(Baothanhhoa.vn) - Hơn 70 năm là hành trình của biết bao thế hệ người dân Việt Nam, cuốn sổ hộ khẩu được xem như tài sản quý giá, không chỉ có giá trị về vật chất mà mang ý nghĩa tinh thần lớn lao. Giờ đây, khi sứ mệnh lịch sử ấy khép lại, nhiều người không khỏi bùi ngùi, xúc động nhớ lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời gắn liền với cuốn số hộ khẩu.

Khép lại "sứ mệnh lịch sử" của cuốn sổ hộ khẩu

Hơn 70 năm là hành trình của biết bao thế hệ người dân Việt Nam, cuốn sổ hộ khẩu được xem như tài sản quý giá, không chỉ có giá trị về vật chất mà mang ý nghĩa tinh thần lớn lao. Giờ đây, khi sứ mệnh lịch sử ấy khép lại, nhiều người không khỏi bùi ngùi, xúc động nhớ lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời gắn liền với cuốn số hộ khẩu.

Khép lại “sứ mệnh lịch sử” của cuốn sổ hộ khẩu

Cuốn số hộ khẩu gắn với cuộc đời của bao thế hệ người dân Việt Nam (Ảnh minh họa).

Lần đầu tiên tôi “gạch tên mình” ra khỏi cuốn số hộ khẩu của gia đình để đi xa sau 20 năm bám quê hương. Bố mẹ ban đầu không đồng ý vì sợ con gái lạc lõng nơi đất khách quê người. Tôi kiên quyết thuyết phục bố mẹ. Anh tôi gọi điện nói: Việc cần làm đầu tiên là đi “cắt khẩu” ở ngoài này để anh tôi làm thủ tục nhập khẩu vào nhà bác. Người ta bảo chỉ nhận người có hộ khẩu ở trong tỉnh thôi.

Ngày cầm cuốn sổ hộ khẩu lên công an xã để làm thủ tục cắt khẩu, lòng tôi thấy ngổn ngang, buồn, lưu luyến. Trang lý lịch của tôi đã gắn chặt với cuốn sổ hộ khẩu ấy hơn 20 năm rồi, màu giấy đã nhuốm màu thời gian, góc giấy đã sờn, từng nét mực cũng phôi phai đi nhiều. Vậy mà giờ đây, tôi ngậm ngùi gạch tên mình khỏi cuốn sổ ấy.

Bố mẹ nhìn cuốn số hộ khẩu rất lâu, thảng hoặc lại lén nhìn tôi, rồi nhìn nhau. Tôi biết lòng bố mẹ cũng bồi hồi, hụt hẫng nhiều lắm. Bố không nói gì, cố nén tiếng thở dài cất cuốn sổ hộ khẩu vào ngăn tủ. Cuốn sổ nhỏ mà bố mẹ tôi bọc qua hai lớp túi bóng, lúc con cái cần việc mang đi phô tô, công chứng là dặn: “Cầm cất cho cẩn thận, xong việc thì nhớ mà mang về không lại vứt luôn đi thì khổ”. Bố mẹ gìn giữ cuốn sổ hộ khẩu như nó là một phần của tổ ấm nhỏ này.

Bữa cơm chiều hôm đó, không khí gia đình không được rôm rả cười nói, chuyện trò như ngày thường. Tôi tặc lưỡi nói trêu: “Ơ kìa, bố mẹ cứ làm như con đi xa luôn rồi ấy. Mà có đi xa cũng không sao nha, không mất con gái luôn đâu mà sợ”. Bố mắng yêu: “Mày cứ lớp chớp”…

Tối hôm ấy, bố tôi ngồi rất lâu trên sân thượng, bên ấm nước chè đặc. Và chẳng hiểu sao, ngay sáng hôm sau, bố tôi gọi tôi lại bảo: “Bố mẹ quyết rồi, không làm cái này thì làm cái khác, con gái xa quê vất vả lắm. Không cho đi nữa”. Nói rồi bố tôi hăm hở sửa soạn, tay cầm cuốn sổ đỏ: “Để bố lên công an xã làm thủ tục nhập lại khẩu cho mày”. Tôi cười cười: “Để con đi cho”. Bố xua tay: “Bố lên đấy, có gì còn trình bày với người ta cho gọn ghẽ, được việc”. Vậy là tên tôi, lý lịch của tôi lại gắn liền với cuốn sổ hộ khẩu của gia đình ở một trang mới, đứng sau cả hai đứa em tôi…

Khép lại “sứ mệnh lịch sử” của cuốn sổ hộ khẩu

Từ ngày 1-1-2023, khi cần giải quyết các thủ tục hành chính, người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thế cho cuốn sổ hộ khẩu giấy.

Lần thứ hai tôi “gạch tên mình khỏi cuốn sổ hộ khẩu”, ấy là lúc tôi đã lập gia đình, chính thức bước sang giai đoạn mới trong cuộc đời. Lần này, bố mẹ tôi cười nhiều. “Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, chuyện đương nhiên, chuyện vui mừng như thế mà. Tôi còn nhớ, ngày tỏ tình, chồng tôi có nói một câu rất buồn cười nhưng cũng “ra dáng”, ấn tượng lắm: “Em có muốn được ghi tên vào cuốn sổ hộ khẩu nhà anh không?”. Tôi cười thích thú, trả treo lại: “Anh phải hỏi xem cuốn sổ hộ khẩu nhà anh có đủ sức mang thêm em không?”. Ấy vậy là thành đôi, tôi theo chồng bỏ cuộc chơi hơi sớm so với dự tính. Giờ mỗi lúc tranh cãi, cau có với nhau, nghĩ lại cái lúc “ông chồng” hài hước mang danh phận trong cuốn sổ hộ khẩu ra “dụ dỗ” mà thầm cảm thán: “Mình đúng là ngây thơ”…

Sáng nay, có việc cần phải lên phường xin giấy tờ, theo thói quen nhanh tay cầm theo cuốn sổ hộ khẩu. Chồng đứng bên cạnh nhắc: “Em không nhớ là từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng, thay vào đó các cơ quan chức năng quản lý thông tin cư trú của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư à? Báo, đài nói ra rả mấy ngày nay rồi mà chưa đến tai em luôn”. Tôi lườm chồng, cãi cố: “Em có nghe rồi đó mà quên mất. Thói quen từ bao lâu nay rồi, đi làm thủ tục hành chính là không quên mang theo sổ hộ khẩu”. Nói rồi hai vợ chồng tất tưởi lên xe.

Lên phường, tôi chỉ cần xuất trình căn cước công dân gắn chíp là cán bộ phường tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục một cách đơn giản, nhanh, gọn. Cuốn sổ hộ khẩu tôi vẫn mang theo nhưng không còn sử dụng đến. Quan sát xung quanh, nhiều người cũng giống như tôi, vẫn mang theo cuốn sổ hộ khẩu vừa để phòng bị cần đến vừa như thói quen.

Vậy là, kể từ nay mỗi khi cần làm các thủ tục hành chính, cuốn sổ hộ khẩu sẽ chẳng còn theo chúng ta lên phường. Sứ mệnh lịch sử của cuốn sổ hộ khẩu đã khép lại sau hành trình 70 năm với nhiều thăng trầm, đổi thay cùng đất nước.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]