(Baothanhhoa.vn) - Ở thị xã Sầm Nưa xinh đẹp, bình yên hay đi đến các huyện Viêng Xay, Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào), chúng tôi vui mừng vì nhận thấy những người con Thanh Hóa nói riêng, người Việt Nam nói chung đang sinh sống, làm việc trên đất nước Triệu Voi rất nhiều. Họ đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mảnh đất xem như quê hương thứ hai, đồng thời góp phần tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa hai nước Việt - Lào.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 2): Gặp những người Việt trên đất Lào

Ở thị xã Sầm Nưa xinh đẹp, bình yên hay đi đến các huyện Viêng Xay, Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào), chúng tôi vui mừng vì nhận thấy những người con Thanh Hóa nói riêng, người Việt Nam nói chung đang sinh sống, làm việc trên đất nước Triệu Voi rất nhiều. Họ đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mảnh đất xem như quê hương thứ hai, đồng thời góp phần tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa hai nước Việt - Lào.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 2): Gặp những người Việt trên đất Lào

Công trình Trụ sở Ủy ban Chính quyền huyện Sầm Nưa (do tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ) hầu hết đều do công nhân lao động người Việt Nam thực hiện.

Thị xã Sầm Nưa xinh đẹp và hiền hòa bên dòng Nậm Xăm, những con đường bình yên và mọi người dành cho nhau những lời chào hỏi nhẹ nhàng. Chị Súc Ban Chai, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Sở Ngoại vụ tỉnh Hủa Phăn đưa chúng tôi đi thăm các công trình thắm tình hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn và thưởng thức các món ăn đặc trưng của Việt Nam và Lào trên đất Hủa Phăn. Tình cảm chân thành, ấm áp ấy khiến cho chúng tôi không còn cảm thấy xa lạ ở vùng đất lần đầu tiên đặt chân đến.

Khi đến thăm Trụ sở Ủy ban Chính quyền huyện Sầm Nưa do tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ vào tháng 4-2022, những công nhân của Công ty Hưng Phát đang miệt mài, bận rộn thi công công trình. Hầu hết những công nhân, lao động tại đây đều là người Việt Nam. Khi biết chúng tôi là phóng viên Báo Thanh Hóa sang công tác, những công nhân, lao động tại công trình rất vui. Anh Trần Văn Đại vừa sang tỉnh Hủa Phăn được hơn 4 tháng, là cán bộ kỹ thuật của Công ty Hưng Phát cho biết: Trụ sở Ủy ban Chính quyền huyện Sầm Nưa hiện nay đã thực hiện xong phần móng, phần kết cấu thân đã thực hiện được hơn 72%. Công trình có hơn 30 công nhân, người lao động làm việc, hầu hết đều là người Thanh Hóa và một số tỉnh khác của Việt Nam. Trong số những người đang làm việc tại đây còn có anh Quế, quê Thanh Hóa đã gắn bó với mảnh đất Hủa Phăn hơn 12 năm.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 2): Gặp những người Việt trên đất Lào

Chị Thanh (quê huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cùng chồng là anh Phin mở nhà hàng Phin Thanh chuyên bán món ăn Việt.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 2): Gặp những người Việt trên đất Lào

Món bánh cuốn của người Việt trên đất Lào do chị Thanh làm.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 2): Gặp những người Việt trên đất Lào

Anh Phin học được cách làm món bún chả của Việt Nam và được nhiều người yêu thích.

Tiếp nối hành trình khám phá mảnh đất, con người thị xã Sầm Nưa, chị Súc Ban Chai đưa chúng tôi thưởng thức những món ăn đặc trưng của đất nước Lào cũng như các món Việt do người Việt hoặc người Lào làm.

Ở thị xã Sầm Nưa, nếu muốn thưởng thức món cơm Việt ngon, rẻ mọi người tìm đến quán Huế thương - là nhà hàng do bà chủ người Huế đến sinh sống và gây dựng nên; hay muốn đi ăn bún chả mang hương vị Hà Nội hoặc bánh cuốn Thanh Hóa mọi người tìm đến nhà hàng anh chị Phin Thanh. Chị Thanh là người con quê hương Thọ Xuân, còn anh Phin là người con Sầm Nưa. Chị Thanh sang sinh sống và làm ăn, lập gia đình tại Sầm Nưa đã gần 10 năm. Nhà hàng của chị phục vụ các món ăn Việt - Lào theo yêu cầu. Mỗi sáng cả gia đình anh chị Phin Thanh đều dậy sớm để làm bún chả và tráng bánh cuốn. Chị khéo tay tráng những chiếc bánh cuốn, anh nhanh nhẹn quạt chả, phục vụ khách. Nhìn phong cách phục vụ của hai anh chị nhẹ nhàng, chu đáo dành cho khách, chúng tôi cảm thấy vui, bởi dù là khoảng cách địa lý, ngôn ngữ khác biệt thì khi cùng đồng cảm, nỗ lực thì không có điều gì là không thể làm được.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 2): Gặp những người Việt trên đất Lào

Nhà hàng sinh thái Lào - Việt do chị Bích Quý - người con quê hương Thiệu Hóa (Thanh Hóa) xây dựng.

Ở thị xã Sầm Nưa, mọi người đã quen thuộc với nhà hàng sinh thái Lào - Việt. Chủ nhà hàng là chị Bích Quý - người con quê hương Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đến Sầm Nưa lập nghiệp, sinh sống đã hơn 23 năm. Khi biết chúng tôi từ Thanh Hóa sang thăm và làm việc tại Hủa Phăn, chị Quý nhiệt tình tiếp đón khi gặp gỡ những người đồng hương.

Chị Quý cho biết, năm 2001 chị bắt đầu sang Sầm Nưa làm ăn. Đường sá đi lại từ Việt Nam qua Lào ngày ấy còn khó khăn, những con đường đất dốc núi heo hút, gập ghềnh. Bắt đầu từ công việc bán quần áo, thu mua phế liệu rồi bán các loại thực phẩm Việt trên đất Lào. Năm 2021, chị bắt tay vào kinh doanh nhà hàng với mong muốn đem các món ăn Việt sang đất Lào cũng như chế biến các món Lào mà chị đã học hỏi, tìm tòi nền văn hóa ẩm thức của mảnh đất con người nơi đây. Nhà hàng sinh thái Lào - Việt có diện tích hơn 4.000 m2 bao gồm 1 khu lớn dành tổ chức sự kiện và 5 phòng Vip, xung quanh được dựng thêm 13 chòi, nhà lá để khách có không gian riêng.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 2): Gặp những người Việt trên đất Lào

Nhà hàng sinh thái Lào - Việt được xây dựng trên diện tích hơn 4.000 m2 - là nơi tổ chức các sự kiện, giao lưu ẩm thực cho mọi tầng lớp Nhân dân, du khách.

Chị Bích Quý tâm sự, khi bắt đầu kinh doanh nhà hàng cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 bước vào thời điểm phức tạp nhất khiến cho công việc bị ảnh hưởng, có thời điểm chị đã phải cho người lao động nghỉ việc. Năm 2022, khi dịch bệnh tạm ổn, việc kinh doanh bắt đầu trở lại thì đồng tiền Kíp (Lào) lại xuống giá, việc mua bán hàng hóa, giá cả giữa Việt Nam - Lào cũng trở nên chênh lệnh lớn. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chị Quý luôn tâm niệm mình nỗ lực cố gắng bởi chị nhận thấy con người Sầm Nưa chân thành, hiền lành, khí hậu mát mẻ, dễ chịu và môi trường làm ăn kinh doanh thân thiện. Và không chỉ riêng chị mà những người Việt Nam làm ăn, sinh sống tại Hủa Phăn luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền sở tại, đó cũng là điều mà chị tin tưởng, yên tâm gắn bó, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của nơi mình xem là quê hương thứ hai, tiếp tục vun đắp thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 2): Gặp những người Việt trên đất Lào

Chị Bích Quý (bên phải) đón tiếp khách tại nhà hàng sinh thái Lào - Việt.

Những ngày làm việc tại Sầm Nưa, chị Súc Ban Chai đưa chúng tôi đến thăm gia đình một người bạn và dự lễ buộc cổ chỉ tay của người Lào. Lễ buộc cổ chỉ tay thường tổ chức vào dịp quan trọng và hôm nay là ngày gia đình người bạn chị Súc Ban Chai làm lễ cho con chuẩn bị lên đường sang Việt Nam đi học.

Ở lễ buộc cổ chỉ tay của gia đình bạn chị Súc Ban Chai, chúng tôi gặp vợ chồng ông Lê Văn Hưng, Trưởng ban quản lý người Việt tại tỉnh Hủa Phăn, đồng thời là Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Hưng Phát (Công ty Hưng Phát) - đơn vị từng xây dựng các công trình thắm tình hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn như công trình Trường Chính trị - Hành chính tỉnh; Nhà tiếp khách hữu nghị tỉnh Hủa Phăn hiện được nâng cấp thành trụ sở làm việc của Uỷ ban Chính quyền tỉnh Hủa Phăn và mới đây là công trình Trụ sở Ủy ban Chính quyền huyện Sầm Nưa, Sầm Tớ. Điều chúng tôi xúc động và cảm thấy tự hào bởi hầu hết những người đến dự buổi lễ dù là người bản xứ hay người Việt đều quen biết và dành sự quý mến, ngưỡng mộ vợ chồng ông. Ông Lê Văn Hưng cũng là người góp phần gắn kết tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau của những người con Việt Nam trên đất Hủa Phăn.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 2): Gặp những người Việt trên đất Lào

Phóng viên Báo Thanh Hóa chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng doanh nhân Lê Văn Hưng.

Khi làm việc với Giám đốc Sở Ngoại vụ Bun Luôi Súc Thi Vông - Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Lào - Việt (tỉnh Thanh Hóa), ông cho biết, dân số tỉnh Hủa Phăn có 316.000 người, hiện nay có hơn 2.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, trong đó nhiều nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Những năm qua, những người con Việt Nam sinh sống tại Hủa Phăn (Lào) luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền và sự giúp đỡ của Nhân dân các dân tộc Lào, giúp cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn thuận lợi. Từ đó, đã và đang chung tay xây dựng tỉnh Hủa Phăn ngày một phát triển, là cầu nối vun đắp thêm truyền thống đoàn kết hữu nghị Lào - Việt nói chung và tình cảm thân thiết, gắn bó gia đình Hủa Phăn - Thanh Hóa nói riêng.

Ngọc Huấn - Nguyên Mai


Ngọc Huấn - Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]