(Baothanhhoa.vn) - Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Dệt may Hà Nội, anh Lê Đắc Lực, sinh năm 1987 ở thôn 9, xã Tế Thắng (Nông Cống) đã đi làm ở một số công ty thời trang lớn ở TP Hà Nội. Dù còn trẻ nhưng anh Lực đã thể hiện được năng lực và nhanh chóng được cất nhắc làm chuyền phó rồi chuyền trưởng trong xưởng may. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, đầu năm 2014, anh Lực đã quyết định về quê khởi nghiệp, tạo ra một thương hiệu thời trang riêng mang tên Vietdaz.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khởi nghiệp từ nghề may công nghiệp

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Dệt may Hà Nội, anh Lê Đắc Lực, sinh năm 1987 ở thôn 9, xã Tế Thắng (Nông Cống) đã đi làm ở một số công ty thời trang lớn ở TP Hà Nội. Dù còn trẻ nhưng anh Lực đã thể hiện được năng lực và nhanh chóng được cất nhắc làm chuyền phó rồi chuyền trưởng trong xưởng may. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, đầu năm 2014, anh Lực đã quyết định về quê khởi nghiệp, tạo ra một thương hiệu thời trang riêng mang tên Vietdaz.

Anh Lê Đắc Lực hướng dẫn công nhân trong ca sản xuất.

Thời gian đầu khởi nghiệp, Công ty TNHH May Vietdaz đã phải trải qua nhiều khó khăn, như: Thiếu vốn, cách quản lý, công nhân chưa có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng máy may, các sản phẩm vừa cơ bản đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, do chỉ làm hàng gia công nên nguồn hàng, việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp lớn. Đơn hàng không đều, lúc nhiều, lúc ít khiến việc làm của công nhân không ổn định. Anh Lực chia sẻ: Thời gian đó, việc sản xuất của doanh nghiệp phụ thuộc 100% vào kế hoạch sản xuất của các đối tác, trong khi xưởng may lại chưa chủ động sản xuất được các mặt hàng khác. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn nhất, Lực nảy ra ý tưởng về lối đi mới cho công ty trong một lần tình cờ lên mạng gõ tìm từ khóa “may đo theo dây chuyền công nghiệp”. Lực chuyển hướng sang may đo, thiết kế sơ mi nam cho những người có thu nhập khá theo dây chuyền máy may công nghiệp. Do đối tượng phục vụ hướng tới là những khách hàng có thu nhập khá, việc đầu tiên Lực chọn nguyên liệu vải may sản phẩm có chất lượng tốt, được nhập khẩu. Bên cạnh đó, Lực tâm niệm, dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng phải chu đáo, nhiệt tình để tạo niềm tin khi sử dụng sản phẩm của công ty.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, giám đốc trẻ Lê Đắc Lực, cho rằng: Nguồn vốn để duy trì hoạt động của nhà máy, nguyên phụ liệu cần khá nhiều, trong khi hiện người Việt vẫn có nhu cầu mua áo may sẵn cao. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mỗi công nhân Công Ty TNHH May Vietdaz luôn chăm chút cho từng đơn hàng, từng mẫu thiết kế sản phẩm. Có thời điểm, anh Lực phải chấp nhận chịu lỗ để thực hiện ước mơ của mình là đưa sản phẩm Vietdaz ra thị trường và được khách hàng ưa chuộng. Để khắc phục khó khăn, công ty phải nhận đơn hàng gia công về làm, lấy ngắn nuôi dài. Sau một thời gian, với chiến lược kinh doanh hợp lý, cùng với vải chất lượng, kiểu dáng phong phú, lượng khách hàng tìm đến công ty cũng ngày một tăng lên.

Vượt qua “vạn sự khởi đầu nan” cho quá trình khởi nghiệp, giờ đây, Công ty TNHH May Vietdaz của anh Lực từng bước tạo thế vững trên thị trường, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhiều cơ quan, trường học, cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện Nông Cống và các huyện lân cận. Không những vậy, công ty của anh còn liên kết với một số công ty may mặc có uy tín ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, TP Hải Phòng và TP Hà Nội... để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoặc nhận gia công hàng may. Hiện, công ty đã mở thêm cơ sở 2 tại xã Minh Thọ, mỗi ngày đưa ra thị trường hơn 1.000 chiếc áo sơ mi các loại. Với những nỗ lực của mình, chỉ sau 4 năm phát triển, đến nay sản phẩm áo sơ mi mang thương hiệu Vietdaz của doanh nhân trẻ Lê Đắc Lực đã vinh dự lọt vào top 100 thương hiệu dệt may được ưa chuộng trên thị trường trong nước.

Vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách cho quá trình khởi nghiệp, giờ đây, Công ty TNHH May Vietdaz của anh Lực từng bước đứng vững trên thị trường, khi mà sản phẩm đáp ứng được cả nhu cầu của thị trường xuất khẩu trong nước. Theo báo cáo tài chính của công ty, trong 10 tháng năm 2018, tổng doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho 350 lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Nói về những dự định trong tương lai, anh Lực cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị để mở rộng quy mô liên kết mở rộng sản xuất.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]