(Baothanhhoa.vn) - Đề tài lịch sử được ví như mảnh đất vô cùng màu mỡ cho bộ môn nghệ thuật thứ 7 khai thác và sáng tạo nên những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày Điện ảnh Việt Nam 15-3:

Để lịch sử “thăng hoa” cùng nghệ thuật thứ 7

Để lịch sử “thăng hoa” cùng nghệ thuật thứ 7

Khai thác tốt tư liệu lịch sử để xây dựng các tác phẩm điện ảnh xứng tầm (trong ảnh: Màn sân khấu hóa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong Lễ hội Lam Kinh).

Đề tài lịch sử được ví như mảnh đất vô cùng màu mỡ cho bộ môn nghệ thuật thứ 7 khai thác và sáng tạo nên những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn.

Trong thực tế, một tác phẩm phim cổ trang (cả lịch sử và dã sử), có chất lượng tốt về cả nội dung lẫn giá trị nghệ thuật; thì không chỉ chạm đến cảm xúc, tình cảm của người xem; mà còn nâng tầm giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục của điện ảnh, mà một số dòng phim hiện nay khó có thể đạt được.

Nói đến những bộ phim cổ trang, dựa trên một phần “chất liệu” lịch sử, hẳn người mê điện ảnh còn ít nhiều ấn tượng với “Đêm hội Long Trì”. Đây được xem là một trong những tác phẩm kinh điển của dòng phim cổ trang Việt, khi đạt được hầu hết các yêu cầu về nội dung, chất lượng nghệ thuật, diễn xuất, phục trang, bối cảnh... Đặc biệt, câu chuyện hấp dẫn xuất phát từ những mâu thuẫn, âm mưu, cung đấu trong hoàng cung thời Lê - Trịnh, đã thực sự gây ấn tượng đối với khán giả. Để rồi, dù đã hơn 30 năm kể từ khi ra mắt, đây vẫn được xem là một mẫu mực của dòng phim cổ trang nước nhà và là tác phẩm đáng để các nhà làm phim sau này học hỏi, nếu muốn khai thác tư liệu lịch sử và dã sử. Cùng thời kỳ với “Đêm hội Long Trì” còn có “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Hoàng Hoa Thám”... cũng ít nhiều để lại được dấu ấn. Gần đây, phim Việt cũng có thêm một số tác phẩm điện ảnh dựa trên những câu chuyện, sự kiện và nhân vật lịch sử. Điển hình phải kể đến “Khát vọng Thăng Long”, “Tây Sơn hào kiệt”, “Kiếp phù du”, “Long Thành cầm giả ca”, “Ngọn nến hoàng cung”, “Thiên mệnh anh hùng”...

Tuy nhiên, nếu nhìn vào số lượng các tác phẩm được gọi là tiêu biểu và đáng xem kể trên, thì dòng phim cổ trang Việt rõ ràng không thể thỏa mãn nhu cầu của người xem. Điều này hoàn toàn trái ngược với mức độ phổ biến, số lượng và chất lượng của những bộ phim cổ trang Trung Quốc và gần đây là Hàn Quốc, đang làm mưa làm gió trên màn ảnh. Hẳn với không ít khán giả mê phim cổ trang, các tác phẩm kinh điển của điện ảnh Trung Quốc như “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Hồng lâu mộng”, “Tây du ký”, “Bao Thanh Thiên”, “Hoàn Châu cách cách”... đã vô cùng quen thuộc. Gần hơn thì có “Anh hùng xạ điêu”, “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”...; và gần nhất là “Bộ bộ kinh tâm”, “Diên Hy công lược”, “Hậu cung Như Ý truyện”... Những bộ phim khai thác đề tài lịch sử và những câu chuyện dã sử hết sức đa dạng, dưới nhiều khía cạnh, nhiều góc độ từ kiếm hiệp, cung đấu, đến ngôn tình, hài hước.

Trong khi, dân tộc Việt Nam có lịch sử lâu đời, với vô số trang sử vẻ vang, gắn liền với tiến trình đấu tranh dựng nước, giữ nước và giành độc lập dân tộc. Đây cũng chính là cơ sở khiến bạn bè và nhân dân các nước trên thế giới ngưỡng mộ và khâm phục Việt Nam. Có thể kể ra hàng chục ví dụ điển hình, cả về sự kiện lẫn nhân vật lịch sử. Chẳng hạn khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu, đại thắng Bạch Đằng Giang gắn liền với tên tuổi Ngô Quyền, ba lần đại thắng quân Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần, khởi nghĩa Lam Sơn với Bình Định Vương Lê Lợi và đại nghiệp của nhà Hậu Lê, cuộc tiến công thần tốc của vua Quang Trung ra Bắc đại phá quân Thanh... Thế nhưng, thật vô cùng đáng tiếc khi chưa có được những tác phẩm điện ảnh xứng tầm, hay nâng tầm giá trị lịch sử và trở thành niềm tự hào của điện ảnh Việt. Sự lép vế hay đúng hơn là hoàn toàn vắng bóng của những bộ phim về lịch sử, thậm chí là dã sử khi chỉ dựa một phần yếu tố lịch sử, nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử dân tộc, là một thực tế. Trong khi, số lượng phim nước ngoài lớn, “thượng vàng hạ cám” đủ cả, được chiếu liên tục năm này qua tháng khác và nhiều phim chiếm sóng trên các khung giờ vàng, với lượng rating khủng, cũng là một thực tế.

Chưa hết, còn một thực tế nữa đã được chỉ ra, đó là việc nhập khẩu và đưa lên sóng truyền hình quá nhiều, thiếu chọn lọc, trong đó có dòng phim cổ trang, đã và đang ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận khán giả, đặc biệt là lớp trẻ. Có những chuyện tưởng chừng bình thường nhưng lại hết sức bất thường, khi mà nhiều khán giả mê phim thậm chí còn thuộc làu tên tuổi nhân vật lịch sử, thời đại và các sự kiện lịch sử của Trung Quốc, hơn cả lịch sử Việt Nam. Nhiều học sinh còn “hồn nhiên” đến độ khi cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai nhân vật khác nhau... Trong khi đó, từ sớm Bác Hồ đã nhắn nhủ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời”. Nhắc lại để thấy vai trò và năng lực mờ nhạt của điện ảnh nước nhà, trong việc làm “thăng hoa” các giá trị lịch sử một cách nghệ thuật. Từ đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân đất Việt.

Ngày nay, phát triển công nghiệp văn hoá đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hoá của các nước trên thế giới. Trong đó, công nghiệp điện ảnh, nghe nhìn và công nghiệp phát thanh, truyền hình đang trở thành những mũi nhọn phát triển hàng đầu. Do vậy, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài sân chơi, khi mà chúng ta có rất nhiều tiềm năng phát triển. Vấn đề là hướng đi ra sao và sự đầu tư thế nào cho phù hợp, hiệu quả. Theo định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, thì việc củng cố và phát triển nền điện ảnh Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc cần được chú trọng. Đồng thời, hiện đại hoá công nghiệp điện ảnh và xây dựng, phổ biến được nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam vừa giàu giá trị nghệ thuật, vừa có tính thương mại, tính cạnh tranh đến với nhiều nước trên thế giới. Đó là những vấn đề đã và đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.

“Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, xác định rằng, các quốc gia ngày càng đề cao tính đặc thù và bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời, coi trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá, đấu tranh chống khuynh hướng đồng hoá về văn hóa, chọn lọc và tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hoá của nhân loại. Chính vì vậy, điện ảnh Việt Nam nói chung, với dòng phim cổ trang khai thác đề tài lịch sử nói riêng, càng cần chú trọng đến những vấn đề mấu chốt kể trên. Từ đó, ngày càng cho ra đời những tác phẩm vừa có tâm về nội dung, vừa có tầm về giá trị nghệ thuật, xứng với bề dày truyền thống lịch sử và góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trong biển hội nhập.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]