(Baothanhhoa.vn) - Những đống mía héo quắt, đen đầu do chặt cả tuần mà vẫn chưa được vận chuyển khiến người trồng mía không khỏi xót xa. Nông dân cho rằng, khâu vận chuyển có vấn đề, song phía công ty chủ quản lại phủ nhận…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mía chặt cả tuần chưa được vận chuyển - Lỗi do ai?

Những đống mía héo quắt, đen đầu do chặt cả tuần mà vẫn chưa được vận chuyển khiến người trồng mía không khỏi xót xa. Nông dân cho rằng, khâu vận chuyển có vấn đề, song phía công ty chủ quản lại phủ nhận…

Những đống mía lớn, chạy dài hàng trăm mét của gia đình anh Nguyễn Văn Ái vẫn đang chờ xe đến vận chuyển. Ảnh chụp trưa 16 - 3.

Chúng tôi tìm về những đồi mía của Đội Sản xuất số 1, Công ty TNHH Một thành viên Sông Âm (thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) dưới cái nắng hanh heo. Từng đống mía của bà con vẫn chỏng chơ, khô dần tựa như những… đống củi. Nhiều thân mía đã héo quắt, vết chặt đã lún phún đen vì nấm mốc. Theo bà con xã viên, tính đến ngày 16-3, mía ở đây đã được chặt cả tuần nhưng chưa được phía Công ty TNHH Một thành viên Sông Âm vận chuyển đến nhà máy đường. Anh Nguyễn Văn Ban, có 1,1 ha mía lại Lô 2 của Đội Sản xuất số 1 cho biết: Tính từ ngày đầu được thông báo và chặt mía đến nay là ngày thứ 10, gia đình tôi mới được chở 3 xe. Một phần nhỏ mía đã để gần 10 ngày, còn phần lớn là mía đã chặt khoảng 7 ngày. Đến nay, mía đã khô đi nhiều, nên một tấn ban đầu, nay chắc chỉ còn khoảng 8 tạ. Hơn nữa, để quá lâu, chữ đường và chất lượng mía giảm đi nhiều. Chữ đường của đa phần mía để lâu như vậy chỉ còn khoảng 6 đến 7 CCS, nhà máy đường sẽ mua giá rất thấp.

Mía chặt sau 1 tuần đã héo khô, giảm chất lượng khiến người trồng mía ở Đội sản xuất số 1, Công ty TNHH Một thành viên Sông Âm thiệt đơn, thiệt kép.

Cách đó không xa, những đống mía lớn, kéo dài hàng trăm mét của gia đình anh Nguyễn Văn Ái tại Lô sản xuất số 12 cũng “thảm hại” không kém. Khu mía 1,5 ha của gia đình anh Ái năm nay được mùa với tổng sản lượng khoảng 120 đến 130 tấn/ha. Hết trông chờ rồi đến giục giã, nhưng sau hơn 10 ngày chặt hạ, đến nay mới có ½ sản lượng mía thu hoạch được vận chuyển đi. Những luống mía chặt ra chất đống lâu nhất cũng khoảng 1 tuần trời phơi nắng phơi sương, đang quắt queo thêm. Được biết, trong đợt thông báo chặt mía của Đội sản xuất số 1 lần này, mỗi ngày có 4 đến 5 xe tải được Công ty TNHH Một thành viên Sông Âm điều về chở mía. Theo các hộ trồng mía, số lượng xe này là quá ít so với nhu cầu thực tế mà các hộ đã chặt.

Để tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này, chúng tôi đã tìm đến Công ty TNHH Một thành viên Sông Âm, đóng tại xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc). Ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Giám đốc Công ty thừa nhận có hiện tượng mía để lâu sau khi chặt, song đó là những nguyên nhân khách quan. Sau Tết Nguyên đán, nhiều lao động đi làm ăn xa nên khi có lệnh chặt mía, nhiều gia đình không đủ nhân lực. Có gia đình, sau 4 – 5 ngày chặt mới đủ cho xe đến chở nên không thể không chậm. Nhiều thời điểm, phía nhà máy đường bị ách tắc do các đơn vị, các huyện khác cũng có lượng xe lớn đưa về, có chở nhiều đến thì cũng phải nằm chờ ở cổng nhà máy nên không thể đẩy nhanh tiến độ được.

Mía héo quắt, phơi nắng, phơi sương cả tuần ở Đội sản xuất số 1, Công ty TNHH Một thành viên Sông Âm.

Cũng theo ông Huệ, kế hoạch chở mía của công ty là rất khoa học. Hiện công ty có 11 xe tải, đã đăng ký với phía nhà máy đường nhập 22 chuyến mỗi ngày. Tính riêng tại Đội sản xuất số 1, mỗi ngày có từ 4 đến 5 chuyến xe đến chở mía. Bà con trồng mía hiện gặp nhiều khó khăn, ban lãnh đạo công ty luôn đồng cảm, tạo điều kiện… Để chứng minh những điều nói ra, ông Huệ còn cho chúng tôi xem lịch cụ thể vận chuyển mía từng ngày đã được vạch ra.

Thấy có nhiều mâu thuẫn với những gì người trồng mía phản ánh, chúng tôi đã quay lại Đội sản xuất số 1 để tìm hiểu thêm vấn đề. Được biết, mọi hoạt động điều xe, chở cho nhà nào trước, nhà nào sau là do đội trưởng đội sản xuất quyết định. Người trồng mía phản ánh: có những nhà thu hoạch trước, nhưng lại được vận chuyển sau và ngược lại. Những gia đình có diện tích mía ở xa, khó khăn, lẽ ra được ưu tiên vận chuyển trước theo chính sách của công ty, thì không được thực hiện. Việc làm thiếu dân chủ, cảm tính đã gây ra bức xúc cho nhiều người trồng mía nơi đây – không chỉ ở vụ này.

Từ thực tiễn cho thấy, công tác điều hành, vận chuyển mía ở đây còn nhiều vấn đề. Việc thông báo chặt mía tràn lan, không tỷ lệ thuận với năng lực vận chuyển đã gây thiệt hại cho người trồng mía… Rất mong lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Sông Âm sát sao hơn nữa trong chỉ đạo, đồng thời tăng cường giám sát hoạt động điều hành của các đội trưởng đội sản xuất – khâu trực tiếp làm việc với người trồng mía cho công ty.


Lê Đồng - Tiến Đông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]