(Baothanhhoa.vn) - Dù đang là ngày nghỉ cuối tuần, song do giới hạn về thời gian của chuyến công tác, chúng tôi vẫn được lãnh đạo Sở Thông tin, Văn hoá và Du lịch tỉnh Hủa Phăn (Nước CHDCND Lào) sắp xếp, tạo điều kiện làm việc, trao đổi thông tin. Những ngày sau đó, chúng tôi còn có dịp đi thăm một số điểm du lịch ở 2 huyện Viêng Xay và Sầm Tớ, qua đó cảm nhận rằng, du lịch là một ngành kinh tế mà tỉnh bạn có nhiều tiềm năng, song hiện vẫn chưa được khai thác nhiều.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ "đánh thức"

Dù đang là ngày nghỉ cuối tuần, song do giới hạn về thời gian của chuyến công tác, chúng tôi vẫn được lãnh đạo Sở Thông tin, Văn hoá và Du lịch tỉnh Hủa Phăn (Nước CHDCND Lào) sắp xếp, tạo điều kiện làm việc, trao đổi thông tin. Những ngày sau đó, chúng tôi còn có dịp đi thăm một số điểm du lịch ở 2 huyện Viêng Xay và Sầm Tớ, qua đó cảm nhận rằng, du lịch là một ngành kinh tế mà tỉnh bạn có nhiều tiềm năng, song hiện vẫn chưa được khai thác nhiều.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ “đánh thức”

Viêng Xay chào đón du khách với cảnh quan thiên nhiên hữu tình từ khi mới đặt chân tới.

Viêng Xay - khu căn cứ cách mạng Lào

Trong tiếng Lào “viêng” có nghĩa là thành phố, “xay” có nghĩa là chiến thắng, “viêng xay” với ý nghĩa là thành phố chiến thắng từng được Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản chọn làm bí danh trong thời gian hoạt động cách mạng.

Nằm cách trung tâm thị xã Sầm Nưa khoảng 30 km, ngay trên trục đường 6 cách biên giới Việt Nam 55 km, Viêng Xay đặc biệt nổi tiếng với hệ thống gần 500 hang động, nhiều trong số các hang động này được chọn làm nơi sinh sống, hoạt động cách mạng của các vị lãnh đạo tiền bối Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành của Lào thời kỳ 1964 -1972.

Đặt chân tới trung tâm huyện, du khách sẽ ấn tượng với dòng chữ tiếng Lào mang ý nghĩa “Viêng Xay - khu căn cứ cách mạng Lào” nổi bật trên ngọn núi cao nhất ở bản Na Kay, nhìn ra hồ Mặt trời xanh thẳm, tĩnh lặng, xung quanh là trùng điệp núi non.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ “đánh thức”

Cây cối bao quanh khu hang động Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản từng sinh sống, làm việc.

Theo chân hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi tới thăm 2 hang động mà Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản và Chủ tịch Xu Pha Nu Vông từng sinh sống, làm việc trong thời kỳ hoạt động cách mạng. Từ ngoài đi vào, vườn cây xanh đủ loại tôn lên vẻ đẹp xanh mướt của một khu du lịch còn khá hoang sơ.

Ấn tượng hơn cả là những loại cây ăn quả trồng theo khu vực từng hang, như tại nơi đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản sinh sống là cây ổi và xoài, còn tại hang của đồng chí Xu Pha Nu Vông trồng cây bưởi. Theo lời giải thích của hướng dẫn viên, những loại cây này được chọn dựa trên sở thích của các đồng chí lãnh đạo Lào thời kỳ này.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ “đánh thức”

Hoa Hom Phay bao quanh khuôn viên bên ngoài hang động của Chủ tịch Xu Pha Nu Vông.

Dưới sự bao bọc của tán rừng xanh, khuôn viên bên ngoài mỗi hang động còn được điểm tô bởi loài hoa Hom Phay với màu lá đỏ tía đặc trưng. Màu đỏ ấy tượng trưng cho sự hy sinh xương máu của bao người trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền ở đất nước Triệu Voi.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ “đánh thức”

Một phòng bên trong hang động của đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản.

Thế nhưng, ấn tượng hơn cả vẫn là khi du khách bước chân vào hang động. Không gian bên trong không chỉ rộng mà còn được cải tạo thành nhiều phòng, nhiều khu vực như: phòng ngủ, phòng làm việc, phòng họp của Bộ Chính trị, phòng của các thành viên trong gia đình, phòng của bảo vệ và cán bộ y tế, phòng chống chiến tranh hoá học và phóng xạ, phòng ăn, phòng bếp và vệ sinh… Trong hang động rộng khoảng chừng 1 ha của đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản, con đường dẫn từ khu vực ăn, ngủ và làm việc được nối liền với phòng họp Bộ Chính trị bởi con đường đào xuyên núi dài 42 km do bộ đội công binh Việt Nam thực hiện năm 1967.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ “đánh thức”

Cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập và một số sách tiếng Việt khác đang được lưu giữ và trưng bày trong phòng làm việc của đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản.

Đi qua từng căn phòng, tham quan những vật dụng và mô hình mô phỏng lại cách bài trí nơi các đồng chí lãnh đạo cấp cao của nước bạn từng sinh sống và lãnh đạo cuộc cách mạng đến ngày toàn thắng, những người Việt Nam như chúng tôi có cảm xúc đặc biệt gần gũi khi nhìn thấy cuốn sách Hồ Chí Minh tuyển tập và món quà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho lãnh đạo nước bạn được lưu giữ và trưng bày ở nơi trang trọng. Những món quà vật chất tuy đơn sơ nhưng đã cho thấy sự gắn kết giữa phong trào cách mạng 2 nước với nhau, trong thời chiến cũng như thời bình.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ “đánh thức”

Toàn cảnh huyện Viêng Xay từ điểm ngắm cảnh nhìn xuống.

Rời khu hang động, để bao quát vẻ đẹp của toàn Viêng Xay, chúng tôi còn được lãnh đạo huyện trực tiếp dẫn đi và giới thiệu điểm ngắm cảnh Viêng Xay - một công trình do Tỉnh đoàn Thanh Hoá tài trợ cho huyện năm 2018. Hiện nay, đây là một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến với Viêng Xay. Theo các bậc thang men theo triền núi đá, khi lên tới đỉnh, toàn cảnh Viêng Xay hiện ra với những mái nhà nhấp nhô, những ngọn núi bao quanh trùng điệp. Cũng từ đây, có thể thấy được sự đổi khác của “thành phố chiến thắng” qua từng giai đoạn phát triển.

Sầm Tớ với tiềm năng du lịch thác

Di chuyển tới Sầm Tớ qua tuyến đường miền núi quanh co và hiểm trở, huyện nghèo của Hủa Phăn dù còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhưng lãnh đạo huyện đã sớm định hướng phát triển ngành du lịch dựa trên những tiềm năng, thế mạnh đặc trưng.

Trao đổi với đồng chí Phon Chăn Kha Thăm Phôm, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch huyện Sầm Tớ, được biết huyện đã đưa vào khai thác 3 điểm du lịch hang động và thác nước tự nhiên. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình hiểm trở, đường xá đi lại còn nhiều khó khăn, điểm xa nhất cách trung tâm huyện tới 60 km, giáp với cửa khẩu Khẹo - Tha Lấu. Vì vậy, đến nay, Sầm Tớ vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch ở địa bàn.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ “đánh thức”

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Vang Nai.

Trên hành trình khám phá Sầm Tớ, chúng tôi có dịp trải nghiệm thực tế tại thác Vang Nai - 1 trong 3 điểm du lịch đã được huyện quy hoạch với tổng diện tích 1 ha. Vang Nai nằm cách trung tâm huyện chỉ 6 km với giao thông đi lại khá thuận lợi. Đây là thác nước tự nhiên có chiều dài 180 m, chia làm 2 tầng nước. Nếu tầng nước thứ nhất mang vẻ đẹp đặc trưng bởi bọt nước trắng xoá thì tầng nước thứ 2 lại ấn tượng hơn bởi vẻ hun hút trên cao, được bao quanh bởi những tán cây rừng.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ “đánh thức”

Một số hạng mục được thi công tại khu vực thác Vang Nai nhằm kinh doanh dịch vụ du lịch.

Để khai thác du lịch tại đây, Sầm Tớ đã chú trọng phát triển một số dịch vụ du lịch phụ trợ như xây dựng nhà hàng ăn uống quy mô nhỏ, bể bơi nhân tạo… Tuy nhiên, do lượng khách không đều, chỉ tập trung vào các ngày lễ, tết, nên vào thời điểm chúng tôi ghé thăm các dịch vụ này đang tạm dừng hoạt động.

Trăn trở đưa du lịch phát triển

Không chỉ Viêng Xay hay Sầm Tớ, trên địa bàn tỉnh Hủa Phăn, còn rất nhiều điểm du lịch khác đã được tỉnh quy hoạch và phát triển.

Qua buổi làm việc với đồng chí Phu Văn Phết My Xay, Phó Giám đốc Sở Thông tin, Văn hoá và Du lịch tỉnh Hủa Phăn, được biết Hủa Phăn là một tỉnh phong phú về tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá. Do là vùng núi cao, thời tiết ở Hủa Phăn quanh năm mát mẻ, khí hậu dễ chịu, là nét khác biệt so với tất cả các tỉnh, thành phố khác nước Lào.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ “đánh thức”

Du khách Lào tham quan và tìm hiểu các khu hang động tại huyện Viêng Xay.

Hiện nay, Hủa Phăn có 157 khu du lịch, trong đó bao gồm 64 khu danh lam thắng cảnh, 64 khu du lịch lịch sử và 29 khu du lịch văn hoá. Một số khu du lịch nổi bật có thể kể đến như hệ thống hang động ở huyện Viêng Xay, điểm du lịch Pa Thí (Sầm Nưa), đi thuyền trên sông Nậm Ét (huyện Hưa Mừa)… Về cơ sở lưu trú, toàn tỉnh có 11 khách sạn, 75 nhà nghỉ, 1 resort và 176 nhà hàng ăn uống.

Tuy nhiên, khó khăn trong phát triển du lịch của Hủa Phăn nằm ở vấn đề giao thông đi lại, toàn tỉnh có một sân bay dã chiến chỉ phục vụ được loại máy bay 12 chỗ ngồi, tần suất khai thác 1 ngày 1 chuyến, nghỉ ngày chủ nhật. Trong khi đó, hệ thống đường bộ nhỏ, hẹp, hiểm trở, khó thu hút khách du lịch. Đặc biệt, ở Hủa Phăn hiện chưa thành lập được các công ty du lịch, dịch vụ du lịch còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp, đây cũng là những nguyên nhân khiến du lịch ở đây vẫn chỉ nằm ở dạng tiềm năng.

Nhằm định hướng cho du lịch phát triển trong tương lai, đồng chí Phó Giám đốc Sở Thông tin, Văn hoá và Du lịch tỉnh Hủa Phăn cho biết: Tỉnh đã đề ra các giải pháp nhằm phát triển hệ thống đường giao thông, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ Dự án sân bay Nong Khang (Sầm Nưa); đồng thời chú trọng phát triển các dịch vụ du lịch, tổ chức tập huấn cho người dân làm du lịch để phát triển ngành du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững.

Hành trình trên đất Hủa Phăn (Bài 3): Tiềm năng du lịch đang chờ “đánh thức”

Điểm ngắm cảnh tại huyện Viêng Xay, công trình hữu nghị do Tỉnh đoàn Thanh Hoá hỗ trợ nguồn vốn.

Ngoài ra, là tỉnh giáp với một số tỉnh của Việt Nam, trong đó có Thanh Hoá, theo đồng chí Phu Văn Phết My Xay, tỉnh cũng sẽ tăng cường các hoạt động kết nối nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài đến với Hủa Phăn. Trong đó, ngoài việc phối hợp với tỉnh Thanh Hoá để trao đổi kinh nghiệm, quảng bá các điểm đến, 2 tỉnh đã kết nối được 1 số tour, tuyến du lịch trọng điểm như: Sầm Nưa - Thanh Hoá, Viêng Xay - Quan Sơn. Đây cũng là một cách để người dân 2 tỉnh, 2 nước có điều kiện thuận lợi để giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ ngoại giao đặc biệt đã được gây dựng và vun đắp từ lâu.

Khép lại hành trình tìm hiểu du lịch trên mảnh đất láng giềng, ngoài ấn tượng về vẻ đẹp thiên nhiên, những hang động kỳ vỹ đến khó tin qua bàn tay cải tạo của con người trong thời chiến; ấn tượng về dáng dấp Việt Nam ẩn hiện ở từng điểm đến; đọng lại sâu hơn cả là những trăn trở, nỗ lực của tỉnh bạn trong phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng.

Kết nối để phát triển, đặc biệt là với những tỉnh giáp biên như Thanh Hoá hay Nghệ An, Sơn La, đây là một định hướng quan trọng để du lịch Hủa Phăn sớm được khai thác đúng với tiềm năng vốn có.

Ngọc Huấn - Nguyên Mai


Ngọc Huấn - Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]