(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối của năm cũ, khi phố phường tấp nập và chộn rộn đón chào năm mới, cũng là thời điểm còn nhiều người đang mải miết chạy đua với thời gian, vất vả mưu sinh, mong có thêm thu nhập, chuẩn bị cho gia đình một cái tết tươm tất...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưu sinh những ngày cuối năm

Những ngày cuối của năm cũ, khi phố phường tấp nập và chộn rộn đón chào năm mới, cũng là thời điểm còn nhiều người đang mải miết chạy đua với thời gian, vất vả mưu sinh, mong có thêm thu nhập, chuẩn bị cho gia đình một cái tết tươm tất...

Mưu sinh những ngày cuối năm

Chị Lê Thị Dung đang lau, dọn nhà cho một hộ gia đình tại phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa).

Cuối tháng Chạp, trời mưa lất phất kèm theo rét đậm nhưng đều đặn 6 giờ 30 phút, chị Lê Thị Dung, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) lại rời nhà để bắt đầu công việc. Vốn là người cẩn thận, tỉ mỉ và sạch sẽ nên “tiếng lành đồn xa” những năm gần đây, nhất là dịp cuối năm, nhiều gia đình trên địa bàn TP Thanh Hóa đã liên hệ, thuê chị Dung dọn nhà. Chị Dung cho biết: “Tôi làm nghề tự do nên thu nhập không ổn định. Vì vậy, ngoài việc bán hàng thuê, tôi còn nhận thêm dịch vụ dọn dẹp nhà cửa cho khách hàng. Ban đầu, chỉ là những hộ quen, về sau có số điện thoại và được giới thiệu nên ngày càng có nhiều khách hàng gọi. Dịp cuối năm, nhất là từ 15 tháng Chạp, nhu cầu lau dọn nhà cửa của người dân rất nhiều. Có những ngày tôi lau dọn 3 - 4 ca, tận 10 giờ đêm mới trở về nhà. Tuy vất vả nhưng đây là dịp kiếm thêm thu nhập để trang trải chi phí cho những ngày Tết Nguyên đán và ra Giêng, khi không có việc làm”.

Thời điểm cuối năm nhu cầu dọn nhà hộ và giúp việc theo giờ của người dân trên địa bàn TP Thanh Hóa tăng cao nên lực lượng lao động nông thôn, lao động tự do nhận và làm nghề rất nhiều. Tuy nhiên, theo chị Dung chia sẻ: “Làm nghề dọn nhà thu nhập tương đối, ngày thường từ 200 - 300 nghìn đồng/nhà. Những ngày cuối năm giá dịch vụ dọn dẹp thường cao hơn so với ngày thường, nhà 2 - 3 tầng, giá trung bình từ 400 - 500 nghìn đồng/nhà, còn đối với nhà 4 - 5 tầng, nhiều đồ dùng và mới xây thì giá còn cao hơn. Tuy nhiên, công việc cũng khá vất vả, cực nhọc, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, phải di chuyển nhiều nơi, nhiều chỗ trong ngày. Thời gian làm việc không chỉ một vài tiếng, ngày giáp tết để kịp cho khách cúng tất niên, có hôm tôi phải làm việc cật lực từ 7 giờ sáng đến 11 – 12 giờ đêm mới được nghỉ. Song, không phải ai cũng hiểu được nỗi vất vả để chia sẻ, nhiều chủ nhà cẩn thận, kỹ tính, họ luôn soi mói đủ điều, thậm chí làm xong ngày hôm trước, hôm sau lại gọi đến làm lại”.

Từ tháng 11 âm lịch, tranh thủ những ngày nông nhàn, với chiếc xe đạp cũ và đôi sọt, anh Nguyễn Văn Sáu, phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) lại rong ruổi khắp các phố phường để bán hoa quả. Khi thì những loại hoa quả “quê”, như: chuối, ổi, đu đủ... thu mua của các hộ gần nhà. Khi thì thêm những loại hoa quả khác, như: vú sữa, bưởi da xanh, cam đường Canh... Anh Sáu cho biết: “Thường ngày tôi đều dậy từ 4 - 5 giờ sáng, đi xe máy xuống chợ Đầu mối rau, quả thực phẩm Đông Hương để lựa chọn, mua hoa quả chuẩn bị cho ngày buôn bán. Tôi thường gửi xe máy tại chợ, dùng xe đạp chở hàng đi khắp các phố, vừa thuận lợi cho việc bán hàng, vừa tiết kiệm chi phí. Trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 30 - 50kg hoa quả các loại, thu nhập khoảng 200 - 300 nghìn đồng. Đây là nguồn thu đáng kể để chi phí cho ngày tết, nhất là ở thời điểm dịch COVID-19 khó khăn về công việc”.

Dạo quanh một vòng ở những tuyến phố chính, như: Lê Hoàn, Lê Lợi, Phan Chu Trinh, Nguyễn Trãi..., thị trường hoa, cây cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang nóng lên. Hàng trăm lao động tự do trong đó, đa phần làm nghề xe ôm, cửu vạn... đã được tạo thêm cơ hội gia tăng thu nhập. Ông Cao Văn Được, xe ôm khu vực chợ Tây Thành, phường Tân Sơn, cho biết: “Năm nào cũng vậy, khi hoa, cây cảnh về nhiều, thay vì đợi khách thuê chở, chúng tôi chuyển sang nhận vận chuyển hoa, cây cảnh cho khách. Tuy vất vả hơn nhưng ngày nào cũng có việc làm, nếu chịu khó thì cũng kiếm được 500 nghìn đồng/ngày. Đây là mức thu nhập khá lý tưởng, nhất là sau thời gian dài nghỉ do dịch nên đa phần đều phải cố gắng kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, sinh hoạt”.

Quanh năm bộn bề với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với những người lao động nghèo, những ngày giáp tết không phải là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi mà là khoảng “thời gian vàng” để họ kiếm tiền “lo” cho ngày tết và sinh hoạt sau tết. Trên các tuyến đường, dễ dàng bắt gặp những đôi quang gánh, những chiếc xe đạp cũ kỹ, những gương mặt lấm tấm mồ hôi trong ngày giá rét... đang mải miết mưu sinh. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, nghề nghiệp khác nhau nhưng đều đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để “góp nhặt”, tăng thêm thu nhập với mong ước mang đến cho gia đình một cái tết tươm tất hơn. Càng cận tết, bước chân của những người lao động trên nẻo đường mưu sinh dường như càng hối hả. Nhưng, ai cũng vui bởi sức lao động của họ không chỉ mang lại cái tết đủ đầy cho gia đình, người thân mà còn góp một phần nhỏ mang đến “mùa xuân” cho xã hội.

Bài và ảnh: Thanh Hòa


Bài và ảnh: Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]