(Baothanhhoa.vn) - Đan mành thanh hao, khâu bóng, mây giang xiên không phải nghề sản xuất truyền thống của xã Tân Thọ (Nông Cống) nhưng lại là nghề phát triển tương đối mạnh trên địa bàn xã và đang giải quyết việc làm cho 340 lao động nông nhàn, trong đó có nhiều lao động nữ khuyết tật. Thành công ấy luôn có sự nỗ lực của nhiều chị em xã viên, sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền, tổ chức hội các cấp và đặc biệt là ý chí, nghị lực của xã viên tích cực Nguyễn Thị Thắm, nay là giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người đưa nghề về quê

Đan mành thanh hao, khâu bóng, mây giang xiên không phải nghề sản xuất truyền thống của xã Tân Thọ (Nông Cống) nhưng lại là nghề phát triển tương đối mạnh trên địa bàn xã và đang giải quyết việc làm cho 340 lao động nông nhàn, trong đó có nhiều lao động nữ khuyết tật. Thành công ấy luôn có sự nỗ lực của nhiều chị em xã viên, sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền, tổ chức hội các cấp và đặc biệt là ý chí, nghị lực của xã viên tích cực Nguyễn Thị Thắm, nay là giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ.

Người đưa nghề về quê

Nhiều lao động nông nhàn được giải quyết việc làm, tăng thu nhập tại HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, huyện Nông Cống.

Từ xã viên tích cực...

Như bao hội viên, phụ nữ khác ở quê nghèo, chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Phú Quý, xã Tân Thọ đang làm nghề may gia công tại nhà đã tham gia lớp học nghề thủ công thuộc Dự án “Nâng cao quyền tự chủ cho phụ nữ Thanh Hóa thông qua việc sản xuất hàng thủ công” do Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa triển khai. Khá bỡ ngỡ với kiến thức, công việc đan lát các sản phẩm gia dụng từ nguyên liệu mây giang xiên, cây thanh hao hoa vàng, nhưng chị lại rất có duyên với nghề. Ngay trong quá trình học nghề, chị Thắm tiếp thu nhanh và được bầu làm “hoa tiêu” (tổ trưởng tổ học nghề) do hội LHPN xã thành lập nhằm thu gom các sản phẩm của chị em trong tổ nhập về một đầu mối để tiêu thụ. Tuy ban đầu gặp nhiều khó khăn về mẫu mã, đầu ra sản phẩm... nhưng những năm 2006-2007, nghề đan mành thanh hao hoa vàng, mây giang xiên được coi là nghề “hót” ở xã Tân Thọ vì mỗi ngày nếu chịu khó lúc rảnh rỗi, chị em ngồi đan cũng được vài chục ngàn đồng. Nắm bắt được nhu cầu đời sống của hội viên, phụ nữ cần có việc làm lúc nông nhàn để vừa sản xuất tại gia đình mà không phải “ly hương, ly nông”, vừa có thời gian chăm sóc con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình, chị Thắm đã cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp thu các kiến thức học được để làm nghề và hướng dẫn cho các thành viên khác. Lâu dần, chị Thắm quen việc, có tay nghề và luôn là người dẫn dắt nhiều chị em trong tổ học làm nghề có kỹ thuật thẩm mỹ hơn. Tuy có thời điểm đầu ra sản phẩm không ổn định, chị Thắm muốn bỏ nghề đan lát nhưng nhiều đêm trăn trở suy nghĩ: Nếu không làm “hoa tiêu” nữa, rất nhiều chị em sẽ mất việc, nghề mới nhân cấy về quê không còn, nhiều hộ sẽ càng khó khăn hơn. Nghĩ vậy, chị Thắm đã bỏ nghề may để chuyên sâu vào làm nghề đan lát thủ công và được tổ chức hội các cấp động viên, tạo mọi điều kiện cho chị phát huy năng lực.

Năm 2010, Hội LHPN xã Tân Thọ tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành lập HTX thủ công mỹ nghệ trồng mây và chế biến nguyên liệu xã Tân Thọ, thu hút 102 thành viên tham gia góp vốn 60 triệu đồng. Cô “hoa tiêu” Nguyễn Thị Thắm được bầu làm chủ nhiệm HTX. Từ đây, vai trò, trách nhiệm của chị cao hơn, chị Thắm luôn đặt cho mình mục tiêu phải xây dựng, phát triển HTX lớn hơn để nâng cao thu nhập cho các xã viên bằng các sản phẩm giỏ tích, hàng rào, khay... được làm bằng nguyên liệu mây giang xiên, cây thanh hao. Nghề duy trì được nhiều năm nên đời sống xã viên ngày càng được ổn định, tay nghề cũng được nâng lên. Diện mạo nông thôn trên mảnh đất nghèo khó ngày càng được thay đổi theo chiều hướng tích cực.

... đến giám đốc HTX

Thực hiện Luật HTX kiểu mới, HTX thủ công mỹ nghệ trồng mây và chế biến nguyên liệu xã Tân Thọ đổi tên thành HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ với 7 thành viên tham gia góp vốn đạt 2 tỷ đồng, chị Thắm giữ vai trò giám đốc. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chính những khó khăn trên thị trường đã giúp chị có thêm kiến thức để vận dụng vào nghề và trở thành “thủ lĩnh” nhân cấy, phát triển nghề ở làng quê. Từ một đơn vị phụ thuộc vào đối tác, thiếu sự chủ động, đến nay, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã hoàn toàn chủ động lựa chọn được đối tác có năng lực và tiềm năng về kinh tế. Sản phẩm của HTX được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, như: Mây song xiên, xiên giỏ tích, xiên giỏ rượu mây, lồng úp xuất khẩu, đan hàng rào nứa, hàng rào guột, hàng rào thanh hao và các loại mặt hàng bằng cói xiên, khay đựng... trong đó, nhiều sản phẩm chủ yếu nhập cho các công ty xuất khẩu thị trường các nước châu Á, châu Âu.

Nhiều lần đến thăm HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, chúng tôi chứng kiến chị em lao động rất nhịp nhàng, ấm cúng, đông vui. Không những tạo việc làm cho lao động trong xã mà HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ còn tạo việc làm cho một số lao động của các xã lân cận, như: Tân Phúc, Tân Khang, Trung Chính, Vạn Hòa (Nông Cống); Quảng Long, Quảng Yên (Quảng Xương) với mức thu nhập 80 đến 200 ngàn đồng/ngày trở lên (tùy theo từng lao động). Ít ai biết, những sản phẩm làm ra từ nguyên liệu thân thiện với môi trường được xuất bán trong và ngoài nước còn được làm nên từ những người khuyết tật. Hiện lao động khuyết tật chiếm 1/4 tổng số lao động của HTX.

Bà Lê Thị Dung, thành viên HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ cho biết: Làm ở đây lúc nông nhàn, công việc và thu nhập ổn định, những người khuyết tật cũng được HTX nhận dạy nghề và tạo việc làm ổn định như những người bình thường.

Cùng với phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, mới đây, chị Thắm còn mở thêm xưởng may công nghiệp và đấu mối với một số công ty may hàng xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ăng-gô-la... tạo việc làm cho trên 30 lao động trẻ, góp phần tăng thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Hiệu quả hoạt động của HTX đã góp phần thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ, giảm nghèo ở địa phương. Từ xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% năm 2010 giảm xuống còn dưới 10% năm 2019; 86 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ năm 2010 giảm xuống còn 10 hộ năm 2019. Lợi nhuận của HTX bình quân đạt 150 triệu đồng/năm.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]