(Baothanhhoa.vn) - Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra những hướng đi, mô hình hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, hộ nghèo và cận nghèo nói riêng, từng bước được cải thiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Cẩm Thủy nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra những hướng đi, mô hình hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, hộ nghèo và cận nghèo nói riêng, từng bước được cải thiện.

Huyện Cẩm Thủy nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình bà Cao Thị Liên, thôn Quý Sơn, xã Cẩm Quý đã đầu tư chăn nuôi dê, vươn lên thoát nghèo.

Với quyết tâm thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện Cẩm Thủy đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người nghèo vươn lên. Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung hỗ trợ sinh kế cho người dân; đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi; tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn... nhiều hộ nghèo đã được vay vốn để phát triển các mô hình chăn nuôi, sản xuất, sửa chữa nhà ở..., từng bước vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, giai đoạn 2016–2020, huyện đã huy động đóng góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” được 893 triệu đồng; xây dựng được 13 nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền 220 triệu đồng. Các hội, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ 1.948 hội viên nghèo vay vốn phát triển kinh tế, với số tiền 4,9 tỷ đồng; hỗ trợ làm 12 nhà mái ấm tình thương, trao quà cho học sinh nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội Nông dân huyện cho 3.363 hộ vay vốn, với số tiền trên 137 tỷ đồng (trong đó, vay từ quỹ hỗ trợ nông dân huyện 420 triệu đồng; TP Sầm Sơn ủng hộ 255 triệu đồng; vay từ nguồn vốn Hội Nông dân Trung ương quản lý là 1 tỷ đồng với 40 hộ vay). Ngoài ra, hội còn hỗ trợ nhiều ngày công và giống cây trồng, phân bón cho hội viên với tổng giá trị hơn 10,9 tỷ đồng. Nhờ các chính sách hỗ trợ của các cấp hội đã có 877 hộ thoát nghèo. Hội cựu chiến binh đã thực hiện chương trình cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo bền vững làm giàu hợp pháp, tham gia tích cực và có hiệu quả vào chương trình phát triển kinh tế của địa phương; thực hiện 2 khâu đột phá: “Xóa nhà tạm bợ dột nát” (đã xóa được 6 nhà dột nát, sửa chữa được 16 nhà với tổng số tiền 912 triệu đồng; 250 ngày công và xây dựng được 6 câu lạc bộ) và “Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế” với 152 thành viên tham gia với số vốn các hội viên cho nhau vay là 5,7 tỷ đồng...

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, hàng năm Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Cẩm Thủy đã tiến hành rà soát, nắm chắc thực trạng hộ nghèo, cận nghèo, xác định nguyên nhân chính dẫn đến nghèo; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo; thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động... Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động, với tổng kinh phí đào tạo trên 3,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động, trong đó có hơn 4.200 lao động đi xuất khẩu. Bên cạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện Cẩm Thủy đã chuyển đổi được trên 5.000 ha đất 1 vụ lúa mùa sang trồng mía nguyên liệu, mía tím, mía ép nước, ngô lấy hạt, ngô làm thức ăn chăn nuôi, cây dong riềng để làm miến dong và trồng cây gai lấy sợi; phát triển chăn nuôi theo hướng sản suất hàng hóa, khuyến khích các hộ có điều kiện đầu tư xây dựng các trang trại có quy mô vừa và lớn để thu hút lao động tại chỗ, tạo việc làm ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững.

Với phương châm muốn giảm nghèo cho đồng bào phải tập trung giải quyết những vấn đề đang gây trở ngại như thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu việc làm; UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ trên địa bàn và mạnh dạn cho bà con vay vốn phát triển sản xuất theo hình thức tín chấp. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện cho 12.223 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền cho vay đạt trên 472 tỷ đồng. Theo báo cáo của tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội cho vay hằng năm đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo thoát được nghèo bền vững và trả nợ đầy đủ cho ngân hàng khi đến hạn, góp phần phát triển kinh tế để hộ nghèo, cận nghèo có cuộc sống ổn định.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,39% năm 2016 xuống còn 0,75% cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 là 6,93%. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được tăng lên. Mức sống dân cư được cải thiện góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc chung tay hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo.

Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo và quyết tâm giảm nghèo bền vững, huyện Cẩm Thủy tiếp tục tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giảm nghèo. Đặc biệt là những hộ đã thoát nghèo cần nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức vượt khó, tự vươn lên không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng. Bên cạnh đó, hàng năm Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện tích cực chỉ đạo khảo sát, nắm tình hình đời sống của những hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, phân loại ra từng nhóm hộ. Từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế từng hộ và từng nhóm nghèo, cũng như thực hiện mô hình giảm nghèo gắn với hoàn cảnh của từng hộ. Đi cùng với đó là chính sách đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động. Huy động mọi nguồn lực xã hội để cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ những hộ thoát nghèo có điều kiện vươn lên, tránh tái nghèo.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]