Từ tháng 11-2018, 6 trung tâm hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh và 5 TAND cấp huyện, gồm: TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia đã được thành lập nhằm tăng cường hoạt động HGĐT trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND các cấp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả giải quyết các tranh chấp dân sự tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND thị xã Bỉm Sơn

Hiệu quả giải quyết các tranh chấp dân sự tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND thị xã Bỉm Sơn

Hòa giải viên tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND thị xã Bỉm Sơn gặp gỡ, trao đổi với các đương sự.

Từ tháng 11-2018, 6 trung tâm hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh và 5 TAND cấp huyện, gồm: TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia đã được thành lập nhằm tăng cường hoạt động HGĐT trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND các cấp.

Với vai trò đó, từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm HGĐT tại TAND thị xã Bỉm Sơn đã dần trở thành “địa chỉ” để giải quyết hiệu quả các tranh chấp dân sự cho người dân trên địa bàn.

8h sáng một ngày trung tuần tháng 6-2019, không khí tại phòng HGĐT của Trung tâm HGĐT tại TAND thị xã Bỉm Sơn khá căng thẳng bởi cuộc tranh luận của những người phụ nữ trong căn phòng chật hẹp. Bà Thương là người khởi kiện, còn bà Hảo là người bị kiện trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà trung tâm này đang tiếp nhận giải quyết. Bà Thương và bà Hảo vốn là bạn bè quen biết nhau từ lâu. Để có tiền làm ăn, bà Hảo đã hai lần vay tiền của bà Thương với tổng số tiền 150 triệu đồng với thời hạn trong vòng 1 tháng. Hai bên thỏa thuận miệng với nhau sẽ trả lãi nhưng không ghi vào giấy vay nợ. Thế nhưng đến hạn, bà Thương đòi nợ thì bà Hảo cứ “viện” lý do, khất hết lần này đến lần khác. Vì quá bức xúc, bà Thương đã gửi đơn đến TAND thị xã Bỉm Sơn để được giải quyết. Tiếp nhận vụ việc, với kinh nghiệm nhiều năm làm thẩm phán, ông Lê Hồng Giang đã nắm bắt vụ việc, phân tích, giải thích và trấn an các đương sự trong vụ việc này. Các bên đã thừa nhận các khoản vay mượn, tuy nhiên, về mặt tình cảm, hai bên là bạn bè, bây giờ một bên chưa có khả năng trả nợ thì bên kia cũng nên tạo điều kiện để giữ gìn hòa khí, mối quan hệ vốn đã có từ lâu. Hòa giải viên đã giải thích các quy định của pháp luật để các bên chủ động, tự nguyện và thống nhất giải quyết vấn đề tranh chấp bằng cách thỏa thuận, cam kết trách nhiệm sẽ trả nợ số tiền gốc 150 triệu đồng và trả tiền lãi tính theo lãi suất ngân hàng...

Đó là một trong những vụ việc dân sự mà hòa giải viên Lê Hồng Giang, nguyên Phó Chánh án TAND thị xã Bỉm Sơn - một trong 3 hòa giải viên của Trung tâm HGĐT tại TAND thị xã Bỉm Sơn tiếp nhận giải quyết. Trong những câu chuyện ông kể, đôi mắt ánh lên niềm vui khi vừa giải quyết ổn thỏa được các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện. Với ông, Trung tâm HGĐT tại tòa án chính là cơ hội để ông được tiếp tục hành trình “bảo vệ công lý”, “kiến tạo hòa bình” mà ông đã gắn bó từ nhiều năm qua. Theo ông Giang, công việc của một hòa giải viên không chỉ am hiểu về pháp luật mà còn phải có kiến thức sâu rộng về xã hội, sự nhạy bén trong nắm bắt, xử lý vấn đề thực tế cuộc sống và đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Từ đó mới có thể giúp các bên tìm ra được những giải pháp tốt nhất để các bên tự định đoạt, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp mà tự họ chưa làm được. Đó cũng là lý do, nhiều vụ việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính được người dân tin tưởng, lựa chọn tìm đến trung tâm để được giải quyết.

Từ khi thành lập đến ngày 30-6-2019, Trung tâm HGĐT tại TAND thị xã Bỉm Sơn đã tiếp nhận và giải quyết 124 vụ việc, trong đó đã tổ chức hòa giải, đối thoại xong 120 vụ việc, tỷ lệ HGĐT thành đạt 64,16%. Cụ thể, tỷ lệ hòa giải thành đạt 54,35% đối với các vụ việc dân sự; 75% đối với vụ kinh doanh thương mại và 70% đối với vụ việc hôn nhân gia đình. HGĐT giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính mà không phải mở phiên tòa xét xử. Nó còn tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và giảm áp lực công việc cho ngành tòa án khi các vụ việc phải thụ lý ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp như hiện nay. Hơn nữa, thông qua việc HGĐT, hòa giải viên có thể giải thích, phân tích đúng – sai, được – mất, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giúp việc thi hành thuận lợi.

Tuy nhiên, công tác HGĐT tại TAND Bỉm Sơn hiện nay cũng gặp phải không ít khó khăn khi đây là một hoạt động mới của ngành tòa án nên nhận thức, hiểu biết của một bộ phận không nhỏ cán bộ và nhân dân còn hạn chế; cơ sở vật chất còn khó khăn, trang thiết bị mặc dù đã từng bước được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; các văn bản, biểu mẫu chưa được quy định thống nhất...

Thị xã Bỉm Sơn đang ngày càng phát triển, kéo theo đó các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính cũng phát sinh thêm. Vì vậy, nâng cao hoạt động HGĐT tại TAND thị xã để góp phần giải quyết các mâu thuẫn theo cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, là điều cần thiết, góp phần hàn gắn mâu thuẫn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để làm được điều đó, cần phổ biến rộng rãi về vai trò, cũng như lợi ích khi giải quyết các tranh chấp tại trung tâm HGĐT đến với người dân; đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ, tập huấn, trao đổi, rút kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa kiến thức, kỹ năng của các hòa giải viên cũng như chất lượng hoạt động của trung tâm.

(Tên đương sự trong vụ việc đã được thay đổi).

Việt Hương


Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]