(Baothanhhoa.vn) - Qua thống kê của huyện và đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Trung là địa phương còn giữ được số lượng các đình làng cổ nhiều nhất tỉnh với tổng số 27 đình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Hà Trung nỗ lực “cứu” những đình làng cổ

Huyện Hà Trung nỗ lực “cứu” những đình làng cổ

Đình Vân Điền (xã Hà Vân) đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục, cần sớm được trùng tu.

Qua thống kê của huyện và đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Trung là địa phương còn giữ được số lượng các đình làng cổ nhiều nhất tỉnh với tổng số 27 đình.

27 đình làng cổ còn giữ được cho đến nay không chỉ hiện thân cho những vẻ đẹp, giá trị của những mái đình làng Việt, mà còn là di sản vật thể quý giá của huyện Hà Trung cần tiếp tục được lưu giữ và phát huy. Trong số đó, nhiều đình làng cổ có tuổi đời 600, 700 năm, đã được xếp hạng, công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tuy vậy, tính đến hết năm 2018, có gần 20 đình làng cổ trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng cần tu bổ, tôn tạo. Số còn lại dù chưa đến mức báo động nhưng cũng đã rơi vào tình trạng xuống cấp nhiều năm nay và cũng cần tới những giải pháp, phương án cấp bách để sửa chữa.

Điển hình là Đình Thiên Phú (xã Hà Đông) đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo UBND xã, ngôi đình có tuổi đời trên 600 năm, trong đó có nhiều hạng mục đã bị hư hỏng như cột bị mọt, mái bị dột phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Cứ đến mùa mưa bão là ngôi đình này phải “run rẩy” chống chọi lại những cơn gió mạnh, những trận mưa lớn. Trước thực trạng trên, xã Hà Đông cũng đã kiểm tra, đánh giá mức độ xuống cấp, hư hỏng báo cáo Phòng Văn hóa – Thông tin và UBND huyện Hà Trung. Qua quá trình khảo sát của huyện và xã, để sửa chữa, tôn tạo Đình Thiên Phú sẽ cần khoản kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn kinh phí tối đa mà tỉnh có thể hỗ trợ theo quy định là 500 triệu đồng. Vì vậy, địa phương sẽ phải tự “xoay xở” phần kinh phí còn lại. 1,5 tỷ đồng là số tiền khá lớn, trong khi điều kiện của xã Hà Đông là rất khó khăn, nguồn kinh phí xã hội hóa không có, do đó địa phương không dám nhận vì không biết lấy đâu ra số kinh phí còn lại.

Đây cũng là thực trạng chung tại các xã khác của huyện Hà Trung hiện nay. Trên địa bàn xã Hà Vân hiện còn giữ được hai đình Vân Điền và Phạm Xá có tuổi đời hàng trăm năm, đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh nhưng đều xuống cấp nghiêm trọng 4-5 năm nay. Theo ước tính, để trùng tu, sửa chữa 1 đình cần từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Với khả năng của xã, để có nguồn kinh phí như trên là điều bất khả thi trong bối cảnh đời sống, thu nhập của người dân còn khó khăn. Xã cũng đã tranh thủ các nguồn lực, kêu gọi sự đóng góp của người dân, nhà hảo tâm nhưng cũng chỉ sửa chữa, khắc phục tạm thời. Xã vẫn phải kiến nghị và cần sự hỗ trợ của huyện, tỉnh. Một số đình cổ có giá trị khác cũng trong tình trạng “kêu cứu” như đình Bình Lâm (xã Hà Lâm), đình Chánh Lập (xã Hà Giang), đình Đô Mỹ (xã Hà Tân)... Tình trạng hư hỏng của các đình cổ hiện nay là khá giống nhau như: Nhiều bộ phận cột, xà, rui, mè bị mối, mọt, mái ngói cũng thường xuyên trong tình trạng tương tự, dẫn đến việc cứ mưa là bị dột. Thậm chí, nhiều đình cổ đã phải dựng thêm các cột chống tạm thời khi cột chính đã bị mối, mọt, tuy nhiên, quan sát tại một số ngôi đình, ngay cả các cột tạm thời này cũng đang bị mối, mọt phá hủy. Trong khi đó, các đình làng này vẫn phải “gồng gánh” nhiệm vụ là nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt tập thể cho nhân dân địa phương. Mặc dù đã có sự đóng góp kinh phí của người dân, sự tranh thủ hết mức có thể của địa phương để sửa chữa, tôn tạo nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn là lại xuống cấp, hư hỏng.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hà Trung cho biết: Trước thực trạng trên, từ đầu năm 2019 đến nay, các xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá chính xác nhất hiện trạng, mức độ xuống cấp, hư hỏng của tất cả các đình cổ trên địa bàn. Tuy vậy, để sửa chữa, tu bổ tôn tạo số đình làng nói trên ước tính sẽ cần đến nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, điều kiện của các xã để có kinh phí 1 - 2 tỷ đồng cho 1 ngôi đình là rất khó khăn. Trước mắt, huyện sẽ căn cứ tình hình, điều kiện của từng địa phương để có những sự hỗ trợ cần thiết bên cạnh nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, các xã, thị trấn cũng đẩy mạnh công tác kêu gọi con em thành đạt ở xa quê, các nhà hảo tâm, “mạnh thường quân” hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, tu bổ các đình làng cổ”.

Huyện ủy Hà Trung đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/HU ngày 21-12-2016 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, trong đó công tác quản lý các di tích, danh thắng, việc tập trung bảo vệ, tu bổ và phục hồi các di sản vật thể trên địa bàn là một trong những giải pháp hàng đầu. Mục tiêu của huyện Hà Trung là đến năm 2020, 70-80% các di tích đã được xếp hạng các cấp sẽ được khoanh vùng bảo vệ, trong đó các đình làng cổ sẽ là danh mục quan trọng cần khẩn cấp thực hiện ngay từ năm 2019. Đối với các đình làng cổ là di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng, huyện sẽ lập hồ sơ trình UBND tỉnh xin chủ trương, hỗ trợ sửa chữa, trùng tu kịp thời.

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]