(Baothanhhoa.vn) - Từ năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh hoạt động quan trắc tổng hợp môi trường biển

Từ năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển.

Việc làm này đã và đang góp phần đánh giá hiện trạng chất lượng, xác định được xu thế, diễn biến chất lượng môi trường vùng biển, ven biển của tỉnh, qua đó, đề xuất phương án phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ TN&MT biển.

Thực hiện chương trình quan trắc, hằng năm, Sở TN&MT phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành 4 đợt điều tra, khảo sát, thu thập, lấy mẫu môi trường tại các cửa sông, cảng biển, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, khu nuôi hải sản tập trung, khu du lịch biển và các mặt cắt mở rộng phía biển thuộc các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn. Kết quả thực hiện trong năm 2017 cho thấy, chất lượng nước biển ven bờ của tỉnh, như: pH, mangan, thủy ngân, tổng chất rắn lơ lửng... đều nhỏ hơn giới hạn cho phép theo QCVN 10:2008/BTNMT. Tuy nhiên, ở các khu nuôi hải sản tập trung thuộc các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và khu nuôi cá lồng bè Vịnh Nghi Sơn (Tĩnh Gia) hàm lượng NH4+ và Fe vượt quy chuẩn cho phép từ 0,57 đến 14,98 lần. Đối với mẫu chất lượng trầm tích đáy biển ven bờ, như: pH; Cadimi (Cd); Asen (As); Kẽm (Zn); Chì (Pb); Thủy ngân (Hg); Đồng (Cu); Crom (Cr); Niken (Ni); chất hữu cơ; hóa chất bảo vệ thực vật nhóm Clo hữu cơ (Endrin), nhóm Photpho hữu cơ (Paration) trong các đợt quan trắc tại các vị trí đều có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép theo QCVN 43:2012/BTNMT. Môi trường không khí các khu cảng biển, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT... Từ kết quả quan trắc này các cơ quan quản lý nắm bắt được hiện trạng, xu hướng diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời phát hiện, cảnh báo các sự cố ô nhiễm môi trường cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Trong năm 2018, chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển tiếp tục được tăng cường thực hiện và chia thành 4 đợt. Trong đó, sẽ lấy tổng số 36 mẫu quan trắc trầm tích đáy, nước biển ven bờ và sinh vật biển ở 12 vị trí thuộc các khu nuôi hải sản tập trung huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Tĩnh Gia trong mỗi đợt quan trắc. Tần suất quan trắc khu vực này là 6 lần/năm. Đối với quan trắc môi trường tại các cửa sông sẽ lấy 5 mẫu trầm tích đáy/1 đợt quan trắc. Tại khu vực cảng biển, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão sẽ lấy 28 mẫu trầm tích đáy, 22 mẫu nước biển ven bờ, 22 mẫu sinh vật biển và 10 mẫu không khí trong mỗi đợt quan trắc... Từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện quan trắc đợt 2 lấy 250 mẫu phân tích, gồm: Mẫu nước biển ven bờ, trầm tích đáy, sinh vật biển, không khí... tại các khu vực nói trên để tiếp tục đánh giá chất lượng môi trường biển.

Là tỉnh có chiều dài bờ biển lên tới 102 km với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Hiệu quả từ kinh tế biển mang lại là rất lớn, nhất là trong khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và phát triển du lịch. Hy vọng, việc tăng cường quan trắc tổng hợp môi trường biển sẽ góp phần quan trọng đối với công tác bảo vệ TN&MT biển, bảo đảm cho kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển của tỉnh nhà phát triển bền vững.


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]