(Baothanhhoa.vn) - Với chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa xác định không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tình cảm lớn lao, đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc với những người đã cống hiến vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người có công

Với chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa xác định không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tình cảm lớn lao, đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc với những người đã cống hiến vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người có công

Tiết mục văn nghệ làm sống dậy ký ức, kỷ niệm về một thời oanh liệt, hào hùng trong mỗi người lính từng vào sinh, ra tử nơi chiến trường.

Căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ chính trị được giao, ngay từ đầu năm 2022, trung tâm đã tổ chức quán triệt các văn bản của cấp trên. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, phát động các phong trào thi đua như: “Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, “Xây dựng cơ quan xanh - sạch - đẹp” nhằm tạo môi trường thân thiện, văn minh và phục vụ tốt người có công với cách mạng. Đồng thời, chủ động phối hợp với phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch điều dưỡng tập trung.

Tính đến ngày 10-7, trung tâm đã tổ chức được 17 đợt điều dưỡng cho người có công, với tổng số đối tượng là 1.855 người. Các nội dung hoạt động chương trình điều dưỡng ngày càng được đổi mới, đa dạng, phong phú, lồng ghép, sắp xếp hợp lý, đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần, giúp người có công về điều dưỡng sức khỏe được nâng lên, tự tin, vui vẻ, thoải mái, yên tâm điều dưỡng. Chế độ đối với người có công được hưởng trong thời gian điều dưỡng được công khai rõ ràng, thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.

Tỏ rõ niềm phấn khởi khi kết thúc bài hát “Hát mãi khúc quân hành”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” tại buổi giao lưu văn nghệ ở Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa, thương binh Hoàng Tiến Ái chia sẻ: “Đây là lần thứ 8 tôi đi điều dưỡng. Mỗi lần đến trung tâm, tôi đều cảm nhận được sự đổi thay từ cơ sở vật chất, chế độ đến cách ứng xử của cán bộ, nhân viên nơi đây. Nơi ăn, ở, khu sinh hoạt chung, khu tập luyện phục hồi chức năng được bố trí hợp lý, quy củ. Phòng ốc và môi trường đều sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi, thường xuyên được nhân viên quét dọn, lau chùi. Về chế độ ăn 3 bữa/ngày, 2 bữa chính có ít nhất 6 món, được nhà bếp chế biến thực đơn đa dạng, không trùng nhau, vừa bảo đảm độ tươi sống, vừa bảo đảm ngon miệng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Những người phải ăn kiêng được lựa chọn những thực phẩm thay thế phù hợp, đủ chất lượng dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe”.

Với thương binh 4/4 Vũ Ngọc Lam, ở khu 2, phường Ba Đình (Bỉm Sơn) từng có 3 lần đi điều dưỡng, nhưng đây là lần đầu tiên đến với trung tâm. Cảm nhận của bác Lam là không khí gần gũi, thân mật. Đội ngũ cán bộ, nhân viên đón tiếp niềm nở, chu đáo. Từ giám đốc đến người phục vụ luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đối tượng để nắm bắt, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong ăn uống, sinh hoạt, phục hồi chức năng. Trong thời gian điều dưỡng tập trung chỉ có 5 ngày, ngoài việc thăm khám sức khỏe, cấp phát thuốc theo bệnh lý từng đối tượng, phục vụ các bữa ăn, trị liệu thì việc quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần bằng các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tham quan được các thành viên trong đoàn đánh giá rất cao. “Chúng tôi rất ấn tượng với buổi giao lưu văn nghệ khi mà các thành viên từ giám đốc đến nhân viên trung tâm cùng hòa chung với các thương, bệnh binh cất lên những lời ca, tiếng hát. Lời những bài hát, vần thơ đi cùng năm tháng làm sống dậy ký ức, kỷ niệm một thời hào hùng, oanh liệt trong mỗi người lính, tạo bầu không khí vui tươi, ấm áp tình người, tình đồng chí, đồng đội” - bác Lam bộc bạch.

Chiến tranh đã lùi xa, đối tượng người có công qua từng năm tháng tuổi cao, sức khỏe yếu, mang trong mình thương tật, thường xuyên tái phát vết thương và các bệnh lý tuổi già. Tri ân với các thế hệ cha anh đi trước chính là đạo lý, truyền thống của dân tộc được Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa luôn khắc ghi để thực hiện tốt nhiệm vụ. Ông Trịnh Hữu Công, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa, chia sẻ: Kết thúc mỗi đợt điều dưỡng, trung tâm luôn nhận được những phản hồi tích cực, được nhiều người có công ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng chăm sóc, tinh thần thái độ phục vụ. Hơn thế, sau mỗi đợt điều dưỡng, sức khỏe, tuổi thọ của người có công được tăng lên, giảm bớt bệnh tật, thể hiện rõ sự vui vẻ, phấn chấn... Đó chính là động lực để tập thể cán bộ, viên chức, người lao động trung tâm phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tiếp tục xem người có công như ông bà, cha mẹ mình, tận tâm chăm sóc, phục vụ để mỗi đợt người có công về điều dưỡng như được trở về chính ngôi nhà của mình, vơi bớt những nỗi đau thể xác, tinh thần phấn chấn hơn, từ đó vươn lên sống vui, sống khỏe, sống có ích, trở thành điểm tựa tinh thần cho con cháu và thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]