(Baothanhhoa.vn) - Huyện Mường Lát, mảnh đất cực Tây của tỉnh với núi non hùng vĩ. Nơi ấy, ông Lâu Minh Pó, người dân tộc Mông, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát được nhiều người ví như “ngọn đuốc” giữa đại ngàn, bởi ông đã có những việc làm thiết thực, ý nghĩa vì cuộc sống tốt đẹp của bản làng vùng cao...

”Ngọn đuốc” soi đường cho đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát

Huyện Mường Lát, mảnh đất cực Tây của tỉnh với núi non hùng vĩ. Nơi ấy, ông Lâu Minh Pó, người dân tộc Mông, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát được nhiều người ví như “ngọn đuốc” giữa đại ngàn, bởi ông đã có những việc làm thiết thực, ý nghĩa vì cuộc sống tốt đẹp của bản làng vùng cao...

”Ngọn đuốc” soi đường cho đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát

Đồng bào dân tộc Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát vui vẻ thu hoạch lúa.

Tiên phong diệt “giặc” dốt

Đón chúng tôi trước cổng nhà, bằng cái bắt tay nồng ấm và nụ cười nhân hậu, chẳng ai nghĩ rằng người đàn ông chân chất trước mặt từng là một lãnh đạo chủ chốt của huyện. Ông có dáng người thấp đậm, gương mặt hiền lành, phúc hậu, nhưng ánh mắt lại như xoáy vào người đối diện. Rót chén trà mời khách, ông Pó kéo chúng tôi về những ngày đã cũ.

Ông sinh ra và lớn lên ở bản Pha Đén, nơi có độ cao gần 1.500m so với mặt nước biển, là bản cao nhất ở xã Pù Nhi, và cũng là “nóc nhà” của cả tỉnh. Cuộc sống của người dân nơi đây chỉ quanh quẩn nơi bản làng với cây ngô, cây sắn, ít có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài và các dân tộc khác. Suốt hơn 10 năm đầu đời, ông Pó không biết bên ngoài những lớp núi bao quanh bản mình có gì. Thế giới của cậu bé dân tộc Mông khi đó là nơm nớp trong nỗi sợ đói ăn, sợ mất mạng vì súng đạn của thổ phỉ. Cho đến những năm 60, các lớp học tiếng phổ thông cho học sinh ở các bản người Mông được mở. Các thầy giáo miền xuôi xuyên rừng vào từng bản thuyết phục phụ huynh cho con cái đi học, mở đầu cho phong trào “vận động trẻ dân tộc thiểu số đến trường”. Bốn năm tiểu học rút còn hai, nhưng các gia đình người Mông ở Mường Lát còn e ngại, không chỉ bởi đường sá hiểm trở xa xôi, mà mỗi đứa trẻ còn là một lao động. Ông Pó may mắn có người cha có tư tưởng tiến bộ nên được cho đi học.

Năm 1963, Trường Phổ thông cơ sở cấp 1+2 thành lập ở trung tâm xã Pù Nhi, Lâu Minh Pó trở thành thế hệ học sinh đầu tiên của trường cùng 5 người bạn khác. Dù muốn đi theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ nhưng lời thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Trạc đã thức tỉnh chàng thanh niên trẻ: “Pù Nhi còn nghèo, người Mông cần ánh sáng của tri thức, các em phải tiếp tục đi học lấy kiến thức về thay thầy truyền dạy cho dân bản”. Năm 1978, ông Pó cùng những người bạn tiếp tục “xé” rừng xuống Trường Sư phạm 7+2 ở huyện Cẩm Thủy đi học.

”Ngọn đuốc” soi đường cho đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát

Ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát.

Cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, cậu học trò người Mông trở về thực hiện lời dặn của thầy giáo, công tác trong ngành giáo dục huyện Mường Lát suốt 17 năm. Sau đó, theo sự phân công của Đảng, ông Lâu Minh Pó được điều động, luân chuyển và làm ở các vị trí: Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát. Năm 2014, ông giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát, đến năm 2021 về hưu theo chế độ.

Khi ông Lâu Minh Pó và những người đàn ông khác sớm thành danh trên con đường học tập, trong cộng đồng của họ và xã hội nói chung, việc “đến trường” dường như vẫn là một đặc quyền của nam giới. Với ông Pó thì không, ông kiên quyết bắt Lâu Thị Cơ, con gái đầu và Lâu Thị Tông, cháu gái phải đi học. Ông Pó thấu hiểu sự thiệt thòi nếu thiếu cái chữ. Chỉ có học, có cái chữ trong đầu, dạ sáng ra, cuộc sống mới tốt hơn, mới giúp được người khác. Đúng 20 năm sau hành trình vượt núi xuống trường của ông Pó, năm 1998, con gái và cháu gái ông cũng bước trên chính con đường này. Mường Lát khi ấy đã có đường đất, đi lại được một mùa, nhưng ngựa, xe không có, 2 cô bé người Mông vẫn cuốc bộ suốt 7 ngày mới đến được trường. 2 chị em Cơ trở thành những người phụ nữ người Mông đầu tiên ở Mường Lát học hết lớp 9, đồng thời cũng là những nữ giáo viên người Mông đầu tiên của huyện.

Xây dựng nếp sống mới

Gần 30 năm công tác ở nhiều cương vị khác nhau, ông Pó luôn phát huy cao tinh thần, trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên, hết lòng vì lợi ích của đồng bào; cùng tập thể lãnh đạo đơn vị tìm các giải pháp khắc phục khó khăn, giúp đồng bào xóa bỏ hủ tục, giảm đói nghèo bền vững, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự xã hội ở địa phương.

Người Mông ở Mường Lát vốn dĩ di cư từ phía Bắc xuống, phong tục, tập quán của người Mông thường di cư nên cuộc sống thiếu ổn định, dẫn tới nhiều hệ luỵ. Theo lời ông Pó, trước kia mỗi khi có một người trong bản khuất núi, thi thể được người thân đặt lên cáng tre rồi treo lên vách nhà để cúng bái đến 7 ngày, thậm chí cả chục ngày trước khi đem chôn cất. Những ngày nắng, thi thể người quá cố thối rữa, bốc mùi. Cùng với đó, mỗi người con của người quá cố phải làm thịt một con trâu hoặc bò để đưa tiễn linh hồn bố/mẹ về nơi chín suối. Họ quan niệm, càng nhiều của cải thì càng thể hiện lòng hiếu thảo với người chết. Mỗi lễ tang như vậy không chỉ mất vệ sinh mà còn trở thành gánh nặng kinh tế cho các gia đình, trong khi hầu hết người Mông còn rất nghèo.

Để thuyết phục đồng bào thay đổi hủ tục đeo bám từ bao đời, ông Pó tiên phong làm gương. Bắt đầu từ đám tang của người chú ruột Lâu Chứ Dơ, ông thuyết phục mọi người đóng quan tài khâm liệm trước khi làm tang ma; không mổ nhiều trâu, bò mà chỉ giết thịt một con lợn khoảng 80 kg với dăm con gà để làm lễ cúng cho chú... Sau đó, ông cho họp các trưởng họ để nói chuyện, lấy câu chuyện đám tang chú ruột ra để làm gương. Trước lý lẽ thuyết phục của ông, có 3 dòng họ ủng hộ để làm theo; 5 người Mông sau đó qua đời cũng được đưa vào quan tài, nhưng vẫn còn nhiều người bảo thủ chưa chịu nghe theo.

”Ngọn đuốc” soi đường cho đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát

Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa ban hành Đề án “Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào H,Mông”. Theo đề án này, mỗi gia đình có người chết sẽ được chính quyền hỗ trợ 8 triệu đồng, gồm 5 triệu đồng mua quan tài, 3 triệu đồng tổ chức đám tang. Được chính quyền ủng hộ, với tiếng nói uy tín của mình, ông Pó tiếp tục vận động, tuyên truyền trên diện rộng. “Mưa dầm thấm sâu”, lại thấy đám tang kiểu mới sạch sẽ, tiết kiệm, dần dà bà con cũng hưởng ứng.

Cùng với việc vận động đưa người chết vào quan tài, ông Pó cũng tích cực tuyên truyền đồng bào đến trạm xá khám, chữa bệnh khi đau ốm. Theo ông, từ xa xưa, cha ông họ đã luôn tin rằng bệnh tật là do con ma rừng gây ra. Mỗi khi trong nhà có người đau ốm, người Mông thường chạy đi mời thầy cúng về nhà. Cho mãi đến sau này, dù đã có trạm xá nhưng dân làng vẫn không đến khám, chữa bệnh mà chỉ tin vào thầy cúng của làng. Trong khi đó, mỗi khi thầy cúng xuất hiện, tùy vào bệnh nặng hay nhẹ mà gia chủ phải mổ trâu, bò, lợn, gà để làm lễ tế. Đối với những hộ nghèo, không có tiền phải đi vay mượn để mua đồ cúng rất tốn kém. Nhìn thấy dân làng cứ mãi chìm đắm trong mê tín dị đoan, chẳng thoát nổi đói nghèo, ông Pó không đành lòng. Ông lại cùng những cán bộ địa phương trường kỳ thuyết phục bằng những ví dụ, dẫn chứng cụ thể từ bản thân và gia đình mình. Cuộc chiến đưa con “ma rừng” ra ánh sáng có lẽ sẽ còn kéo dài, nhưng ít nhất người Mông hôm nay đã tin vào khoa học, vào y khoa, vào thứ thuốc “xa lạ” của tây y để rồi dần bước qua những hủ tục, tập quán lạc hậu.

Khi trở về sống giữa bản làng, ông Pó hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Ông thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, truyền đạt kinh nghiệm cho từng gia đình trong bản khắc phục khó khăn để tìm hướng làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững. Ông khuyến khích người dân tìm hiểu, thử nghiệm những giống cây có thể thay thế cây ngô, sắn. Thời điểm này, cán bộ huyện, xã cũng liên tục phát động mô hình trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp như keo, gai xanh... Đi đâu, gặp ai ông cũng động viên bà con hãy thay đổi nhận thức, sinh đẻ có kế hoạch để làm kinh tế. Ông nghĩ rằng “chỉ khi sinh đẻ có kế hoạch, cuộc sống mới bớt khó khăn, ít miệng ăn hơn thì cái bụng mới không lo đói”. Nhờ thế, đời sống và kinh tế của nhiều hộ gia đình trong làng, bản có nhiều khởi sắc.

Giữa đại ngàn hùng vĩ, hình ảnh người đàn ông dân tộc Mông như Lâu Minh Pó luôn là “ngọn đuốc” soi đường cho đồng bào dân tộc Mông, đặc biệt là thế hệ trẻ noi theo. Và như một mạch nguồn chảy mãi, những đứa trẻ người Mông sẽ vượt qua cái đói, cái nghèo để đến với con chữ. Mường Lát bây giờ đã có trường học từ mầm non đến THCS, 99% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường, đến lớp. Đi học, có kiến thức, người Mông ở Mường Lát lại bảo nhau khai hoang ruộng bậc thang, làm lúa nước. Họ cùng nhau xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để từng bước thoát khỏi đói nghèo, xây dựng quê hương Mường Lát từng ngày đổi mới.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]