(Baothanhhoa.vn) - 47 năm về trước, mảnh đất Quảng Trị là một chiến trường khốc liệt, là “túi bom” của kẻ thù. Cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị, đặc biệt là 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” trở thành những ký ức không thể nào quên đối với những chiến sĩ từng tham gia chiến đấu giữ từng tấc đất Thành cổ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ký ức Thành cổ Quảng Trị

47 năm về trước, mảnh đất Quảng Trị là một chiến trường khốc liệt, là “túi bom” của kẻ thù. Cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị, đặc biệt là 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” trở thành những ký ức không thể nào quên đối với những chiến sĩ từng tham gia chiến đấu giữ từng tấc đất Thành cổ.

Ký ức Thành cổ Quảng Trị

Đài tưởng niệm trong Thành cổ Quảng Trị - ngôi mộ chung của những người lính Thành cổ đã ngã xuống vì hòa bình thống nhất đất nước.

rong cuộc chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị có sự đóng góp không nhỏ của những người con quê hương Thanh Hóa. Tháng 10-1971, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B (Đại đoàn đồng bằng) với hơn 2.000 chiến sĩ là con em Thanh Hóa được lệnh chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị. Hướng tấn công của trung đoàn trải rộng từ Dốc Miếu - Cồn Tiên đến Quất Xá - Tân Tường, đánh chiếm toàn bộ chi khu, huyện lỵ Cam Lộ. Thực hiện phương châm đánh chắc, tiến chắc, Trung đoàn 48 cùng các lực lượng của quân đội ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 1-5-1972. Nhận định mất Quảng Trị là mất miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động tối đa hỏa lực cùng các đơn vị tinh nhuệ tái chiếm tỉnh Quảng Trị. Trung đoàn 48 được lệnh xây dựng trận địa phòng ngự tại thị xã Quảng Trị và các vùng phụ cận đánh địch lấn chiếm bảo vệ Thành cổ. Dưới làn mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ, Trung đoàn 48 và các lực lượng của quân đội ta vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững trận địa pháo, đánh cho giặc Mỹ thất bại thảm hại. Với nhiều đóng góp tích cực cho chiến dịch, ngày 19-12-1972, Trung đoàn 48 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngay tại chiến trường Quảng Trị.

Nhớ về một thời gian khổ, oai hùng ấy, bác Trịnh Đình Việt, xã Quảng Tân (Quảng Xương) - trưởng ban liên lạc hội cựu chiến binh, chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kể lại cho tôi nghe với giọng đầy tự hào. Sau khi cùng các đơn vị bạn chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị, đơn vị tôi tiếp tục hành quân tiến về nhận nhiệm vụ chiến đấu giải phóng Huế. Nhưng khi giặc Mỹ quay lại tái chiếm tỉnh Quảng Trị, đơn vị tôi lại được lệnh hành quân quay ra thị xã Quảng Trị. Lúc này tôi là tiểu đội trưởng trinh sát thuộc Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn 48. Thị xã Quảng Trị ngày ấy vô cùng cam go và ác liệt, 2 bên giành giật nhau từng ngôi nhà, góc phố. Với nhiệm vụ theo dõi, bám nắm tình hình quân địch về quân số, phương tiện chiến tranh, cách bố trí binh hỏa lực để cung cấp thông tin cho chỉ huy lực lượng bộ binh tấn công, tôi phải len lỏi vào đội hình của địch để lấy thông tin, chỉ cần sơ xuất nhỏ là nguy hiểm đến tính mạng. Đầu tháng 9-1972, tôi làm Đại đội trưởng Đại đội 5 thuộc Tiểu đoàn bộ binh 2 và được giao nhiệm vụ bảo vệ sở chỉ huy hướng nhà thờ Tri Bưu. Trong 81 ngày đêm đánh địch bảo vệ Thành cổ (từ 28-6 đến 16-9-1972), sự khốc liệt ngày một tăng cao, suốt ngày đêm, bầu trời, mặt đất rung chuyển bởi tiếng nổ của đạn bom, cả vùng như chảo lửa. Ngã ba Long Hưng trở thành ngã ba lửa chặn địch tiến vào Thành. Tháng 8 năm đó, lụt lội ngập hết hầm hào, bộ đội ta vừa đánh địch, vừa chống ngập úng vô cùng gian khổ, khó khăn chồng chất khó khăn. Đến đêm 15, rạng sáng ngày 16-9, Trung đoàn 48 được lệnh rời khỏi Thành cổ, dồn quân xốc lại đội hình, củng cố lực lượng, cơ động về cánh đông chặn đánh địch đổ bộ bằng đường biển lấn chiếm hướng Cửa Việt, mà trọng điểm là chốt thép Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho đến ngày 27-1-1973, buộc địch phải ký kết sơ bộ hiệp định Paris.

Ký ức Thành cổ Quảng Trị

Ảnh: Thu Vui

Trong câu chuyện kể của bác Nguyễn Trọng Mỳ, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa), không khí sục sôi của những ngày tháng xông pha nơi hòn tên mũi đạn lại được tái hiện một cách nguyên vẹn. Ngày 30-3-1972 bắt đầu mở màn chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị. Trong suốt quá trình chiến đấu, đơn vị tôi đã tiêu diệt và bắt sống một đội trinh sát của địch, sau đó tiếp tục bao vây Cồn Tiên, đánh chiếm đồi Ái Tử. Sau khi giặc Mỹ tái chiếm tỉnh Quảng Trị, chúng tấn công các vùng giải phóng, đặc biệt là Thành cổ. Lúc này, tôi là Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48. Trung đoàn 48 được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ, đánh địch phản công. Trước mắt, phải giữ cho được Thành cổ trong vòng một tuần để chờ bổ sung lực lượng. Thế nhưng, không chỉ một tuần, mà một tháng, rồi hai tháng, Trung đoàn 48 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tại chiến trường vô cùng ác liệt ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ trên mình mang đầy thương tích nhưng các anh vẫn quyết không rời trận địa, kiên cường bám trụ, cứ người này ngã xuống người khác lại bước đến thay thế. Vì vậy mà mục tiêu của giặc Mỹ là cắm cờ trong Thành cổ, nhưng hết lần này đến lần khác chúng vẫn không thực hiện được ý định của mình.

Trong cuộc chiến không cân sức ấy, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống, xương máu của các anh thấm sâu trong lòng đất mẹ, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng sông Thạch Hãn. Trong một lần tham gia cùng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa đến dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại các nghĩa trang thuộc hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ, tôi vẫn nhớ như in lúc đoàn đặt chân đến Thành cổ. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, đoàn công tác chăm chú lắng nghe cô thuyết minh viên kể về một quá khứ hào hùng qua những câu thơ đẫm nước mắt: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi, cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ...; Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi, Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật, một tấc đất là một cuộc đời có thật, cho tôi hôm nay - để ngày mai”. Đọc đến đây, giọng cô thuyết minh viên trùng hẳn xuống. Một không khí trầm hùng, yên lặng đến khó tả. Khác với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 hay các nghĩa trang khác, mỗi liệt sĩ có ngôi mộ riêng cho dù biết tên hay chưa biết tên. Nhưng khi đến với Thành cổ Quảng Trị, chỉ có một ngôi mộ tập thể, một nấm mồ chung là “Đài tưởng niệm”, trong đó có 230 liệt sĩ là con em quê hương Thanh Hóa.

Khép lại trang lịch sử hào hùng của dân tộc, Thành cổ ngày nay vẫn sừng sững, uy nghi đúng như tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ năm xưa. Và mỗi người dân Việt Nam đến đây hành hương luôn ghi nhớ công ơn của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thu Vui


Thu Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]