(Baothanhhoa.vn) - Theo Khoản 4, Điều 3, Luật Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT), có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 quy định: Túi ni lông là đối tượng thứ 4 phải chịu thuế môi trường (với mức từ 30 – 50.000 đồng/kg)... Việc đánh thuế cao nhằm làm tăng giá bán, giảm dần việc sử dụng túi ni lông như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người không biết rõ về việc áp dụng thuế cũng như còn khá thờ ơ với việc hạn chế sử dụng mặt hàng được coi là tiện lợi nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông: Cần nhiều giải pháp quyết liệt

Theo Khoản 4, Điều 3, Luật Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT), có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 quy định: Túi ni lông là đối tượng thứ 4 phải chịu thuế môi trường (với mức từ 30 – 50.000 đồng/kg)... Việc đánh thuế cao nhằm làm tăng giá bán, giảm dần việc sử dụng túi ni lông như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người không biết rõ về việc áp dụng thuế cũng như còn khá thờ ơ với việc hạn chế sử dụng mặt hàng được coi là tiện lợi nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao này.

Rác thải từ việc sử dụng túi ni lông đang trở thành thảm họa của môi trường.

Thói quen khó từ bỏ

Không biết thông tin về việc áp thuế BVMT với túi ni lông từ đầu năm 2012, chị Nguyễn Thị Hoan, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) cho biết: Hiện nay, túi ni lông vẫn là sản phẩm mang, xách chủ yếu và được miễn phí tại các chợ sau khi mua hàng. “Thậm chí, dù mua một mặt hàng, người bán vẫn sẵn sàng đưa tôi thêm hai, ba chiếc túi ni lông nếu cần”. Dù biết túi ni lông gây ảnh hưởng đến môi trường nhưng theo chị Hoan, hiện thói quen tiêu dùng đã khiến cảm giác không có loại túi nào tiện dụng hơn túi ni lông. “Đựng thực phẩm khô thì có thể sử dụng túi giấy hoặc túi vải nhưng với thực phẩm tươi sống hoặc có nước thì chỉ có thể dùng túi ni lông”, chị Hoan khẳng định.

Chị Lê Thị Thơm, một người bán túi ni lông tại chợ Vườn Hoa bày tỏ: Với giá cả phải chăng chỉ từ 30.000-60.000 đồng/kg (tùy sản phẩm) nên lượng người mua túi vẫn nhiều. “Hàng ngày tôi vẫn bán được từ 20-30kg, có lẽ do chưa có loại túi thay thế phù hợp, vừa rẻ, vừa tiện lợi nên lượng người mua không giảm”.

Là một khách hàng thường xuyên của siêu thị Co.opmart, một trong số các siêu thị có bán loại túi thân thiện với môi trường nhưng anh Trần Văn Đạt, xã Hoằng Phúc (Hoằng Hóa) vẫn trung thành với sản phẩm túi ni lông. Anh cho biết, qua giới thiệu của nhân viên siêu thị, anh cũng đã thử sử dụng loại túi thân thiện với môi trường khi đi mua hàng tại đây. Tuy nhiên, theo anh, dùng túi sử dụng nhiều lần sẽ giúp BVMT nhưng rất khó vì “khi đi làm kết hợp với mua sắm lại phải mang theo túi này. Nhiều lúc đi từ nhà đến siêu thị thì lại quên mang theo túi”. Anh Đạt phân tích: Túi ni lông được phát miễn phí và sau mỗi lần sử dụng có thể vứt đi ngay, hoặc mang về nhà dùng để đựng rác, trong khi túi thân thiện với môi trường phải giặt để dùng lại, nếu dùng một lần rồi vứt đi cũng phí và tốn kém. Vì vậy thói quen mua sắm bấy lâu cho thấy việc được phát miễn phí túi ni lông khi mua hàng, sử dụng tiện lợi là khó thay đổi.

Chị Lê Thị Hà, nhân viên siêu thị Co.opmart cho biết: Từ năm 2011, hệ thống các siêu thị Co.opmart đã triển khai túi tự hủy thay cho túi ni long. Loại túi này có ưu điểm là khả năng tự phân hủy sinh học trong môi trường tự nhiên. Thời gian phân hủy sinh học hoàn toàn trung bình từ 9 đến 27 tháng. Bên cạnh những túi ni lông phát sẵn miễn phí, nhân viên siêu thị đều giới thiệu mặt hàng túi thân thiện với môi trường để khách hàng lựa chọn. Loại túi này được siêu thị bán với giá 5.500 đồng/túi nhỏ và 6.500 đồng/túi to. Để khuyến khích khách hàng sử dụng túi thân thiện với môi trường, với những khách hàng có thẻ ưu đãi thì có thể mua loại túi này với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, khách hàng đa số vẫn lựa chọn túi ni lông vì đây là mặt hàng miễn phí.

Cần các biện pháp quyết liệt hơn

Do tính tiện lợi, túi ni lông đã trở thành một loại bao bì được ưa chuộng nhưng nó đang trở thành nỗi lo cho môi trường. Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường phân tích: Túi ni lông lẫn vào đất ngăn cản oxy đi qua đất, làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, gây xói mòn đất. Túi ni lông lọt vào cống, rãnh, kênh, rạch dễ làm tắc nghẽn gây ngập úng. Các hóa chất độc hại còn sót hoặc lẫn trong quá trình sản xuất túi ni lông cũng sẽ thâm nhập vào đất, vào nguồn nước, vào đồ ăn thức uống gây tổn hại sức khoẻ con người. Túi ni lông bị vứt bừa bãi khắp nơi gây mất mỹ quan, tác động tiêu cực tới du lịch, gây phản cảm với du khách...

Cùng với thực hiện Luật Thuế BVMT đánh thuế vào mặt hàng túi ni lông, trên phạm vi cả nước cũng như ở tỉnh đã và đang tích cực vận động người dân hạn chế sử dụng ni lông bằng cách tuyên truyền về tác hại của nó, thành lập các câu lạc bộ không sử dụng túi ni lông, giới thiệu và tổ chức phát miễn phí các loại túi dễ phân hủy thay thế túi ni lông... Song, để phát huy hơn nữa các giải pháp hạn chế sản xuất, tiêu dùng túi ni lông, thiết nghĩ dù là loại túi ni lông nào nhưng có nguy hại đến môi trường đều được đưa vào diện chịu thuế BVMT. Công tác quản lý hoạt động sản xuất túi ni lông cần được thực hiện nghiêm ngặt; các cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành để tổ chức thu thuế BVMT đạt kết quả cao. Song hành với đó là ưu tiên hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu sản xuất các loại bao bì khác có công dụng tương tự, vừa tiện lợi, dễ phân hủy, vừa có giá cả hợp lý; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng xã hội về tác hại của túi ni lông, vận động cộng đồng xã hội hạn chế sử dụng túi ni lông...

Hạn chế và kiểm soát tác hại của rác thải túi ni lông không dễ nhưng với sự cương quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện các giải pháp trên, tin rằng bản thân mỗi người sẽ góp phần quan trọng vào việc BVMT của chúng ta khỏi tác hại từ rác thải túi ni lông.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]