ đội qua sông cũng như những người lính khi họ từ chiến trường xa trở về thăm gia đình. Nguy hiểm rình rập nhưng được góp sức mình cho việc lớn và thấy nụ cười hạnh phúc đoàn tụ thì với những người lái đò như chúng tôi cũng chẳng quản ngại gì cả.

Tuổi đã cao, khách cũng ngày một ít, có nhiều người khuyên ông Thành nghỉ nghề để an dưỡng tuổi già nhưng người đàn ông này vẫn không nỡ rời bỏ con đò nơi bến sông thân thuộc. Với ông, dòng sông, những con sóng nhỏ và cả những vị khách quen khách lạ nơi bến đò nhỏ đã trở thành một phần của cuộc sống bình dị. Như đáp lại câu chào tạm biệt của chúng tôi, giọng nói của người lái đò già lại trở nên da diết hơn: “Tôi sẽ chẳng thể bỏ đò đâu, chỉ khi nào sức lực cạn kiệt không cho phép làm việc nữa thì tôi mới nghỉ làm chứ giờ này vẫn còn khỏe, tôi vẫn ngày ngày ra sông vui với những chuyến đò, với sông nước”.

Và tôi hiểu thêm về lòng yêu nghề, yêu đò, yêu con sông quê hương của ông lái đò sông Mã qua ánh mắt thâm trầm và giọng nói trầm lặng khi giãi bày về những tháng ngày mưu sinh nơi bến nước.

Bài và ảnh: Thu Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]