(Baothanhhoa.vn) - Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) được thành lập năm 1990 và mới triển khai thí điểm nuôi dưỡng tự nguyện từ năm 2018. Thế nhưng với nhiều tiện ích cùng không gian thoáng mát, đội ngũ cán bộ, y tế nhiệt huyết... đang trở thành địa chỉ tin cậy dành cho người cao tuổi.

Địa chỉ tin cậy dành cho người cao tuổi

Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) được thành lập năm 1990 và mới triển khai thí điểm nuôi dưỡng tự nguyện từ năm 2018. Thế nhưng với nhiều tiện ích cùng không gian thoáng mát, đội ngũ cán bộ, y tế nhiệt huyết... đang trở thành địa chỉ tin cậy dành cho người cao tuổi.

Địa chỉ tin cậy dành cho người cao tuổi

Bác sĩ khám sức khỏe cho cụ Bùi Thị Phương, 80 tuổi sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 theo hình thức nuôi dưỡng tự nguyện.

Có mặt tại khu nuôi dưỡng đối tượng xã hội tự nguyện thuộc Trung tâm Bảo trợ số 2 vào đầu buổi sáng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không gian thoáng mát, cảnh quan hài hòa, cơ sở vật chất trang thiết bị được bố trí phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của người cao tuổi. Trò chuyện với cụ Bùi Thị Phương, 80 tuổi (TP Thanh Hóa), sống ở trung tâm đã gần 1 năm và được biết: Cụ là vợ liệt sĩ, có một con trai nhưng chẳng may bị tai nạn giao thông. Thế nên, mọi gánh nặng công việc đều dồn lên vai người con dâu. Để bớt gánh nặng cho con cái, cụ đã bàn bạc với con rồi làm đơn xin vào trung tâm theo hình thức nuôi dưỡng tự nguyện. Thời gian đầu, cụ Phương cũng cảm thấy cô đơn, trống trải vì xa nhà, chưa hòa nhập với môi trường mới. Thế nhưng, được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ cán bộ, nhân viên và được trò chuyện cùng các bạn già nên cụ đã nhanh chóng hòa nhập và thích nghi. Sau gần 1 năm sống tại đây, tinh thần của cụ vui vẻ, lạc quan lên rất nhiều, sức khỏe cũng có phần khá hơn trước.

Cũng có niềm lạc quan, sống vui khỏe bên những người bạn già, bà Vũ Thị Đào (Hà Trung) từ lâu đã coi trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình. Bà chia sẻ: “Tôi không biết mọi người nghĩ thế nào nhưng bản thân tôi cảm thấy rất thoải mái. Ở đây, chúng tôi được chăm sóc chu đáo, lại có đội ngũ y tế túc trực, quan sát và lo cho mọi sinh hoạt cá nhân. Nhiều người hay suy nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng theo tôi, bây giờ xã hội hiện đại nên chúng ta cũng cần phải có suy nghĩ cởi mở và thoáng hơn. Vào ở trung tâm theo hình thức chăm sóc tự nguyện cũng là một lựa chọn tốt cho chính mình và con cái”.

Theo quan sát của chúng tôi, từ phòng ăn, ở, phòng sinh hoạt tập thể, phòng phục hồi chức năng đều được trung tâm bố trí một cách khoa học, với đầy đủ trang thiết bị chăm sóc sức khỏe. Các nhân viên của trung tâm rất nhiệt tình và chu đáo, ân cần hỏi han, động viên, thăm khám sức khỏe cho các cụ. Bà Phạm Ngọc Anh, Trưởng khoa chăm sóc người già cô đơn và trẻ mồ côi, chia sẻ: “Hiện tại, trung tâm đang duy trì nuôi dưỡng 13 đối tượng tự nguyện, chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật có độ tuổi từ 60 đến 90 tuổi, tình trạng sức khỏe yếu, nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh về xương khớp, huyết áp và bệnh lẫn của tuổi già. Khi chăm sóc các đối tượng tự nguyện cần nhất là sự quan tâm ân cần, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ví như, đối với các cụ người cao tuổi còn minh mẫn, đòi hỏi sự khéo léo trong cư xử của người nhân viên, với các cụ đã lẫn thì cần có sự hiểu biết, nhẫn nại. Và quan trọng nhất đó là cái “tâm” của người làm nghề, phải biết chia sẻ đồng cảm đối với những người cao tuổi và người khuyết tật”.

Tùy theo sức khỏe của từng đối tượng, trung tâm sẽ có phác đồ cũng như cách thức chăm sóc riêng cho phù hợp. Hàng ngày, đội ngũ nhân viên y tế đều trực tiếp đến phòng kiểm tra tình trạng sức khỏe, đo huyết áp và xoa bóp bấm huyệt cho các cụ. Đối với một số các cụ bị tai biến nhẹ có khả năng phục hồi, trung tâm có hệ thống máy tập kết hợp xoa bóp để phục hồi chức năng, giúp cải tạo tình trạng sức khỏe. Cùng với đó là xây dựng được một không gian sinh hoạt vui tươi, tránh nhàm chán, như tổ chức đọc sách báo, xem tivi, đánh cờ tướng, chơi cầu lông...

Ông Nguyễn Kiều Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu hiện nay khi con cái bận công việc, đi làm ăn xa, hoặc gia đình neo người không có điều kiện chăm sóc tốt cho bố mẹ, họ rất cần một địa chỉ tin cậy để gửi gắm việc chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ mình. Thế nên, từ tháng 5-2018, tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương thực hiện thí điểm nuôi dưỡng đối tượng xã hội tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2. Đến nay, việc nuôi dưỡng đối tượng xã hội tự nguyện đã cho thấy những hiệu quả bước đầu, khi nhận được phản hồi tích cực từ phía người được chăm sóc và gia đình họ. Điều đó cho thấy sự tin tưởng và cởi mở của người dân trong lựa chọn hình thức nuôi dưỡng tự nguyện cho người cao tuổi. Với người già, quan trọng nhất là tạo được môi trường sống phù hợp. Bởi vậy, ngoài việc tạo không gian ăn, ở thuận tiện, hợp lý thì chúng tôi luôn chú trọng xây dựng một môi trường sống mà ở đó người cao tuổi được chăm sóc về chế độ dinh dưỡng hợp lý, được chăm sóc y tế thường xuyên và đặc biệt là được tham gia những hoạt động tinh thần phù hợp. Cũng bởi thế nên có đến 80% đối tượng từ khi vào ở tại trung tâm, chỉ sau 6 tháng đến 1 năm đều có sự thay đổi tích cực trong vận động, đi lại, tinh thần cũng phấn chấn, lạc quan hơn rất nhiều. Hiện tại, ngoài đối tượng là người cao tuổi, trung tâm còn hướng đến dịch vụ nuôi dưỡng đối tượng xã hội tự nguyện là trẻ tự kỷ và phấn đấu để trở thành địa chỉ tin cậy, đồng hành cùng nhiều gia đình trong chăm sóc, nuôi dưỡng người thân. Về kinh phí nuôi dưỡng đối tượng xã hội tự nguyện mức thấp nhất là 3.300.000 đồng/người/tháng; còn mức cao nhất là 7.682.000 đồng/người/tháng, tùy theo tình trạng sức khỏe. Mức này không bao gồm thuốc điều trị các bệnh mãn tính, điều trị phục hồi sau phẫu thuật. Qúa trình chăm sóc nuôi dưỡng ở Trung tâm nếu mắc bệnh vượt quá khả năng điều trị của đơn vị phải chuyển tuyến điều trị gia đình phải chịu trách nhiệm.

Có thể nói, việc nuôi dưỡng đối tượng xã hội tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người cao tuổi của tỉnh hiện nay. Thời gian tới, để dịch vụ nuôi dưỡng đối tượng xã hội tự nguyện ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, trung tâm sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp học đào tạo, bồi dưỡng phong cách ứng xử, kỹ thuật chăm sóc người cao tuổi; quan tâm nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, người lao động, phấn đấu 100% đạt chuẩn theo quy định.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]