(Baothanhhoa.vn) - Nếu đã là phong tục đẹp thì sẽ được gìn giữ. Và tôi tin, phong tục mừng tuổi đầu xuân cũng vậy, vì mỗi phong bao lì xì được trao là một lời chúc tốt đẹp được gửi gắm, để ai ai cũng có một khởi đầu năm mới thêm phần vẹn tròn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mừng tuổi đầu xuân: Khi phong tục cũng có “mệnh giá”

Nếu đã là phong tục đẹp thì sẽ được gìn giữ. Và tôi tin, phong tục mừng tuổi đầu xuân cũng vậy, vì mỗi phong bao lì xì được trao là một lời chúc tốt đẹp được gửi gắm, để ai ai cũng có một khởi đầu năm mới thêm phần vẹn tròn.

Tục mừng tuổi đầu xuân không biết đã xuất hiện ở nước ta từ bao giờ. Tuy nhiên, từ nhiều đời nay, hành động này đã trở thành một trong những phong tục đẹp, một nét văn hóa tiêu biểu trong đời sống người dân Việt Nam.

Mừng tuổi đầu xuân: Khi phong tục cũng có “mệnh giá”

Mừng tuổi đầu xuân là một trong những phong tục, một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam (Ảnh minh họa - Nguồn: Thời báo Tài chính).

Thời khắc giao thừa đến, những phong bao lì xì đỏ bắt đầu được trao đi. Người lớn tuổi trong gia đình thường mừng tuổi cho con, cháu kèm lời chúc hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang... Ngược lại, con cháu cũng chuẩn bị phong bao lì xì biếu ông bà, cha mẹ với mong muốn cầu cho ông bà, cha mẹ năm mới sức khỏe dồi dào, bình an, trường thọ.

Xưa, niềm vui của những người được mừng tuổi không phụ thuộc vào mệnh giá của mỗi đồng tiền phía trong mỗi phong bao lì xì đỏ. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng, việc làm này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và theo quan niệm dân gian, tiền mừng tuổi là phúc lộc đầu năm, là biểu tượng của Như ý - Cát tường - An khang - Thịnh vượng. Điều quan trọng là người chúc nói những điều chân thành, mộc mạc tự trong lòng mình và người được chúc đón nhận với cả tấm lòng biết ơn.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, ít nhất là trong ánh mắt của số đông người trưởng thành, dường như những ý nghĩa tốt đẹp của tục mừng tuổi ngày Tết đang dần trở nên mờ nhạt. Chúng ta vẫn trao nhau lời chúc, nhưng sẽ chẳng còn được coi trọng như xưa nếu thiếu đi mệnh giá của lì xì.

Mừng tuổi đầu xuân: Khi phong tục cũng có “mệnh giá”

Những bao lì xì đỏ tượng trung cho những lời chúc tốt đẹp, may mắn. (Ảnh minh họa)

Ngày nay, nhiều người xem tiền mừng tuổi chính là một hình thức thể hiện đẳng cấp, là thước đo tình cảm. Tức là họ luôn nghĩ, càng mừng tuổi nhiều tiền thì càng có được tình cảm mến mộ của người khác. Nhiều người còn nghĩ, mừng tuổi “sang” thì chắc chắn sẽ không sợ thiệt thòi. Bên cạnh đó, mừng tuổi với tâm lý “trả nợ” cũng là tình trạng phổ biến, nghĩa là con cái, cha mẹ mình được mừng bao nhiêu thì mình sẽ mừng lại bấy nhiêu. Việc mừng tuổi lúc này chỉ mang tính chất trao đổi chứ không còn mang ý nghĩa cầu may mắn, tài lộc.

Và như vậy, người lớn đã áp “mệnh giá” chung cho mỗi bao lì xì, đồng thời, áp mệnh giá lên một nét văn hóa thân thương, một phong tục truyền thống của dân tộc cần được gìn giữ.

Còn nhớ ngày xưa, một phong bao lì xì có tờ 500 đồng thôi cũng đủ khiến lũ trẻ chúng tôi vui vẻ, vì kèm theo đó là những thức quà bánh dân dã, vì những câu chuyện trên quãng đường xa đến nhà họ hàng mới thú vị làm sao. Người trao phong bao lì xì cũng chẳng phải ngại ngùng, đắn đo hay phân vân chuyện ít nhiều. Nhưng, giờ đây, những đứa trẻ trong xóm tôi đã biết so sánh ai mừng nhiều, ai mừng ít, so bì đứa nào được mừng nhiều hơn. Từ đó, chúng dựa vào mệnh giá của lì xì để đánh giá con người.

Chỉ mới đây thôi, một người bạn của thôi than thở về chuyện chuẩn bị tiền lì xì cho những ngày Tết sắp tới. Là vợ chồng trẻ cùng làm việc tại Hà Nội, kinh tế chưa ổn định, Tết đến có bao thứ phải lo toan. Nào là quà biếu hai bên nội, ngoại; tiền sắm sửa quần áo mới cho con, tiền quà Tết cho sếp ở cơ quan, các khoản chi tiêu mua sắm trong gia đình… Vậy nên, với đồng lương ít ỏi, số tiền để mừng tuổi chẳng được bao nhiêu. Và, nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết, cô ấy chẳng mấy hào hứng. Tôi động viên, rằng, mừng tuổi vốn là phong tục, tại sao phải nặng nề về nó? Người bạn tôi mở lòng “Năm ngoái, mình mừng tuổi đứa cháu trong họ 20.000. Nó cầm bao lì xì mở ra trước mặt mọi ngời và mếu máo “Cô sống ở thành phố mà mừng tuổi được 20.000”. Mình ngượng đỏ mặt.” Từ bao giờ và nguyên nhân do đâu, những đứa trẻ đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã biết sống thực dụng, biết đặt nặng giá trị của đồng tiền trong mỗi bao lì xì như vậy?

Trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, chuyện mừng tuổi cũng được mọi người bàn luận sôi nổi mỗi dịp Tết đến. Nào là nên mừng tuổi con sếp bao nhiêu? Mừng tuổi con thầy, cô giáo dạy con mình bao nhiêu? Mừng tuổi ông bà, bố mẹ chồng (vợ) bao nhiêu? Mừng các cháu bao nhiêu? Mừng ít thì sợ bị chê cười, mừng nhiều thì biết lấy đâu ra tiền để mừng…? Và chẳng thiếu những câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh văn hóa lì xì được mọi người dẫn ra. Dĩ nhiên không có luật nào bắt phải chuẩn bị phong bao mừng tuổi nhưng cũng chẳng biết từ bao giờ nó đã trở thành gánh nặng vô hình, buộc số đông phải tuân theo.

Thế rồi từ những đồng tiền trao may mắn, tiền mừng tuổi đã dần trở thành công cụ để người ta toan tính với mục đích riêng. Tết lại trở thành dịp để người ta đưa hối lộ, đưa phong bì nhưng lại được núp dưới bóng của một phong tục. Nếu như ai cũng chỉ vì những ham muốn vụ lợi riêng thì còn đâu nét đẹp của một phong tục truyền thống

“Cái cho không quan trọng bằng cách cho”, vì vậy, chúng ta nên coi đó là một thuần phong mỹ tục với ý nghĩa là khát vọng cầu may, cầu cho sinh sôi phát triển, cầu cho ngoan ngoãn, cầu cho tốt đẹp,... chứ không phải để mua những giá trị đó. Chúng ta nên đưa phong tục trở về với ý nghĩa vốn có ban đầu, để phong tục này là mỹ tục chứ không thể biến thành hủ tục, thành gánh nặng kinh tế mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Lê Tình


Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]