(Baothanhhoa.vn) - Trong thời gian qua, nhiều mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ công tác giảm nghèo tại các địa phương; giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống thấp hơn mức bình quân chung của cả nước và một số tỉnh, thành phố trong khu vực.

Hiệu quả từ các mô hình hỗ trợ giảm nghèo

Trong thời gian qua, nhiều mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ công tác giảm nghèo tại các địa phương; giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống thấp hơn mức bình quân chung của cả nước và một số tỉnh, thành phố trong khu vực.

Hiệu quả từ các mô hình hỗ trợ giảm nghèo

Mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình ông Mai Xuân Giao ở xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc) là một trong những hộ đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Ông Giao chia sẻ: 5 năm trước gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, những tưởng việc thoát nghèo của gia đình là không thể bởi hoàn cảnh rất khó khăn, nhà có 6 người nhưng chỉ có 2 lao động chính nên dù làm lụng vất vả quanh năm vẫn không đủ ăn. Khi nghe UBND xã triển khai kế hoạch về mô hình dự án chăn nuôi bò sinh sản để có cơ hội phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, lúc đầu gia đình tôi rất e ngại, chưa tin tưởng, chưa thực sự muốn tham gia. Được sự động viên của chính quyền, anh em họ hàng, làng xóm và qua nghe đài, đọc báo, tôi thấy ở nhiều nơi người dân thoát nghèo từ việc trồng cỏ, nuôi bò, nên đã quyết định tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản của địa phương.

Buổi đầu, việc trồng cỏ, nuôi bò gặp không ít khó khăn do quỹ đất ít lại chưa có kinh nghiệm. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho bò và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ chăn nuôi khác trong xã, tôi áp dụng vào chăn nuôi để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra, ảnh hưởng đến đàn bò, thiệt hại về kinh tế. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi nên bò phát triển khỏe mạnh và sinh sản được 2 con bê. Theo đó, thu nhập của gia đình cũng tăng thêm từ 12 đến 15 triệu đồng/năm. Gia đình cũng đã thoát được cảnh đói nghèo.

Là hộ thoát nghèo nhờ tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản, ông Nguyễn Văn Thái ở thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân), chia sẻ: Thuộc diện hộ nghèo từ năm 2014, đến năm 2018, được tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản, theo đó gia đình được hỗ trợ 10 triệu đồng, cùng với số tiền vay mượn thêm, tôi mua 2 con bò về chăn nuôi. Sau 3 năm gia đình đã nhân đàn lên 5 con. Đó chính là động lực để gia đình tôi vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo trong năm 2019. Có thêm con giống, có cơ sở làm ăn, tăng nguồn thu nhập nên gia đình cũng có sự thay đổi đáng kể.

Với hộ nghèo “có thâm niên” như gia đình anh Lê Văn Du ở xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) nếu không tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì chưa biết đến khi nào mới thoát được nghèo. Bởi bản thân thường xuyên đau ốm, con trai bị dị tật bẩm sinh, vừa câm, vừa điếc, thu nhập của gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và tiền công làm thuê ít ỏi, bấp bênh của vợ. Năm 2018, gia đình anh Du được UBND xã hỗ trợ tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản. Do được hỗ trợ vốn và được tập huấn kiến thức chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc nên cặp bò sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn. Bò đã sinh sản bê con, gia đình anh cũng đã thoát nghèo từ năm 2019.

Nhận được lợi ích mang lại, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua việc phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản... Với hình thức đầu tư trực tiếp, mô hình đã trở thành “đòn bẩy” giúp các hộ nghèo có phương tiện sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Từ hỗ trợ vốn không điều kiện đến việc góp vốn đối ứng và thu hồi một phần vốn làm cho các hộ tham gia tăng trách nhiệm, tự giác, tìm tòi cách nghĩ, cách làm phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.

Có thể khẳng định, các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đang dần phát huy hiệu quả tích cực, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư, từng bước đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, dự báo tỉnh ta sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải tập trung ưu tiên nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của Nhân dân. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 từ 1,5% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, thời gian tới, cần ưu tiên đầu tư nguồn lực giảm nghèo cho những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, cũng như thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án hỗ trợ giảm nghèo phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của các hộ và quy hoạch sản xuất của địa phương. Tăng cường, đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Tăng cường giới thiệu, phổ biến rộng rãi những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tôn vinh những gương sáng thoát nghèo tiêu biểu trong cộng đồng; nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức trách nhiệm của người nghèo trong việc chủ động vươn lên thoát nghèo...

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]