(Baothanhhoa.vn) - Truyền thống nhân văn hay tinh thần nhân văn Việt Nam, ví như “chiếc đèn cuộc sống” được thắp lên bằng những “giọt dầu” của lòng nhân ái và tinh thần yêu nước. Đồng thời, được nuôi dưỡng trong lý tưởng và lương tri mỗi người dân Việt Nam. Để khi dân tộc lên tiếng, tinh thần ấy sẽ được khơi dậy, tạo ra sức lan tỏa, thậm chí trở thành lời hiệu triệu sức mạnh đáng kinh ngạc!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lan tỏa tinh thần nhân văn – nhân lên giá trị sống đẹp

Truyền thống nhân văn hay tinh thần nhân văn Việt Nam, ví như “chiếc đèn cuộc sống” được thắp lên bằng những “giọt dầu” của lòng nhân ái và tinh thần yêu nước. Đồng thời, được nuôi dưỡng trong lý tưởng và lương tri mỗi người dân Việt Nam. Để khi dân tộc lên tiếng, tinh thần ấy sẽ được khơi dậy, tạo ra sức lan tỏa, thậm chí trở thành lời hiệu triệu sức mạnh đáng kinh ngạc!

Lan tỏa tinh thần nhân văn – nhân lên giá trị sống đẹp

Lực lượng công an và đoàn viên thanh niên huyện Bá Thước giúp dân dọn dẹp môi trường sau lũ. Ảnh: Lê Dung

Bản chất nhân văn Việt Nam nổi bật ở những phẩm chất cao đẹp nhất, đó là lòng nhân ái - đạo đức làm người và tinh thần yêu nước. Nếu lòng nhân ái được xem là cái gốc của đạo đức, thì đạo đức lại là cái gốc của con người. Để rồi, tất cả được biểu hiện đầy đủ và cao nhất ở tinh thần yêu nước. Nói cách khác, yêu nước là một biểu hiện ngời sáng của tinh thần nhân văn, tư tưởng nhân văn và truyền thống nhân văn Việt Nam. Người dân của một đất nước mà từ ngàn năm luôn có “một lòng nồng nàn yêu nước” và không chịu kiếp sống nô lệ lầm than. Vậy nên biên niên sử dân tộc này mới được khắc bằng hai nét bút đậm màu khát vọng - tinh thần - ý chí – quyết tâm “dựng nước” và “giữ nước”. Truyền thống ấy được hun đúc qua hàng vạn cuộc tranh đấu với kẻ thù ngoại bang. Từ thời đại Bà Trưng, Bà Triệu dưới ách đô hộ ngàn năm Bắc thuộc, đến 3 lần kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông của quân dân nhà Trần, hay 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn xóa bỏ hoàn toàn ách đô hộ nhà Minh... Để đến thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước càng vụt sáng bằng vô vàn chiến công oanh liệt, mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa xuân 1975.

Có một chân lý tưởng chừng vô cùng đơn giản, nhưng cũng là chân lý cao cả, vĩ đại nhất về đức hy sinh cao thượng của con người. Chân lý ấy đã được con người Việt Nam thực hành qua vô số cuộc tranh đấu giành, giữ quyền tự quyết cho dân tộc này. Rằng “những con người xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi đời này, nhưng đã lẳng lặng chấp nhận quy luật đơn giản của chiến tranh: Mình chết thì bạn mình sống!”. Có thể, trong thời khắc chỉ có một sự lựa chọn duy nhất và thời gian không cho họ suy nghĩ quá nhiều, thì cái phần nhân tính – bản tính tốt đẹp trong con người, đã trỗi dậy và chiến thắng những toan tính vị kỷ? Song, nhìn ở khía cạnh nhân văn, thì sự hy sinh - dẫu là quy luật nghiệt ngã của chiến tranh - luôn cho thấy cái đẹp của tình người, tình đồng đội, đồng chí, đồng bào trong nghịch cảnh. Tinh thần ấy chỉ có thể được lý giải bằng sức mạnh tinh thần đã được hun đúc từ trường kỳ lịch sử, mà thấm sâu vào máu, vào hơi thở và tiềm thức của dân tộc này. Đó cũng chính là biểu hiện cao nhất của “một lòng nồng nàn yêu nước” của mỗi người dân Việt Nam.

Đất nước đau thương, con người không thể có hạnh phúc. Vậy nên, từ trong chiến tranh gian khổ, đồng bào ta luôn sẵn sàng hy sinh sinh mạng, tài sản để nuôi cán bộ, đùm bọc cơ sở cách mạng, sẵn sàng đánh trả kẻ thù mà “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thậm chí còn làm nên những “kỳ tích” trong lao động sản xuất để làm chỗ dựa cho tiền tuyến. Đất nước có chiến tranh, lòng yêu nước được biểu hiện rạng rỡ như pha lê dưới ánh mặt trời. Còn khi đất nước hòa bình, thì lòng yêu nước cần được hiểu như thế nào cho đúng? Khi mà dải đất này vẫn đang phải oằn mình gánh chịu biết mấy tai ương và sự tàn phá của thiên tai, địch họa. Chưa hết, đất nước đang căng sức chống chọi với muôn vàn khó khăn buổi “giao thời” đi lên xã hội văn minh. Do vậy, mỗi con người của dân tộc này càng không thể làm ngơ với bổn phận và trách nhiệm công dân. Cũng giống như cái cây bị quăng quật giữa sa mạc thì không thể sống; con người nếu tách mình ra khỏi cộng đồng, thì khó có thể tồn tại đúng với giá trị làm người. Huống chi, cái sự vinh thịnh của quốc gia - dân tộc cũng chính là cái vinh thịnh cho mỗi người của đất nước này! Vậy nên, thay vì được lưu giữ như một di sản quý giá; thì tinh thần yêu nước càng cần được thực hành thường xuyên, với những biểu hiện mới và những giá trị mới.

Tinh thần nhân văn hay lòng nhân ái, khoan dung là một giá trị mà loài người tiến bộ luôn trân trọng và bảo vệ. Còn với dân tộc Việt Nam, truyền thống quý báu ấy đã thấm rất lâu và thấm rất sâu để trở thành cái phần bản chất tốt đẹp trong mỗi con người. Để rồi, đất nước ngàn năm văn hiến, quật cường và anh dũng này, đã từng “lấy chí nhân để thay cường bạo” hay “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Đồng thời, có vô vàn minh chứng rằng người Việt Nam trong suốt dặm dài lịch sử, luôn đặc biệt đề cao, coi trọng đạo đức, đạo lý sống và nhân cách làm người. Làm người đó là sống có đạo lý, hợp lẽ đời, khoan dung, nhân nghĩa, yêu nước, thương nòi, với triết lý cao cả “Thương người như thể thương thân” mà ít có dân tộc hay quốc gia nào trên thế giới có thể sánh được. Triết lý giáo dục con cháu của ông cha ta luôn được bắt đầu bằng “tiên học lễ”, rồi mới đến “hậu học văn”. Đề cao quan hệ nhân nghĩa, trọng tình thương và lẽ phải, đó là những nét chủ đạo trong văn hóa Việt Nam. Đồng thời, cũng là nền tảng làm nên mạch nguồn đạo lý làm người và mạch nguồn truyền thống chảy mãi đến vô cùng của dân tộc Việt Nam. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy, rằng người có đạo đức là người cao thượng và rằng một dân tộc dù kinh tế còn lạc hậu, nhưng có được đạo đức cần, kiệm, liêm, chính thì vẫn xứng đáng là một dân tộc văn minh!

Với người dân miền Trung, việc sống chung với bão lũ đã là một lẽ tất yếu, thậm chí là quy luật sinh tồn. Thế nhưng, quen không có nghĩa là bất chấp, là phó mặc. Gồng mình chống chọi với sức mạnh khủng khiếp của tự nhiên là điều chúng ta đã được truyền lại từ bao đời cha ông. Để rồi, nơi “máu chảy” luôn là nơi “ruột mềm”, nơi người dân bị cô lập bởi mưa lũ, nhưng không bao giờ bị cô lập về tình cảm và sự sẻ chia từ đồng bào mình. Còn nhớ cách đây vài năm, Thanh Hóa đã phải đương đầu với trận mưa lũ lớn, xảy ra liên tiếp, vùng ảnh hưởng rộng, sức tàn phá ghê gớm và thiệt hại nặng nề. Được so sánh với trận lũ lịch sử năm 1980 và 2007, thậm chí có nhiều thời điểm vượt ngưỡng “báo động đỏ”. Mưa lũ quét qua để một vệt dài mất mát, tang thương khi cướp đi sinh mạng của hàng chục người và tàn phá hàng trăm làng mạc, hàng nghìn nhà cửa, cuốn trôi hàng triệu gia súc, gia cầm... Thế nhưng phía sau cái đuôi lũ khủng khiếp ấy, ta sẽ thấy đọng lại nhiều điều tốt đẹp về tình người. Giữa tâm lũ, lực lượng quân đội, công an, thanh niên trở thành mũi xung kích thực hiện công tác sơ tán dân, tài sản, cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp. Và cũng giữa vùng lũ ấy, nhiều “phép màu” đã được tạo ra từ hàng trăm tấn hàng viện trợ, hàng tỷ đồng trợ cấp từ các tổ chức, cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Đó là những ngọn lửa của hơi ấm tình người, đã thắp dậy niềm tin và động lực cho người dân vùng lũ vượt qua tang thương và hồi sinh sự sống.

Rồi những tháng gần đây, khi “cơn bão” COVID-19 như cái túi Hậu Thiên (một pháp bảo có sức mạnh hủy diệt trong truyện Tây Du Ký), đã hút vạn vật vào vòng xoáy tàn khốc của nó; khi mà thay vì đoàn kết để cùng vượt qua đại dịch, nhiều quốc gia lại ứng xử với nhau bằng sự thù địch, đổ lỗi... Thì ở Việt Nam, tinh thần nhân văn - nhân ái, lòng trắc ẩn trong mỗi con người, lại một lần nữa được khơi dậy và tạo ra hiệu ứng lan tỏa vô cùng mạnh mẽ. Những hình ảnh sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trong hoàn cảnh bình thường, như phát khẩu trang miễn phí, cây gạo ATM miễn phí, cửa hàng tiện lợi miễn phí... bỗng trở nên rất đỗi thân thuộc trong bối cảnh bất thường của dịch bệnh. Thế giới đã hết sức kinh ngạc và thán phục trước những “sáng kiến” rất riêng - rất Việt Nam ấy. Nhưng có lẽ họ sẽ chẳng thể thấu hiểu được căn nguyên của những hành động đẹp kể trên, nếu không hiểu được truyền thống lịch sử - văn hóa Việt Nam và phẩm giá - bản tính nhân văn tốt đẹp của người dân đất nước này. Chưa hết, bản chất nhân văn ấy còn được cụ thể hóa, hiện thực hóa thành những chính sách nhân văn, hướng đến các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương - những mắt xích yếu hay dễ dàng bị đứt gãy - trong cả “bộ máy chống dịch” đang chạy hết công suất. Đặc biệt, để có gói hỗ trợ khổng lồ, chưa từng có tiền lệ, có tổng giá trị lên đến 62 nghìn tỷ, cả đất nước này đã tiến hành một cuộc “tổng động viên” mọi nguồn lực xã hội, để dồn sức cho cuộc chiến thầm lặng mà không kém phần khốc liệt. Từ đó, giúp những người yếu thế không bị “lãng quên” giữa đại dịch.

Như có người đã chỉ ra, nhân văn là giá trị mang tính phổ quát của cái Chân – Thiện - Mỹ. Nó thuộc bản chất người và là hiện thân của thiên hướng vươn lên và hoàn thiện không ngừng của chính con người. Do vậy, nhân văn bao giờ cũng là lý tưởng và mục tiêu loài người vươn tới. Nó tồn tại và biến thiên, ngày càng thể hiện sức sống mãnh liệt trong suốt tiến trình đi lên của xã hội. Còn đối với dân tộc Việt Nam, tinh thần nhân văn với các giá trị và biểu hiện tốt đẹp, cao cả của nó, luôn được dưỡng nuôi trong những trái tim tràn nhiệt huyết yêu thương. Đồng thời, nó được nảy nở và phát triển trong môi trường xã hội – dân tộc luôn đề cao đạo lý “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Để rồi, tư tưởng nhân văn, tinh thần nhân văn dẫu nội hàm rộng, đa dạng, phong phú đến đâu, thì với dân tộc Việt Nam, nó luôn được hiện thực hóa thành những hành động, việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực. Tinh thần nhân văn ấy có sức lan tỏa như một lời hiệu triệu của trái tim và tạo ra sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn, để đưa dân tộc vượt qua thời khắc gian nan. Và để cho những thách thức ấy của hiện tại, sẽ gom góp thành nền tảng giá trị tinh thần vô giá và tạo ra mầm sống mãnh liệt cho tương lai!

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

2 bình luận

 Trần Vũ Hy - 20:39 24/05/21

 Trả lời

Bài báo quá xuất sắc.

 Lan Gió - 05:12 30/10/20

 Trả lời

Bài viết sâu sắc! Xin phép quý bản báo, quý tác giả cho tôi được đọc tác phẩm trên kênh youtube của mình để chia sẻ cùng bè bạn xa gần?

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]