(Baothanhhoa.vn) - Hoằng Trường gần như là xã thuần ngư với đội tàu thuyền khai thác hải sản lớn nhất huyện Hoằng Hóa. Địa phương ven biển này có hàng chục cơ sở chế biến sứa, tuy nhiên đa phần các cơ sở đều xả trực tiếp nước thải ra môi trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng chục cơ sở chế biến sứa xả thải trực tiếp ra môi trường

Hàng chục cơ sở chế biến sứa xả thải trực tiếp ra môi trường

Nước thải trắng ngà, nổi bọt tại 1 cơ sở chế biến sứa ở thôn Linh Trường, xã Hoằng Trường.

Hoằng Trường gần như là xã thuần ngư với đội tàu thuyền khai thác hải sản lớn nhất huyện Hoằng Hóa. Địa phương ven biển này có hàng chục cơ sở chế biến sứa, tuy nhiên đa phần các cơ sở đều xả trực tiếp nước thải ra môi trường.

Bờ biển xã Hoằng Trường một ngày đầu tháng 4, ngoài rác thải bủa vây, những dòng nước thải từ cơ sở chế biến hải sản chảy vắt ngang bờ cát để “tống” thẳng ra biển. Cứ khoảng vài ba đến dăm trăm mét dọc biển, chúng tôi lại bắt gặp một dòng nước thải chảy ra, chủ yếu là của các cơ sở chế biến sứa.

Thấp thoáng trong những rừng phi lao, các cơ sở chế biến sứa thường được xây dựng tạm bợ, thành từng dãy nhà lợp ngói brô - xi măng, phân bổ sát ven biển. Đường nước thải từ các cơ sở này thường được chôn ngầm bằng đường ống nhựa cỡ lớn, khi cách mép nước biển chừng vài trăm mét thì để chảy tràn trên mặt biển. Một mùi tanh nồng, hôi hám bốc lên, lan tỏa. Đây là thực trạng đã diễn ra nhiều năm, gây bức xúc cho nhiều người dân địa phương, song chưa được quan tâm giải quyết.

Hàng chục cơ sở chế biến sứa xả thải trực tiếp ra môi trường

Đoạn bãi biển bị ô nhiễm bởi nước thải từ cơ sở chế biến sứa.

Theo chân anh Nguyễn Hữu H. - một người dân địa phương, chúng tôi được dẫn đi “mục sở thị” nhiều cơ sở chế biến sứa biển gây ô nhiễm trên địa bàn xã. Riêng tại thôn Linh Trường, hiện đã có 3 cơ sở chế biến khá lớn thi nhau xả thải ra biển. Từ đầu các ống ngầm, những dòng nước trắng đục đục lờ lờ như nước gạo, đặc quánh không ngừng tuôn ra. Trên nền cát, nước chảy lâu ngày đã tạo thành dải sâu, lúc róc rách, lúc tuôn chảy xối xả. Bãi biển đoạn gần mép nước, nước thải chảy chan hòa thành một khu vực rộng lớn cả trăm mét vuông. Những xác sứa, cá nhỏ lẫn trong nước lênh láng trên mặt cát biển.

Anh Nguyễn Hữu H., cho biết: Do đây là cuối mùa sứa nên sản lượng chế biến giảm mà đã như vậy. Nếu các anh về đúng lúc khai thác rộ, mức độ ô nhiễm còn lớn hơn nhiều. Bà Lê Thị V., một cư dân bản địa, bức xúc: Đã nhiều năm qua, mỗi khi gió đông là mùi hôi thối kinh khủng, lùa vào tận nhà. Đời sống những hộ dân gần các cơ sở chế biến hải sản nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề. Mong các ngành, các cơ quan liên quan của tỉnh vào cuộc, yêu cầu các chủ cơ sở phải có biện pháp xử lý chất thải mới được xả ra môi trường.

Trong vai người đi mua sứa thành phẩm đã qua sơ chế về dùng, chúng tôi đã thâm nhập được cơ sở chế biến sứa lớn bậc nhất ở đây. Gần chục công nhân với bao tay, ủng bảo hộ đang lội bì bõm trong dòng nước đục ngầu, dùng dao cắt sứa. Sau khi được cắt nhỏ, sứa được ném vào các bể lớn để ngâm. Hỏi về công suất chế biến, bà chủ cơ sở này cho biết, mỗi ngày đều chế biến được từ 20 đến 30 tấn sứa tươi. Nguồn sứa được thu gom từ hàng trăm bè luồng và tàu cá loại nhỏ đánh bắt về mỗi ngày. Qua quan sát, nước thải liên tục tuôn chảy trực tiếp ra hệ thống ống thải để đưa ra biển, không hề có khu vực thu gom để xử lý theo quy định.

Được biết, mùa sứa hằng năm thường kéo dài từ tháng 10 âm lịch năm trước đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch năm sau. Mỗi cơ sở chế biến đều xây dựng trên dưới 10 bể xi măng, mỗi bể hàng chục mét khối để ngâm và sơ chế sứa. Sứa được ngâm dung dịch nước muối và phèn một thời gian thì săn lại. Chủ các cơ sở chế biến tháo nước đi để lấy phần sứa đã qua sơ chế, bán cho các tư thương và người dân địa phương sử dụng. Toàn bộ nước này đều xả thải thẳng ra biển, không hề được thu gom xử lý.

Trên địa bàn xã vùng biển này hiện có hơn 10 cơ sở chế biến sứa quy mô lớn, với công suất chế biến hàng chục tấn sứa tươi mỗi ngày. Lượng nước thải hằng ngày tuy chưa có ai thống kê, nhưng có thể phỏng đoán hàng nghìn mét khối. Đáng nói, ngay phía Nam của các khu chế biến này là Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, phía Bắc lại là khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn Flamingo đang xây dựng. Nếu không được kiểm soát, yêu cầu các cơ sở phải có bể thu gom nước thải xử lý trước khi đưa ra môi trường, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển và hoạt động du lịch.

Nhóm PV


Nhóm PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]