(Baothanhhoa.vn) - Tôi bất ngờ khi gặp lại Trịnh Văn Đức - “cậu bé” đã từng đạt giải đặc biệt tại cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2008” với mô hình “Máy tách hạt ngô tự động Đ1”. Sau 13 năm, Đức tiếp tục khẳng định bản thân bằng những thành công trên con đường lập nghiệp. Anh giờ là “ông chủ” của 3 công ty, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động...

Gặp lại cậu bé với mô hình “Máy tách hạt ngô tự động Đ1”

Tôi bất ngờ khi gặp lại Trịnh Văn Đức - “cậu bé” đã từng đạt giải đặc biệt tại cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2008” với mô hình “Máy tách hạt ngô tự động Đ1”. Sau 13 năm, Đức tiếp tục khẳng định bản thân bằng những thành công trên con đường lập nghiệp. Anh giờ là “ông chủ” của 3 công ty, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động...

Gặp lại cậu bé với mô hình “Máy tách hạt ngô tự động Đ1”Trịnh Văn Đức tại lễ trao giải Cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2008”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ký ức

Trịnh Văn Đức quê ở xã Hoằng Lương (bây giờ là xã Hoằng Sơn, Hoằng Hóa). Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đức “nổi tiếng” là cậu học trò nghèo nhưng thông minh, học giỏi.

13 năm về trước, khi đấy Trịnh Văn Đức đang là học sinh lớp 12A5, Trường THPT Hậu Lộc II (Hậu Lộc). Mô hình “Máy tách hạt ngô tự động Đ1” ra đời bắt đầu từ ý tưởng khi Đức nhìn thấy nỗi vất vả, nhọc nhằn của bà con nông dân vào mùa thu hoạch ngô, phải tách hạt ngô bằng cách thủ công nên các ngón tay thường bị phồng rộp, đỏ tấy. “Máy tách hạt ngô tự động Đ1” được chạy bằng động cơ điện, thân thiện với môi trường, tiết kiệm điện năng và dễ sử dụng. Ngoài mô hình này, trước đó, Trịnh Văn Đức còn có “duyên” đạt giải với nhiều mô hình khác. Ngay từ năm lớp 8, cũng tại cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” vào năm 2005, Đức đạt giải nhất với mô hình “Rô bốt tình thương”, giải nhì năm 2006 với mô hình “Dòng điện từ biển khơi” và năm 2017 là mô hình “Nước có thể đốt cháy”.

Năm 2009, Trịnh Văn Đức thi đỗ Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học FPT (Hà Nội). Đây cũng là thời gian bố anh mất vì bệnh. Đằng sau sự mất mát quá lớn này thì gia đình anh lại gánh thêm một khoản nợ 300 triệu đồng từ việc chữa trị bệnh cho bố và những công nợ khác của gia đình. Gạt nỗi buồn, Trịnh Văn Đức vẫn quyết tâm ra Hà Nội nhập học còn mẹ và em út vào miền Nam sống với gia đình chị gái.

Vượt lên chính mình

Đặt chân đến thủ đô, bước vào cổng trường đại học, Trịnh Văn Đức phải tự lo toàn bộ tiền học phí, ăn ở, sinh hoạt và cả tiền nợ ở quê nhà. Anh nhớ lại: “Những ngày đầu làm sinh viên, nghĩ đến tương lai thấy mịt mờ. Có lúc, tôi đã nghĩ quẩn, muốn biến mất khỏi cuộc đời này. Nhưng nếu tôi không còn, lấy ai lo cho mẹ và em gái. Và tôi lao vào làm việc, việc gì cũng làm miễn đừng ăn trộm, ăn cắp...”.

Năm đầu đại học, Trịnh Văn Đức chỉ nặng 42kg, cao 1,6m nhưng anh đã kinh qua nhiều việc từ rửa bát thuê, bưng bê, chạy bàn, kéo xe đất, làm bếp... Sang năm thứ 2, Trịnh Văn Đức chuyển sang buôn bán điện thoại. Để có số vốn đầu tư, anh “đánh liều” đi vay nóng, lãi suất cao và chấp nhận khả năng rủi ro, nếu thua lỗ sẽ ngồi tù. May mắn, chỉ 6 tháng sau, anh trả hết nợ lãi và món nợ 300 triệu đồng ở quê, đồng thời vẫn để ra được ít vốn, chuyển sang kinh doanh linh kiện máy tính và quần áo...

Trong 5 năm học đại học (2009-2014), Trịnh Văn Đức vừa học vừa làm, đa nghề và thành công. Không dừng ở đây, thời sinh viên, anh còn nổi tiếng với vai trò là Chủ tịch Câu lạc bộ “Tình nguyện vì sinh viên”. Anh đã kết nối các doanh nghiệp, giảng viên các trường đại học để dạy miễn phí tiếng Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học tại Hà Nội. Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn định hướng nghề nghiệp, ước mơ, khát vọng về một tương lai sáng cho sinh viên...

Đạt nhiều giải thưởng về kỹ thuật nhưng hướng đi sau này của Trịnh Văn Đức lại không liên quan đến kỹ thuật. Anh thành công ở nhiều lĩnh vực. Bất ngờ, là trên con đường lập nghiệp, Đức chưa bao giờ gặp thất bại, dường như mọi việc với anh đều thuận lợi, chỉ tiến không lùi.

Sau khi ra trường, Trịnh Văn Đức tiếp tục chọn Hà Nội để lập nghiệp. Năm 2015, anh về làm việc tại Công ty CMC IT Security của Ấn Độ với vai trò là Trưởng Phòng Điều hành an ninh mạng. Đồng thời, anh học thêm nghiệp vụ báo chí và trong năm 2016, anh thành lập Công ty Truyền thông Chuông Việt. Hiện có gần 1.000 nhân viên đang làm tại công ty này. Năm 2018, anh mua lại chuỗi nhà hàng JOJO sau khi chủ nhà hàng này làm ăn thua lỗ. Hiện nhà hàng có 13 chi nhánh từ Nam ra Bắc. Năm 2019, anh thành lập Công ty TNHH Hồng Việt, chuyên sản xuất rượu dân tộc.

30 tuổi, Trịnh Văn Đức đã có số tài sản nhiều người mơ ước. Đức lý giải về thành công của mình: “Tôi nghĩ là làm nhưng phải nhìn được khả năng thành công bao nhiêu rồi mới bắt tay vào làm. Tôi không sợ thất bại. Nếu sợ sẽ không thể liều. Trong kinh doanh, tôi luôn tâm niệm, phải đặt chữ Tâm làm đầu. Trong cuộc sống cũng vậy...”.

Trở về Thanh Hóa lần này, Trịnh Văn Đức đang dự kiến, tới đây, sẽ thành lập Công ty Sản xuất miến và mì ăn liền tại xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa). Điều này anh ấp ủ từ lâu, vẫn muốn làm điều gì đó trên chính quê hương mình.

Trên hành trình lập nghiệp, thật lạ, Trịnh Văn Đức chưa bao giờ muốn buông bỏ, lúc nào cũng hừng hực niềm tin vào chiến thắng.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]