(Baothanhhoa.vn) - Cuộc sống thường ngày của lao động tự do vốn đã rất khó khăn, trong mùa dịch COVID-19 lại càng khó khăn hơn. Họ đang mong sớm được  nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lao động tự do mong sớm được nhận tiền từ gói hỗ trợ an sinh xã hội

Cuộc sống thường ngày của lao động tự do vốn đã rất khó khăn, trong mùa dịch COVID-19 lại càng khó khăn hơn. Họ đang mong sớm được nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Lao động tự do mong sớm được nhận tiền từ gói hỗ trợ an sinh xã hội

Chị Lê Thị Hương, ở xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) đã làm xong thủ tục kê khai là đối tượng bán hàng rong với xã, đang mong sớm nhận được tiền hỗ trợ từ gói chính sách 62 nghìn tỷ đồng.

Cắt giảm chi tiêu để vượt qua đại dịch

Suốt 30 năm qua, chị Nguyễn Thị Thảo ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) đã gắn bó với nghề bán xôi dạo trước cổng Trường Tiểu học và THCS Đông Vệ. Trong thời gian dài học sinh nghỉ tết rồi nghỉ phòng dịch COVID-19 chị Thảo không có việc làm, chồng cũng là lao động tự do nên không có nguồn thu nhập. Việc bán xôi thường ngày cũng chỉ đủ ăn uống, chi phí sinh hoạt hàng ngày nên không có tiền tích lũy khiến gia đình chị rất khó khăn.

Chung cảnh bán xôi mưu sinh gần cổng trường học là chị Trần Thị Tám cùng ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa). Suốt 3 tháng qua bản thân không có việc làm, chồng là lái xe hãng taxi Mai Linh Thanh Hóa cũng phải nghỉ việc gần 1 tháng để thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tạm nghỉ do công ty chưa bố trí được việc làm. Nhà lại có 2 con nhỏ, một mẹ già nên dù chị Tám đã phải “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm chi tiêu xuống mức thấp nhất có thể mà vẫn khó xoay xở lo cho bữa ăn hằng ngày.

Một mình nuôi 2 con đang học đại học, để có tiền trang trải cuộc sống và chi phí cho các con ăn học, chị Nguyễn Thị Hạnh ở phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) xin làm rửa bát, quét dọn cho một nhà hàng ăn uống ở gần nhà. Nhà hàng chỉ thuê làm từ 13 giờ đến 22 giờ nên chị tranh thủ thời gian rảnh đi dọn nhà cho 2 gia đình vào buổi sáng. Từ khi có dịch COVID-19, nhà hàng đóng cửa, các gia đình cũng không mượn dọn nhà, chị phải nghỉ việc. Do không có tiền tích trữ nên chị phải ứng trước tiền tháng để chi tiêu. Hiện, tuy công việc đã trở lại bình thường nhưng lượng khách đến nhà hàng sụt giảm, chủ nhà hàng cũng trả lương thấp hơn, vì thế gánh nặng cơm áo, gạo tiền vẫn đè nặng lên đôi vai của chị.

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng nghìn lao động tự do trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Họ đang rất mong sớm nhận được khoản tiền từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ để trang trải cuộc sống.

Và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền

Với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở, công tác hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cơ bản bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra. Tính đến ngày 14-5 các địa phương trong tỉnh đã chi trả hỗ trợ gần xong cho 4 nhóm đối tượng: Người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo. Các đối tượng còn lại gồm: Người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; lao động bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể đang được các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai rà soát, tổng hợp để sớm thực hiện việc chi trả hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bộ phận người dân, đối tượng chưa hiểu rõ về chính sách, nhất là lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động, làm các công việc không thuộc diện được hỗ trợ nhưng vẫn thắc mắc, kiến nghị, gây áp lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng...

Để công tác rà soát được công khai, minh bạch, chính xác, đúng đối tượng, các địa phương trong tỉnh đề nghị bộ, ngành lao động – thương binh và xã hội cho giãn thời gian quy định. Ông Hoàng Khắc Đạo, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tĩnh Gia chia sẻ: Việc triển khai rà soát cần được thực hiện cẩn trọng, chậm nhưng chắc còn hơn làm nhanh mà để xảy ra sai sót, lạm dụng hoặc trục lợi chính sách.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Nhóm lao động tự do không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất bởi dịch COVID-19 và cũng là nhóm khó xác định nhất. Điều kiện để lao động tự do được nhận kinh phí hỗ trợ là những lao động bị mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo (1 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị). Đang cư trú hợp pháp tại địa phương (có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú tại địa phương) và phải thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp làm một trong những công việc đem lại thu nhập chính cho người lao động, như: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác hàng hóa tại các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển, cảng hàng không và tại các chợ; vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, xe môtô 2 bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các chợ, các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển và cảng hàng không; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe bị mất việc làm do tác động của COVID-19. Những lao động trên sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, trong khoảng thời gian 3 tháng, từ 1-4 đến 1-6.

Gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 của Chính phủ chưa từng có tiền lệ, thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Để người dân không phải chờ đợi lâu, những ngày này, ngành lao động – thương binh và xã hội cùng một số ngành liên quan, các địa phương đang gấp rút chạy đua với thời gian rà soát, tổng hợp số liệu để nguồn tiền hỗ trợ sớm đến tay người thụ hưởng, tạo động lực giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]